Liên tục nhiều cuộc đấu giá tranh được tổ chức, ngỡ như mang lại sức sống mới cho nền mỹ thuật, nhưng lại khiến công chúng hoang mang vì sự lẫn lộn giữa tranh thật và tranh giả.
Bức tranh “Con gái của nhà văn” |
Tại nhà đấu giá Chọn, bức tranh “Con gái của nhà văn” được giới thiệu là của hoạ sĩ Vũ Giáng Hương (1939-2011) được mang ra chào hàng với những nhà sưu tập. Bất ngờ thay, gia đình cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương và giới chuyên môn đều khẳng định đó không phải là tác phẩm của hoạ sĩ Vũ Giáng Hương. Hay nói đúng hơn, bức tranh “Con gái của nhà văn” được vẽ sau khi hoạ sĩ Vũ Giáng Hương qua đời. Chữ ký giả mạo hoạ sĩ Vũ Giáng Hương trên bức tranh, một lần nữa cho thấy thị trường tranh nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Sàn đấu giá là một trong những cơ sở để xây dựng một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Đáng tiếc, những sàn đấu giá đang giai đoạn nhen nhóm ở nước ta không tuân thủ những nguyên tắc minh bạch cần thiết. Một chủ sàn đấu giá tranh cho rằng: "Một số nhà buôn tranh có thủ thuật để mua được tranh thật với giá tốt bằng cách tung tin tranh đó là giả để mình mua được. Còn phía người mua cũng có tình trạng "nhường" nhau, không đấu để có được mức giá mua thấp tại phiên đấu giá, đôi khi họ ngầm thống nhất không mua tranh đấu giá để hạ giá tranh của một họa sĩ nào đó xuống, nhờ đó họ có thể mua các tranh khác của họa sĩ đó với mức giá thấp trên thị trường".
Ngược lại, hoạ sĩ Nguyễn Như Huy nhấn mạnh: "Sàn đấu giá cần giữ vai trò khách quan, trung gian, minh bạch. Trong trường hợp nhà đấu giá chỉ tìm cách tạo ra giá trị theo kiểu "bơm thổi" như dùng các công cụ truyền thông, các mẹo đẩy giá tức thời, hay người mua không rõ lai lịch sưu tầm, nhưng trả giá cao bất thường,... sẽ là mối nguy hại cho người mua".
Một khái niệm mới được tạo ra cho thị trường tranh Việt là “rửa tranh”. Những bức tranh không rõ nguồn gốc được chính danh bằng cách… in vào sách mỹ thuật hoặc đưa lên sàn đấu giá. Và nhà sưu tập chỉ cần không sơ ý sẽ mất tiền oan uổng cho những tác phẩm giả hoặc tác phẩm nhái. Một nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bát nháo tranh thật tranh giả, chính là dòng tranh được hình thành do… hoàn cảnh lịch sử.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo chia sẻ, từ cuối thập niên 1960, do lo sợ Mỹ ném bom hủy diệt Hà Nội, nên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phải di chuyển hàng trăm tác phẩm mỹ thuật về nông thôn cất giấu, mà chỉ trưng bày những bản sao. Lâu ngày, bản chính bị hư hỏng hoặc thất lạc, mà bản sao lại xuất hiện như bản chính. Hơn nữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn có bộ phận chuyên viên để làm các bản sao tác phẩm theo yêu cầu ngoại giao. Những bản sao được tặng cho cá nhân hoặc đoàn nào đó, sau khi đi vòng qua các nước lại quay về Việt Nam và được đưa ra giao dịch như… bản chính.