Dự lễ khai mạc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ hội |
Sau thành công của Festival văn hóa cồng chiêng năm 2009, thì Festival văn hóa cồng chiên năm 2018 tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc của lễ hội nhằm giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa cồng chiêng tại Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.
Ngoài tỉnh Gia Lai, các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và tỉnh Kon Tum cũng cử các đoàn cồng chiêng, nghệ nhân, diễn viên tham gia. Riêng tỉnh Gia Lai các huyện, thị xã, thành phố cũng lập đoàn tham gia lễ hội.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, dự kiến Lễ hội quy tụ đến 1.200 nghệ nhân. Chủ đề chính của lễ hội đó là "Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên", do đó, sẽ có 4 lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào nơi đây được phục dựng.
Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội được đánh giá là một hoạt động văn hóa tạo môi trường thuận lợi để giao lưu văn hóa, tăng thêm sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi khai mạc Lễ hội văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng di sản cồng chiêng Tây Nguyên là một thế mạnh để phát triển mạnh về kinh tế- xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp ngày càng giàu có cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
"Lễ hội hôm nay là sự tôn vinh của những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt rất đông các cháu thiếu nhi, những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha truyền lại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng tại Gia Lai năm 2018 |
Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 được tổ chức từ ngày 30/11 đến 2/12 tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai với qui mô cấp khu vực. Các hoạt động chính bao gồm: Lễ hội đường phố; Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống; Trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Sinh hoạt văn nghệ dân gian. Ngoài ra, còn có một số các hoạt động khác như: Hội chợ thương mại Công, nông nghiệp Gia Lai; Cà phê đường phố; Ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền; Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Tây Nguyên.