Sự kiện được tổ chức từ ngày 2-5/11, với hơn 200 đơn vị tham gia, gần 300 gian hàng trưng bày với 4.000 sản phẩm. Đây là dịp quảng bá nông sản OCOP, sản phẩm cây có múi của các địa phương đến đông đảo người tiêu dùng.
Các đại biểu cắt băng Khai mạc Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019. |
Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết, Hòa Bình là một trong những vùng trồng cây ăn quả có múi trọng điểm của khu vực phía Bắc. Nơi đây, đã hình nhiều vùng sản xuất tập trung, sản phẩm lợi thế như cam, quýt, bưởi, gà đồi, cá sông Đà...
Các sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng với các chuỗi siêu thị lớn, nhà hàng, chợ đầu mối và các tỉnh, thành trong cả nước đã làm nên 1 bức tranh nông nghiệp khu vực phía Bắc.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 31 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cung ứng nhiều sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Hàng năm, Hòa Bình cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn trái cây ăn quả.
Ông Khánh cho biết thêm, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay Hòa Bình đã công nhận 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày. |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, chúng ta đã có được 1 thời điểm mà các nông sản của Việt Nam phát triển theo hướng hội nhập. Nông sản của bà con được nâng lên rất nhiều.
Hôm nay, tỉnh Hòa Bình công bố 24 sản phẩm OCOP lần đầu tiên của tỉnh sau hơn 1 năm tập trung thực hiện theo các điều kiện, yêu cầu của sản phẩm OCOP. Đây là tín hiệu rất vui, chứng tỏ trình độ SX của nông dân chúng ta được nâng lên.
Ngoài ra, cho thấy tiềm năng phát triển nông sản hàng hóa của Việt Nam, kể cả các nhóm sản phẩm trụ cột quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh; đặc biệt là nhóm nông sản đặc sản của làng xã, địa phương chúng ta rất đa dạng, phong phú và dồi dào.
“Nhà nước, doanh nghiệp cùng với người nông dân có liên kết tốt thì chúng ta sẽ làm nên nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vừa mang chất lượng tốt, vừa có giá thành phù hợp, không chỉ đáp ứng cho thị trường nội địa mà còn cả thị trường xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp chia sẻ thêm, các tỉnh, các địa phương, bà con nông dân đã rất chủ động trong xúc tiến thương mại. Một là, ứng dụng những công nghệ cao của công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc ngay từ khâu sản xuất, chế biến cho đến khâu bán hàng.
Thứ hai, trình độ sản xuất hàng hóa của người nông dân Việt Nam từ việc áp dụng, xây dựng vùng nguyên liệu sạch cho đến việc tổ chức sản xuất hàng hóa, mẫu mã, bao bì được nâng cao.
Thông qua đó, thấy được trình độ sản xuất của bà con bây giờ không phải vì năng suất, mà họ quan tâm đến chất lượng và đưa ra sản phẩm hàng hóa tốt nhất, bắt mắt nhất phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu…