Lên xuống vì… lợn thiếu hụt?
Các chủ lò mổ địa phương đều mua lợn ở trong các trang trại với giá 73 ngàn đồng/kg hơi, giá lợn siêu nạc là 80 ngàn đồng/kg hơi.
Với giá lợn hơi đầu vào giảm nên giá bán thịt trên thị trường cũng giảm theo. Chị Nguyễn Thị Thủy, chủ quầy thịt tại chợ Đồng Hới cho hay: “Thịt nạc nhập cho hàng làm nem chả giá 140 ngàn đồng/kg. Thịt mông sấn bán lẻ 130 ngàn đồng/kg”.
Tuy nhiên vào sáng 10/4, giá thịt lợn lại đảo chiều tăng lên. Theo anh Nguyễn Xuân Vũ, chủ trang trại Vũ Trung cho biết, giá thịt lợn hơi siêu nạc đã lên đến 84 ngàn đồng/kg. “Từ sáng nay, giá thịt lợn đã tăng hơn hôm qua từ 10-15 ngàn đồng/kg”- anh Vũ cho hay.
Cụ thể là giá bán thịt nạc loại 1 là 150 ngàn đồng/kg, thịt mông sấn lên lại giá 140 ngàn đồng/kg.
Giá lợn hơi cũng được tăng lên. Ông Kiên, một chủ lò mổ tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) cho biết: “Giá mua lợn hơi từ sáng 10/4 đã lên 76 ngàn đồng/kg rồi”.
Theo nhận định của nhiều chủ lò mổ thì nguyên nhân giá tăng lên lại vì số lượng lợn trong gia trại đã dần cạn nguồn. Vài tháng trước đây, lợn giống vừa khan hiếm, vừa tăng cao nên bà con cũng e dè trong việc tái thả đàn.
Ông Nguyễn Minh (xã Gia Ninh), có 3 con lợn nái vừa cung cấp con giống cho bà con trong địa phương vừa để thả lợn thịt bán. Sau dịch tả lợn Châu Phi, ông cũng chưa tái đàn lợn nái.
“Trước đây, giá lợn giống là 70 - 80 ngàn đồng/kg. Bây giờ đã lên từ 130 -150 ngàn đồng/kg. Tại địa phương có trên 20 lợn nái thì bữa nay chỉ còn lại 2 con do hai nhà nuôi”- ông Minh kể.
Cấp tốc tái đàn
Trang trại chăn nuôi Vũ Trung (huyện Lệ Thủy) có quy mô tổng đàn 1.200 con lợn thịt. Anh Nguyễn Xuân Vũ, chủ trang trại cho biết vừa mới xuất bán 200 con lợn (mỗi con từ 80-100kg) cuối cùng.
Hiện trang trại chưa thể tái đàn. Theo anh Vũ nguyên do là lợn giống vừa đắt giá vừa hiếm trên thị trường.
Nhìn nhận ra vấn đề, anh Vũ quyết định không thả lợn thịt nữa mà chuyển làm dự án nuôi lợn nái để cung cấp cho thị trường đang khan hiếm.
“Tuy nhiên, hồ sơ dự án cũng đang trong giai đoạn trình lên các cấp chính quyền có thẩm quyền xen xét, ra quyết định thì mới triển khai được”, anh Vũ chia sẻ thêm.
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình, hiện tổng đàn lợn của địa phương này có trên 260 ngàn con. Trong đó có lợn choai gần 77 ngàn con và lợn vỗ béo trên 81 ngàn con. Lượng lợn còn cung ứng cho thị trường một số tỉnh khác nên thị trường nội tỉnh vẫn bị thiếu hụt.
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, hiện số lượng lợn bố, mẹ ở địa phương cũng mới đang ở mức thấp. Hiện có gần 32 ngàn con.
“Trong khi đó, tổng đàn bố mẹ cần phải có ít nhất 50 ngàn con mới đáp ứng được nhu cầu ổn định tái đàn của các địa phương, trang trại trong tỉnh”- ông Trần Công Tám nói.
Theo lộ trình qua quý 2/2020, Quảng Bình đẩy mạnh công tác tái đàn và đạt được con số tổng đàn 285 ngàn con vào cuối quý.
Để có được chỉ tiêu này, Quảng Bình đang thực hiện chính sách hỗ trợ tái đàn, khẩn trương tăng đàn lợn nái cấp bố mẹ.
“Chúng tôi cũng đã tham mưu cho tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao, ổn định lâu dài. Qua đó, góp phần ổn định thị trường, giúp cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất”- ông Tám cho biết thêm.