| Hotline: 0983.970.780

Khi thành biển cả, khi không là gì

Chủ Nhật 06/12/2020 , 15:31 (GMT+7)

Năm 1954, hòa bình lập lại, mới hai tuổi tôi được theo bố mẹ rời vùng kháng chiến trở về Thủ đô, và từ đó tới sau ngày 5/8/1964, không đi xa khỏi Hà Nội.

Ngày mùa trên sân kho HTX nông nghiệp ở huyện Nghĩa Hưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu.

Ngày mùa trên sân kho HTX nông nghiệp ở huyện Nghĩa Hưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Tư liệu.

Cái thời ấy, 1954 - 1964, mười năm hòa bình giữa hai cuộc chiến, ở miền Bắc, có thể xem là thời kì vàng son của công cuộc tập thể hóa, một thời buổi ấm no vừa đủ và rất giàu niềm tin. Là như vậy, chí ít đối với lớp trẻ mới lớn, hoặc nói cho chính xác, đối với lớp trẻ thành phần “con nhà cán bộ hộ khẩu Hà Nội”.

Đời sống vật chất được đảm bảo chỉ có học và chơi, không phải lo nghĩ gì, cho nên vô tư mà cũng là vị kỉ, chẳng thấy gì, chẳng biết gì về cuộc sống có thật ở đời. Chẳng hạn, nông thôn miền Bắc, với tôi đấy là những gì được trang trí trong các tác phẩm văn học thời đó viết về đề tài nông nghiệp mà chúng tôi được học ở trường.

Lối sống thị thành yên ổn và vô tâm kiểu đó chấm dứt từ mùa thu 1964, khi Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn cõi Việt Nam.

Sau 10 năm hòa bình, người dân Hà Nội bắt đầu lâm cảnh chiến tranh. Người già, trẻ nhỏ và thiếu niên (từ 16 tuổi trở xuống) phải rời thành phố để tránh bom. Bản thân tôi khi đó đang học cấp 2 đã sơ tán về huyện Văn Giang, lên cấp 3 thì về Khoái Châu, rồi nữa là Thạch Thất.

Suốt quãng đời đó, từ 12 tới 17 tuổi, rời cha mẹ, xa Hà Nội, tôi luôn được các gia đình nông dân xem như con cái trong nhà. Mà đâu có riêng gì tôi mới được như thế. Không phải tất cả song cũng tới già nửa dân số nội thành Hà Nội đã tản về các miền quê.

Hàng trăm ngàn con người thành thị nhờ vào sự che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng của người nông dân mà chẳng những yên lành tai qua nạn khỏi lại còn được hưởng sự tôn trọng và tình thương mến nồng hậu, không hề bị cảm giác đất khách quê người.

Những năm gần đây, với mức sống đã khấm khá lên, ở Hà Nội nhiều cuộc triển lãm tranh, ảnh, sách được mở ra để “ôn nghèo” cuộc sống thời bao cấp. Nhưng, như tôi thấy, những hồi tưởng ấy hầu hết “kể khổ” về đời sống của dân thành phố - tem phiếu, xếp hàng, mất điện thiếu nước, nhà cửa tồi tàn, phố xá xập xệ...

Đúng là kham khổ thật đấy, song thiết nghĩ, có là gì đâu so với những hy sinh và chịu đựng của nông thôn những năm tháng ấy.

Thời ấy, những địa phương mà tôi đã sơ tán về đều là những vùng quê trù mật, nhưng người nông dân, chủ nhân của những nơi đấy, hồi đó, đều nghèo. Ai ai cũng quanh năm tứ thời cật sức làm lụng mà thiếu thốn mọi bề, “đứt bữa” là sự thường.

Một tay học trò dài lưng tốn vải như tôi dẫu chẳng sung sướng gì, nhưng nhờ có cái sổ gạo và tiêu chuẩn tem phiếu Hà Nội nên vẫn có mức sống mà các bạn học người địa phương hay là nói chung bất kỳ người nông dân nào cũng chẳng dám màng.

Làm ra hầu như tất cả mọi thứ để nuôi sống thế gian mà rồi theo nghĩa vụ của người nông dân thời đó, họ đóng góp hầu hết, chẳng còn lại bao lăm cho bản thân và gia đình.

Mà nghĩa vụ của nông dân đâu chỉ có thế. Tôi học lớp 10 ở trường cấp 3 huyện Thạch Thất, song bạn học lại đa phần là dân Hà Nội sơ tán về. Thi tốt nghiệp xong, các bạn học người địa phương Thạch Thất đã hầu hết, nam đi bộ đội, nữ đi thanh niên xung phong.

Dĩ nhiên không riêng gì trường tôi lớp tôi địa phương tôi sơ tán về mới như thế. Có thể thấy rõ điều đó trong các đơn vị bộ đội, nhất là trên dọc đường Trường Sơn và các chiến trường miền Nam, hầu hết quân số là từ làng quê.

Trung đoàn chúng tôi khi hành quân vào mặt trận Tây Nguyên, lính Hà Nội cũng có nhưng không bao nhiêu so với quê Thái Bình, Hà Bắc, Vĩnh Phú. Trải qua chiến đấu quân số hao hụt, những đợt bổ sung quân cũng đều là lính trẻ thuần túy nông dân quê quê Hải Dương, quê Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhưng, không chỉ trong chiến trường miền Nam, cả bộ đội ngoài Bắc, trong phòng không và không quân, những đơn vị đã đổ máu xương bảo vệ Hà Nội và đánh bại B52 hồi 1972 cũng hầu hết là anh em nông dân mặc áo lính.

Chứ còn người ở đâu ra nữa.

Sau ngày toàn thắng không đầy một năm tôi đã được giải ngũ ra Bắc, nhưng anh em cùng đại đội, mà hầu hết quê Kiến An phải hành quân ra biên giới tây nam đánh chặn bọn Khơ me Đỏ nên nhiều năm sau mới được trở về quê hương.

Đất nước sau chiến tranh muôn phần khó khăn. Đời sống của muôn dân mọi miền gian nan còn hơn cả trong chiến tranh. Vậy nhưng, như tôi, một thường dân Hà Nội dẫu chẳng no cơm ấm áo hơn ai vẫn “sướng” hơn hẳn các bạn đồng đội giải ngũ về làng quê.

Suốt mười năm hậu chiến bao cấp (1975 - 1986) lần nào về làng quê thăm bạn hữu cùng đơn vị tôi cũng tâm tư nặng trĩu, lắm lúc thương bạn muốn trào nước mắt.

Tuy nhiên, các bạn tôi, những chiến binh đã giải phóng Sài Gòn, sau chiến tranh rời tay súng về lại với ruộng đồng đã không còn cam chịu sự kìm hãm của hình thái kinh tế trì trệ cũ kỹ.

Các bạn tôi, những người nông dân áo lính được kết nạp Đảng trong lửa đạn chiến trường, đã can đảm đi đầu và dẫn dắt làng quê Kiến Thụy tiến hành “khoán chui” ngay từ những năm 1977 - 1978, để rồi vài năm sau trở thành Khoán 100, mở đầu cho công cuộc Đổi mới nền nông nghiệp mà rộng ra là Đổi Mới toàn bộ nền kinh tế, Đổi Mới tư duy, đưa đất nước chuyển mình ra khỏi thời bao cấp, bước vào thời đại mới.

***

Cách nay không lâu tôi cùng nhóm bạn học hồi cấp 2 tổ chức họp mặt tại một khu đô thị mới, bên bờ Bắc Hưng Hải. Tôi được mời lên một chiếc Lexus bóng lộn nhập vào giữa một đoàn dài toàn xe hơi hạng sang đưa các quí ông, quí bà về thăm “cố hương”.

Gọi là cố hương bởi vì khu đô thị này mọc lên trên vùng đất của xã Cửu Cao nơi mà xưa kia, đầu năm 1965 chúng tôi khi đấy mới 13 tuổi đã sơ tán về. Giờ đây, sau nửa thế kỷ, thú thực tôi sững người trước sự giàu có của chốn xưa.

Nhưng, cũng thú thực là thấy bất ổn trong lòng, bởi nỗi không thể nào không tự hỏi - những người bạn học quê Văn Giang và các gia đình nông dân hồi chiến tranh đã đùm bọc nuôi nấng bọn trẻ Hà Nội chúng tôi hiện giờ sống ra sao, đang ở đâu?

Chắc chắn là họ không thể bám víu nổi dù chỉ một mẩu tý xíu đất quê hương trong cái chốn sang trọng này, nơi mà mỗi thước vuông có giá từ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng. Chúng tôi, ăn mặc bảnh chọe, rầm rộ xe sang, kéo nhau về đây tụ tập giao lưu và tiệc tùng liệu có phải là vô cảm quá không?

Ngẫm ra, bản thân tôi và nói chung những người thành thị chúng tôi đã được hưởng biết bao ơn nghĩa sâu nặng và lớn lao như trời cao biển rộng của thôn quê và người nông dân, nhưng với một cung cách khá là nghiễm nhiên. Cứ hưởng thế thôi, nghiễm nhiên mà hưởng.

Trong chiến tranh đã thế, hòa bình vẫn thế, và bây giờ dường như càng thế. Và bởi vì nghiễm nhiên nên ân tình được hưởng thì sâu nặng mà sự hàm ơn nếu có chăng, cũng đang dần mai một. Nhưng người nông dân Việt Nam muôn đời thơm thảo, trung hậu, bao dung đâu có cần kể ơn nghĩa và đâu cần người ta biết ơn với đền ơn.

Năm 2004 báo Văn Nghệ Trẻ tổ chức cuộc thi thơ lục bát. Giải nhất thuộc về nhà thơ Nguyễn Long quê Thái Bình với bài “Thường dân”. Theo tôi thì tên của bài thơ tuyệt vời sâu sắc và giản dị đó đúng ra phải là “Nông dân”.

... Đông thì chật ít thì thưa

Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân

Quanh năm chân đất đầu trần

Tác tao sau những vũ vần bão giông.

Khi là cây mác cây chông

Khi thành biển cả, khi không là gì

Thấp cao đâu có làm chi

Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.

Ăn của đất, uống của trời

Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin...

Xem thêm
Câu chuyện về một thành phố kiêu hãnh

Hà Nội với những con đường, tuyến phố đều ẩn chứa những câu chuyện lịch sử hào hùng, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và tinh thần kiên cường của người Hà Nội.

Chưa sa thải ông Erik Ten Hag

Các ông chủ của Man.United chưa có quyết định cuối cùng về vị trí HLV trưởng của HLV Eri Ten Hag dù họp bàn nhiều giờ liền.

Hàng nghìn người tham gia giải bán marathon 'Bước Chạy Kiên Cường'

HẢI PHÒNG Giải chạy bán marathon Hải Phòng mở rộng 'Bước Chạy Kiên Cường' sẽ được tổ chức tại huyện Thuỷ Nguyên để quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.

Bình luận mới nhất