| Hotline: 0983.970.780

Vùng tâm lũ Phú Thọ quyết tâm lấy vụ đông bù vụ mùa

Thứ Sáu 20/09/2024 , 08:54 (GMT+7)

PHÚ THỌ Tỉnh Phú Thọ sẽ chỉ đạo và hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ sang trồng cây vụ đông để bù đắp thiệt hại.

Lúa mùa mất trắng ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Ảnh: Văn Việt. 

Lúa mùa mất trắng ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Ảnh: Văn Việt. 

Vụ mùa năm 2024, tỉnh Phú Thọ gieo cấy 22,626 nghìn ha, trước và trong bão số 3 đã thu hoạch được hơn 4,2 nghìn ha, năng suất ước đạt 53,4 tạ/ha. Thống kê sơ bộ, bão số 3 và mưa lũ kéo dài đã khiến hơn 5,395 nghìn ha lúa của Phú Thọ bị ảnh hưởng. Trong đó có hơn 1,6 nghìn ha ảnh hưởng trên 70%. Nặng nề nhất là huyện Hạ Hòa với diện tích lúa bị thiệt hại, mất trắng xấp xỉ 1.000ha.

Ông Ngô Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết: Tổng thiệt hại về nông nghiệp của Hạ Hòa khoảng 2,134 nghìn ha. Ngoài lúa còn có rau màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi…, cơ bản bị mất trắng.

Đến thời điểm hiện tại, huyện vẫn đang tiếp tục cập nhật số liệu do một số hộ vẫn đang còn ngập chưa về được nhà để kiểm tra, báo cáo. Với riêng cây lúa, vụ này xem như Hạ Hòa không còn gì, đặc biệt là một số xã như Hiền Lương, Đan Thượng, Tứ Hiệp, Vĩnh Chân, Văn Lang, Minh Côi…

Người dân Hạ Hòa gượng dậy sau lũ. Ảnh: Hoàng Anh. 

Người dân Hạ Hòa gượng dậy sau lũ. Ảnh: Hoàng Anh. 

Có mặt tại xã Hiền Lương sau lụt bão, toàn bộ cánh đồng trước Đền Mẫu Âu Cơ vẫn mênh mông nước. Trận lũ “lịch sử của lịch sử” đã nhấn chìm toàn bộ xã thuần nông bên sông Thao. Hơn 800 hộ dân phải di dời, đến nay vẫn còn 55 hộ chưa thể trở về nhà mặc dù lũ đã rút, nhiều vùng trong xã vẫn đang bị chia cắt. Đặc biệt, lúa vụ mùa của xã Hiền Lương chịu thiệt hại hết sức nặng nề, đa phần bị mất trắng, nước lũ gây ngập úng suốt cả tuần liền khiến lúa hư hỏng nặng, khó có thể cứu vớt, phục hồi.

Ví như trường hợp ông Trần Văn Hòa (58 tuổi) ở khu 9, xã Hiền Lương. Bão lũ cướp mất của ông bà hơn 100 con gà và 5 sào lúa. Ông Hòa ngán ngẩm: "Lúa năm nay đẹp lắm, ngỡ thắng to đến nơi rồi cuối cùng mất sạch. Xã này, xã bên cạnh và hầu hết các xã ven sông Thao không nhà nào thoát cả".

Tương tự Hiền Lương, các xã trồng lúa trọng điểm khác của huyện Hạ Hòa cũng lâm cảnh trắng đồng sau lũ.

Về giải pháp hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất, ông Ngô Anh Vũ chia sẻ: Song song với ổn định cuộc sống người dân, huyện chỉ đạo, hướng dẫn người dân khẩn trương thu hoạch lúa sau khi nước rút. Đối với diện tích bị hư hỏng nặng không thể khắc phục được sẽ hướng dẫn người dân dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các giống cây rau màu để tiếp tục sản xuất vụ đông.  

“Hạ Hòa đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ diện tích lúa nói riêng và các loại cây trồng khác để đánh giá mức độ thiệt hại, chủ trương chung là sẽ chuyển sang trồng cây ngắn ngày vụ đông như ngô, đậu tương, khoai tây, bí đao xanh…”, ông Vũ cho biết.

Phú Thọ đang khẩn trương triển khai các giải pháp chuyển đổi diện tích lúa thiệt hại sang làm vụ đông. Ảnh: Hoàng Anh.

Phú Thọ đang khẩn trương triển khai các giải pháp chuyển đổi diện tích lúa thiệt hại sang làm vụ đông. Ảnh: Hoàng Anh.

Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ đến nay trên địa bàn huyện vẫn còn một số địa bàn nước rút chậm, một số hộ vẫn còn ngập, cô lập như tại xã Hiền Lương. Trạm bơm tiêu Ngòi Hiêng (xã Tứ Hiệp) không hoạt động được do lũ dâng cao làm ngập toàn bộ hệ thống máy móc, gây khó khăn cho công tác bơm tiêu úng cho các xã Đan Thượng, Tứ Hiệp, ảnh hưởng lớn đến vấn đề khôi phục sản xuất.

Mặt khác, do nước ngập quá cao làm ướt, trôi toàn bộ lúa của người dân; nước lũ ngập, làm mất trắng trên 2.134ha lúa, ngô, rau màu, chuối, thuỷ sản nên người dân vùng lũ sẽ thiếu lương thực, thực phẩm...

Để hỗ trợ người dân vùng lũ sớm khôi phục sản xuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ lương thực cho người dân vùng bị ngập, mất trắng diện tích lúa, rau màu, thuỷ sản. Các cơ quan chuyên môn sớm hỗ trợ giống và hướng dẫn chuyên môn để phục hồi sản xuất đối với diện tích lúa, rau màu, chuối, bưởi, thuỷ sản bị thiệt hại.

Đặc biệt, chính quyền ở vùng lũ Hạ Hòa kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội khác để giúp bà con có nguồn giống, vật tư đầu vào và nguồn lực khác nhằm sớm ổn định sản xuất.

Huyện Hạ Hòa kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh. 

Huyện Hạ Hòa kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh. 

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN–PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết: Đối với giải pháp khôi phục sản xuất lúa, Sở NN–PTNT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa nhân lực, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa đã chín hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão gây ra, đồng thời giải phóng đất phục vụ gieo trồng cây vụ đông.

Với diện tích lúa giai đoạn trỗ - chín sữa - chín sáp, sau khi tháo cạn nước trong ruộng, tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 - 4 khóm lại để cây đứng, tiến hành thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cũng đã thành lập các tổ công tác để hỗ trợ bà con chuyển đổi diện tích lúa bị thiệt hại sang rau màu, ngô, đậu tương và các cây trồng phù hợp khác. “Mục tiêu lớn nhất là sản xuất vụ đông để bù lại thiệt hại vụ mùa”, ông Trần Tú Anh chia sẻ.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 2] Lời khuyên của chuyên gia Nhật

HẢI PHÒNG Từ hồi có rừng ngập mặn chắn sóng, Đại Hợp không bị vỡ đê, bão lụt như trước, lại có thêm nguồn thủy sản vô tận cho hàng ngàn người dân vào rừng đánh bắt.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.