| Hotline: 0983.970.780

Cứu những đồng chuối 'đỏ như tôm luộc'

Thứ Tư 25/09/2024 , 07:30 (GMT+7)

Phú Thọ Trận lũ lịch sử trên sông Thao khiến những cánh đồng chuối ven bờ bãi thiệt hại nặng nề, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đang tìm giải pháp khắc phục.

Cánh đồng chuối xác xơ sau lũ ở huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Cánh đồng chuối xác xơ sau lũ ở huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh.

Tỉnh Phú Thọ có khoảng hơn 3.500ha chuối. Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ lịch sử đã khiến gần 700ha chuối của tỉnh chịu thiệt hại nặng nề, trong đó huyện Hà Hòa có diện tích thiệt hại lớn nhất với khoảng 213,5ha.

Anh Hà Văn Tú là người trồng chuối nhiều nhất huyện Hạ Hòa với hơn 61ha, chuối đang thời kỳ trỗ hoa ở xã Vĩnh Chân. Chỉ độ khoảng 3 tháng nữa là được thu hoạch để xuất đi Trung Quốc, vậy mà trong phút chốc anh Tú trở thành người tay trắng. Anh ngán ngẩm: "Mưa lũ khiến nước sông Thao lên mức lịch sử, cuốn trôi mất hơn 35ha, còn lại 26ha số bị cát vùi, số khác bị ngập úng, chết đỏ như tôm luộc. Tổng thiệt hại sau lũ khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Nông dân Hà Văn Tú (xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) mất gần 10 tỷ đồng vì lũ lụt. Ảnh: Hoàng Anh.

Nông dân Hà Văn Tú (xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) mất gần 10 tỷ đồng vì lũ lụt. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều diện tích lúa, rau màu và cây ăn quả bị ngập sâu trong nước, tình trạng ngập úng kéo dài nhiều ngày. Trong đó diện tích lúa bị thiệt hại hơn 5,4 nghìn ha, ngô hơn 1,3 nghìn ha, rau hơn 1,14 nghìn ha và các loại cây trồng, chăn nuôi, thủy sản… 

“Trước, trong và sau bão, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ đã có các hướng dẫn bà con thu hoạch sớm đối với các diện tích cây trồng tới kỳ thu hoạch nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đối với cây ăn quả, đặc biệt là cây chuối hiện đang rà soát, thống kê thiệt hại và tùy tình hình thực tế ở từng địa phương, từng vùng để có biện pháp hỗ trợ, khắc phục hiệu quả nhất”, ông Đạo cho biết.

Chuối gãy đổ ngổn ngang. Ảnh: Hoàng Anh. 

Chuối gãy đổ ngổn ngang. Ảnh: Hoàng Anh. 

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Thọ, trong số diện tích chuối bị thiệt hại gần 700ha, ngành NN–PTNT tỉnh Phú Thọ đã phân loại theo mức độ thiệt hại với 54,5ha thiệt hại dưới 30%; 207,7ha thiệt hại từ 30 - 70%; 435,4ha thiệt hại trên 70%... Từ đó có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và bà con có giải pháp phục hồi sản xuất.

Cụ thể, đối với diện tích chuối đang bị ngập, để tiếp tục canh tác, bà con cần khơi luống thoát nước, vừa chống ngập úng cho cây vừa giúp lớp phù sa khô lại. Sau đó, bà con phải cắt hết phần lá bị mưa lũ làm gãy đổ, vàng úa và tiêu hủy. Cây nào đổ, gãy cần cắt bỏ phần thân, chỉ giữ lại phần gốc để lấy mầm giống phục vụ tái sản xuất.

Nông dân và chuyên gia Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ kiểm tra, tìm giải pháp cứu vườn chuối. Ảnh: Hoàng Anh.

Nông dân và chuyên gia Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ kiểm tra, tìm giải pháp cứu vườn chuối. Ảnh: Hoàng Anh.

Đối với phần diện tích bị ngập, sau khi thoát nước, bùn đất se lại bà con lưu ý xới xáo lại đất, làm thoáng bộ rễ và sử dụng chế phẩm vi sinh để hạn chế nấm bệnh, bón bổ sung phân hữu cơ giúp cây có thêm dinh dưỡng, sau đó trồng thêm cây giống mới.

Đối với diện tích chuối bị ngập úng, “đỏ như tôm luộc”, bà con sử dụng B1, B12 phun lên tán lá nhằm kích thích cây nhanh ra rễ, mau chóng phục hồi cây giống để phục vụ tái sản xuất. Chủ động nguồn giống để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại.

Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, Sở NN–PTNT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo tập trung thu hoạch nhanh, gọn đối với diện tích cây ăn quả đã tới kỳ thu hoạch (bưởi chua, bưởi chín sớm...); vùng bị ngập úng khẩn trương đào rãnh ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân nhằm phục hồi vườn cây.

Cánh đồng chuối xã Vĩnh Chân sau bão lũ lịch sử. Ảnh: Hoàng Anh.

Cánh đồng chuối xã Vĩnh Chân sau bão lũ lịch sử. Ảnh: Hoàng Anh.

Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn… tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra sau bão lũ.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.