Trong họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, phóng viên đặt câu hỏi về việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt lợn, trong khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức rất cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết cơ chế quản lý giá thịt lợn theo cơ chế thị trường, phụ thuộc cung - cầu. Khi giá thịt lợn tăng cao ảnh hưởng đến chỉ số vĩ mô là CPI, ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.
Ông cho biết dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch nên nhiều nơi chưa tái đàn. Nhiều gia đình cũng gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đàn, có nơi con giống lên tới 2-3 triệu đồng/con.
Theo báo cáo, đàn lợn 2019 giảm 21% so với 2018, tuy nhiên, theo báo cáo nhiều tỉnh có thể đã giảm đến 50%. Hiện nay, có một số doanh nghiệp chiếm khoảng 35%, số còn lại ở trong các hộ chăn nuôi nhưng chưa tái đàn nên nguồn cung thiếu.
Ông Hải cho rằng, có 2 giải pháp để giải bài toán hiện nay, thứ nhất là tái đàn nhưng cần có thời gian, dự kiến phải hết năm 2020, đàn lợn mới quay lại được như trước khi xảy ra dịch. Giải pháp tiếp theo là nhập khẩu thịt lợn, bù đắp vào phần thiếu hụt, tuy nhiên, đến cuối tháng 4 mới đạt được 45.000 tấn, so với yêu cầu 100.000 tấn.
Hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ NN-PTNT tập trung tái đàn, ngoài ra, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ ngành để tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết người tiêu dùng Việt Nam không quen dùng lợn nhập khẩu, do đó doanh nghiệp dè dặt nhập về. "Đây là khó khăn cản trở trực tiếp đến việc nhập khẩu hiện tại", ông Phương nói.