Do ảnh hưởng bão lũ kéo dài, mực nước sông Lô dâng cao, dòng chảy bị thay đổi khiến địa chất suy yếu, làm sạt lở đê tả Lô, gây đứt đường, chia cắt giao thông tỉnh lộ 323, thuộc Km43, khu Tiền Phong, xã Hùng Long (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ).
Cụ thể, từ ngày 18/9 đoạn bờ, vở sông tương ứng K19+00 - K19+050 đê sông Lô (tương ứng km43+750 - km43+800 đường tỉnh ĐT.323) thuộc địa bàn xã Hùng Long bị sạt lở mạnh, vị trí sạt lở đến giáp chân đê.
Đến 16h00 ngày 20/9 sạt lở tại vị trí trên lại tiếp tục diễn ra và vào sát mép đường bê tông mặt đê; đến 17h00 cùng ngày sạt lở vào sâu hết thân đê; chiều dài cung sạt khoảng 50m, bờ lở cao 14-16m, gây đứt đường, chia cắt giao thông đường tỉnh ĐT.323.
Tính đến ngày 24/9, vị trí sạt lở liên tục lan rộng, tăng lên khoảng 100m chiều dài, mặt đê trong khu vực sạt lở xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ tiếp tục sạt trượt.
Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở đê tả sông Lô, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo cơ quan chức năng lập rào chắn, thông báo, cắm biển cảnh báo không cho người và các phương tiện vào khu vực sạt lở, đồng thời phân luồng giao thông, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình để báo cáo kịp thời khi phát sinh các tình huống.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Thọ cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có mưa to, nhiều nơi mưa rất to kết hợp xả lũ các hồ thủy điện trên hệ thống sông Chảy và sông Lô đã xảy ra lũ lớn. Mặt khác thời gian mực nước sông ở mức báo động kéo dài nhiều ngày làm đất bão hòa nước, khu vực sạt lở có vở lở cao, địa chất yếu, khi các hồ thủy điện đóng các cửa xả, mực nước sông Lô rút nhanh đột ngột đã gây nên hiện tượng sạt, trượt đê tả Lô.
Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cũng đã có tờ trình về việc đề nghị công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai (bao gồm phương án xử lý khẩn cấp, lệnh xây dựng công trình khẩn cấp) sự cố sạt, trượt đê hữu sông Lô đoạn tương ứng từ K19+00 - K19+050 thuộc địa bàn xã Hùng Long. Phương án khắc phục khẩn cấp sự cố là lăn đê vào phía đồng, chiều dài đoạn lăn đê khoảng 500m đảm bảo đồng bộ với tuyến đê và tuyến đường giao thông hiện tại.
Kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Phú Thọ, hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác (trong đó, chi phí xây dựng khoảng 13 tỷ đồng; chi phí đền bù GPMB khoảng 2 tỷ đồng). Thời gian thực hiện, thi công xây dựng hoàn thành xong trước ngày 30/12/2024.
Ngoài đê tả Lô, bão số 3 và mưa lớn kéo dài cũng gây nhiều thiệt hại về thủy lợi, đê điều tại tỉnh Phú Thọ. Tuyến đê tả, hữu sông Thao trên địa bàn huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê bị tràn và xấp xỉ tràn đê, phải xử lý chống tràn. Cụ thể tại Hạ Hòa có chiều dài chống tràn khoảng 20,5km với trên 40 vị trí, khoảng 5km đê tả, hữu Thao bị tràn không khống chế được do mực nước sông Thao lên quá cao.
Tại Cẩm Khê chống tràn đê Ngòi Giành với chiều dài khoảng 1km, xử lý sạt trượt mái đê Ngòi Giành khoảng 50m.
2 phai dâng bị vỡ (phai Lùm xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn và phai Vình xã Lương Sơn, huyện Yên Lập), sạt lở 980m bờ vở sông. Xử lý 6 sự cố cống dưới đê và 12 điểm mạch đùn, sủi (11 điểm tại huyện Phù Ninh, 1 điểm tại thành phố Việt Trì).