| Hotline: 0983.970.780

Khẳng định lại quan hệ đối tác để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp

Thứ Ba 25/04/2023 , 19:05 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, trong quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng ông Juan Lucas Restrepo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng ông Juan Lucas Restrepo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hợp tác theo hướng thuận thiên, bền vững

Chiều 25/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Juan Lucas Restrepo, Tổng Giám đốc Liên minh kiêm Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và Vận động chính sách của CGIAR, cùng ông Stephan Weise, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT).

Chào mừng đoàn công tác tham dự Hội nghị, Thứ trưởng cảm ơn sự hỗ trợ đồng hành của CGIAR cùng các trung tâm thành viên, trong đó có CIAT, với ngành nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua.

Thứ trưởng cho biết, ngành nông nghiệp thu được nhiều thành tựu ấn tượng sau 30 năm tái cơ cấu. Tuy nhiên, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về việc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đồng thời, số lượng nông hộ nhỏ lẻ ở Việt Nam còn tương đối lớn. 

"Chúng tôi đã nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và 17 FTA thế hệ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế", Thứ trưởng nói.

Qua buổi gặp, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề xuất với phía đối tác 4 nội dung. Thứ nhất, Việt Nam sẵn sàng phối hợp trong việc tìm nguồn hỗ trợ về các vấn đề như sức khỏe cây trồng, sức khỏe vật nuôi, an toàn thực phẩm, kỹ thuật nông nghiệp, phát triển hệ sinh thái, cảnh quan bền vững, thức ăn gia súc.

Thứ hai, mong muốn nhận được sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật để xây dựng các mô hình thí điểm, tạo đà phát triển cho nông nghiệp. Thứ trưởng cho rằng Việt Nam rất cần công nghệ lõi, công nghệ nguồn và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn CIAT có nhiều hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật hơn với Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn CIAT có nhiều hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật hơn với Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ ba, cam kết phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường để phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận Một sức khỏe.

Thứ tư, đề nghị đối tác có những hợp tác cụ thể ở cấp trung ương, trên cơ sở xây dựng khung chính sách và cơ sở pháp lý. Đồng thời, hai bên sẽ xây dựng lộ trình để có những báo cáo cụ thể hàng năm, nhằm đánh giá hiệu quả phối hợp.

"Việt Nam có đường biên giới dài, dịch bệnh dễ lây truyền qua biên giới. Chúng tôi cũng có sự đa dạng sinh học phong phú. Việc bảo vệ sức khỏe cây trồng, vật nuôi, cũng như tìm ra các giải pháp bền vững là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đô thị hóa mạnh mẽ", Thứ trưởng chia sẻ.

Đóng góp xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi

Cảm ơn sự tiếp đón thịnh tình của phía Việt Nam, ông Juan Lucas nêu mục đích cuộc thảo luận chiều 25/4 nhằm điều chỉnh chương trình nghiên cứu của mình với các ưu tiên của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và thực phẩm.

Theo lãnh đạo CIAT, những tác động của Liên minh với Việt Nam trong 5 năm qua góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông qua thu hẹp khoảng cách về các vấn đề hệ thống lương thực. Công việc này liên quan mật thiết tới kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến Không còn nạn đói và Chuyển đổi hệ thống lương thực.

"Nhiều kết quả đã được thể hiện trong các lĩnh vực môi trường thực phẩm, hành vi của người tiêu dùng, thức ăn thô xanh nhiệt đới, sắn, nông nghiệp kỹ thuật số, hệ sinh thái nông nghiệp và cảnh quan bền vững, hành động khí hậu và đa dạng sinh học cho thực phẩm và nông nghiệp", ông Juan Lucas bày tỏ.

Tự hào về hợp tác với Bộ NN-PTNT và các đối tác khác tại Việt Nam, CIAT có thể xác định các lộ trình phù hợp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm trong nước, dựa trên bối cảnh địa lý, xã hội, chính trị, kinh tế của một quốc gia và đồng sáng tạo với các hệ thống nghiên cứu quốc gia, các trường đại học và quan trọng nhất là với người dùng cuối: nông dân.

“Điều này rất rõ ràng trong suy nghĩ của chúng tôi và đó là lý do tại sao chúng tôi đã làm việc với các bên liên quan trong khu vực và quốc gia, bao gồm cả Hệ thống Đổi mới và Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia, trên khắp các khu vực để xác định lộ trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm", ông Juan Lucas cho biết.

Ông Juan Lucas cho biết, Bộ NN-PTNT tiếp tục là đối tác ưu tiên trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Juan Lucas cho biết, Bộ NN-PTNT tiếp tục là đối tác ưu tiên trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Stephan Weise đánh giá cao quan hệ đối tác với Bộ NN-PTNT. Điều này cho phép CIAT tiếp cận các bên liên quan và những người tạo ra thay đổi, đồng thời xây dựng năng lực để củng cố ngành nông sản thực phẩm trong nước.

“Công việc hợp tác lâu dài tiếp tục cung cấp các giải pháp tích hợp ở nhiều quy mô khác nhau. Liên minh tại Việt Nam luôn cập nhật những đổi mới mới nổi để hỗ trợ cộng đồng và sinh kế, đồng thời tác động đến nghiên cứu và phát triển cũng như chính sách của địa phương và quốc gia", ông cho biết.

Sáng kiến đa bên

Tại buổi làm việc, Liên minh cam kết hỗ trợ Bộ NN-PTNT triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm gắn với công việc chung của chương trình khu vực ASEAN-CGIAR, đồng thời triển khai Sáng kiến CGIAR về chế độ ăn uống lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống thực phẩm (SHiFT) để cải thiện chế độ ăn uống của nhóm dân số dễ bị tổn thương ở Việt Nam.

Liên minh cũng đang thực hiện các Sáng kiến CGIAR khác tại Việt Nam, đặc biệt là về năng suất chăn nuôi bền vững (SAPLING), những giải pháp thuận thiên, nâng cao sức khỏe động thực vật... nhằm mục đích xây dựng sinh kế và khả năng phục hồi môi trường.

Thông qua quan hệ đối tác công tư, Liên minh cho biết đang nghiên cứu xây dựng một danh mục đầu tư hỗ trợ các mặt hàng nông sản chính, từ sắn đến cà phê, chè và hạt tiêu đen ở Việt Nam. Công việc này liên quan đến đổi mới gen, nông nghiệp sinh thái và các công cụ nông nghiệp kỹ thuật số.

Phía CIAT đồng thời giới thiệu 6 hướng nghiên cứu, trong đó có ứng dụng dự báo khí hậu và giám sát sức khỏe đất theo thời gian thực. Đây là công nghệ được đánh giá tiềm năng, có khả năng giám sát rừng trên toàn cầu, góp phần giúp truy xuất được những sản phẩm như cà phê có được trồng từ khu vực không gây suy thoái rừng hay không.

“Chúng tôi rất vui khi có cơ hội trình bày những công việc mà chúng tôi đã thực hiện, góp phần chuyển đổi hệ thống thực phẩm ở Việt Nam và xác định lộ trình cho tương lai. Bộ NN-PTNT là một trong những đối tác chính của chúng tôi trong việc đảm bảo rằng các nghiên cứu đang phù hợp và kịp thời để giải quyết các vấn đề trong hệ thống nông nghiệp, thực phẩm”, ông Juan Lucas bày tỏ.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và đoàn công tác của CIAT. Ảnh: Tùng Đinh.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và đoàn công tác của CIAT. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát biểu tổng kết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Đây là những yếu tố cốt lõi, giúp Việt Nam giữ vững vị thế là quốc gia xuất khẩu nông sản.

"Việt Nam sẽ nghiên cứu, khảo sát các phương pháp giám sát từ lúc canh tác đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Song song với đó, chúng tôi sẽ ưu tiên dành nguồn lực để đảm bảo đa dạng sinh học, cũng như tăng cường công tác dự báo cho người dân, doanh nghiệp", Thứ trưởng nói.

Dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng hội nhập”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị CIAT tiếp tục nghiên cứu những công nghệ, cả về giống lẫn quy trình canh tác phù hợp với thực địa, cả trong ngắn lẫn dài hạn. Ông hy vọng, những nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao ứng dụng giám sát sức khỏe đất của CIAT. Nếu nghiên cứu phù hợp, ứng dụng có thể giúp Việt Nam quản lý vấn đề phá dừng, cháy rừng, cũng như xác định nguồn gốc gỗ hợp pháp và tín chỉ carbon.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất