Một trong những thông tin được dư luận quan tâm những ngày qua là chuyện hàng chục hộ dân chăn nuôi bò sữa của hai xã Tu Tra, Đạ Ròn (thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đã tập trung tại trạm thu mua sữa của Cty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk; đã chuyển nhượng lại cho TH True Milk) để phản đối về việc công ty này đưa ra hạn mức chỉ thu mua giới hạn 16 lít sữa/con bò/ngày.
Quy định đó hoàn toàn ngược với hợp đồng đã được ký kết trước đó giữa Dalat Milk với những nông hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương, là đơn vị sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Bà Đinh Thị Thu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Cầu Sắt (xã Tu Tra) rất bức xúc, khi cho rằng quy định mới này của Dalat Milk đã đẩy người chăn nuôi bò sữa ở đây vào con đường cùng.
Bởi chu kỳ sữa của một con bò bình quân 20 lít/ngày, cao nhất có thể lên đến 35-40 lít/ngày. Nhưng Dalat Milk chỉ thu mua như vậy, nên số sữa còn lại chỉ có cách đổ bỏ.
Trong khi đó, thì trên 300 hộ dân chăn nuôi bò sữa ở hai xã Dương Hà và Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cũng đang bức xúc trước nguy cơ sẽ phải đổ sữa ra đường như người chăn nuôi bò sữa ở hai xã Tu Tra và Đạ Ròn của Lâm Đồng.
Bởi hợp đồng ký hàng năm với Cty Cổ phần sữa Quốc tế đã hết hạn, hợp đồng mới chưa được ký, trong khi theo đại diện của Cty Cổ phần sữa Quốc tế thì “Kế hoạch năm 2015 của công ty sẽ tập trung vào Ba Vì. Chúng tôi sẽ gia hạn cho người chăn nuôi bò sữa (của hai xã nói trên) đến khi nào họ tìm được đơn vị có giá trị tốt hơn, chúng tôi sẽ dừng thu mua”.
Mỗi ngày, 300 hộ chăn nuôi bò sữa của hai xã trên cung cấp cho Cty Cổ phần sữa Quốc tế tới 6,5 tấn sữa. Nay họ biết tìm đâu ra được “đơn vị có giá trị tốt hơn” để bán số sữa đó, khi công ty ngừng thu mua?
Còn tại Lâm Đồng, Dalat Milk chỉ có năng lực thu mua 4 tấn sữa/ngày, nay đã phải mua tới 9 tấn/ngày.
Hiện trạng trên chính là hệ quả của việc quy hoạch không đồng bộ của ngành Nông nghiệp nước ta. Trong khi ở các nước khác, hàng trăm năm nay, nông dân ở các vùng nguyên liệu của họ vẫn chỉ trồng một loại nông phẩm nhưng không bao giờ phải chịu cảnh “được mùa rớt giá”, thì ở ta, mùa dưa hấu, mùa thanh long năm 2014 vừa qua, dưa và thanh long bị đổ đầy đường cho bò ăn vì thương lái ngừng thu mua đột ngột.
Và tại các cửa khẩu biên giới, hàng trăm xe tải chất đầy dưa hấu, thanh long xếp hàng dài chờ đưa sang Trung Quốc, nhưng cuối cùng không sang được. Ngay cả người trồng lúa cũng không thoát cảnh “được mùa rớt giá”. Rồi cảnh nông dân hết chặt tiêu trồng điều lại đến chặt điều trồng tiêu, thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Nay thì lại đến những hộ chăn nuôi bò sữa điêu đứng. Thanh long, dưa hấu… đổ bỏ cho bò ăn, còn có chỗ mà đổ lỗi, rằng đó là do Trung Quốc không mua. Còn chuyện sữa bò bị đổ bỏ này, thì đổ lỗi cho ai? Rõ ràng là người mình tự làm hại người mình.
Biết bao giờ nhưng thảm cảnh trên mới chấm dứt?