| Hotline: 0983.970.780

Khó từ cửa khẩu đến vùng nuôi: [Bài 2] Người nuôi lỗ vốn, e ngại tái đầu tư

Thứ Năm 10/10/2019 , 08:30 (GMT+7)

“Đụng đâu khó đó” là câu than thở của những người quản lý thủy sản ở Quảng Ninh, trong bối cảnh xuất khẩu mặt hàng này qua cửa khẩu bị Trung Quốc thắt chặt. Khó từ việc cấp mã vùng nuôi, đến khi thành phẩm được mang đến biên giới.

10-36-09_img_0246
Nuôi tôm lỗ vốn khiến nông dân nản lòng.

Sau một thời gian dài phía Trung Quốc siết chặt tiểu ngạch, từng bước chính ngạch hóa nhập khẩu (NK) các mặt hàng nông sản, thủy hải sản qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), hàng nghìn hộ dân nơi đây đang rơi vào tình trạng lỗ vốn, e ngại tái đầu tư.
 

Giá tôm thiếu ổn định

Tôm thẻ chân trắng nuôi tại TP Móng Cái được thương lái Trung Quốc ưa chuộng với nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt vị trí gần biên, thời gian thu hoạch cho đến khi xuất khẩu (XK), tôm giữ được độ tươi, sống. Nếu như những năm trước, giá tôm XK sang Trung Quốc dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg (tùy từng loại), thì đến nay giá giảm không phanh. Hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ ở địa phương này đang rơi vào thảm cảnh, giảm quy mô sản xuất, nuôi trồng dè dặt, cầm chừng.

Một trong những thay đổi lớn nhất từ phía Trung Quốc trong danh mục sản phẩm thủy sản NK gây khó khăn cho người dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại Móng Cái là danh mục tôm ướp đá bị xóa bỏ, thay vào đó là tôm cấp đông. Sự thay đổi này đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK.

Đáng nói, việc Trung Quốc áp dụng chính sách thắt chặt này rơi vào đúng thời điểm thu hoạch tôm của người dân. Số lượng tôm thu hoạch ồ ạt, không thể XK khiến người dân tá hỏa tìm hướng tiêu thụ tôm bằng cách đổ buôn cho thương lái nội địa khiến tôm liên tục rớt giá.

Thêm vào đó, Quảng Ninh hiện chỉ có 3 doanh nghiệp có đủ khả năng cấp đông cho tôm, đồng nghĩa với việc chỉ những DN này được phép XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, với năng lực thấp, dây chuyền công nghệ cũ, giá thành cấp đông quá cao nên lại càng khó cạnh tranh với sản phẩm tôm cấp đông của một số nước trong khu vực.

10-36-09_img_0193
Ảnh: Đình Mười.
Đa số hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại TP Móng Cái cho rằng, nếu không thể XK tôm sang Trung Quốc, họ thà ngưng sản xuất, bởi giá tôm tiêu thụ tại thị trường nội địa sau đợt thu hoạch vừa rồi giảm kỷ lục. Cấp đông sản phẩm thì quá sức với DN, thêm chi phí cho người chăn nuôi, họ mong muốn thỏa thuận đồng nhất giữa 2 quốc gia có thêm danh mục tôm ướp đá trở lại như cũ. Tuy nhiên cơ quan quản lý cũng khó trả lời câu hỏi này.

Là hộ nuôi tôm gần như lớn nhất Móng Cái, sau khi bị ép giá thảm hại, ông Bùi Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội nghề cá Móng Cái không dám thả thêm giống mới, phần vì lỗ vốn, phần nữa là nuôi tôm vụ đông có độ rủi ro cao, vì ít mưa, nước hay ô nhiễm.

Ông Liêm cho biết, hiện nay hầu hết các cơ sở nuôi tôm ở Móng Cái đều phải giảm diện tích nuôi, 90% sản phẩm tôm bán trong thị trường nội địa. Giá tôm thu mua tại đầm giá chỉ còn 100.000 - 120.000 đồng/kg đối với loại tốt nhất (từ 20 - 22 con/kg). Còn loại tôm kích cỡ 40 - 50 con/kg, hoặc nhỏ hơn nữa chỉ được 60.000 - 80.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ vốn.

Một hộ nuôi tôm điển hình khác là ông Đặng Thế Toàn (khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái) cũng đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn.

Ông Toàn than thở: Thời điểm này hằng năm, gia đình tôi đã xuất bán hết tôm đi thị trường Trung Quốc, nhưng năm nay do quy định về XK chặt chẽ hơn nên việc tiêu thụ hơn 20 tấn tôm vụ nuôi xuân hè phải cầm chừng để tìm thị trường tiêu thụ nội địa. Năm nay, nói chung các hộ nuôi tôm rất khó khăn về xuất bán, đều bị thất thu vì giá bán quá rẻ, không đủ bù đắp chi phí đầu tư, nói gì đến lợi nhuận.

Ông Nguyễn Tiến An, Phó phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết, hiện 1ha nuôi tôm thương phẩm cho sản lượng 20 - 25 tấn, với giá bán 70.000 đồng/kg đối với tôm loại 50 - 60 con/kg thì các hộ nuôi sẽ thiệt hại từ 500 - 600 triệu đồng/ha.
 

Ngại “đầu tư” giấy chứng nhận

Không những khó khăn trong XK, mặt hàng tôm của Quảng Ninh lại vướng phải một rào cản khác chính từ nội tại của mình. Đó là việc cấp mã chứng nhận vùng nuôi trồng, khai thác.

Trong tổng số hơn 1.100 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của TP Móng Cái, hiện mới chỉ có 1 cơ sở đăng ký được cấp giấy chứng nhận đảm bảo quy định trên. Số còn lại còn chưa nắm rõ quy định, vẫn còn tư duy chủ quan, nên không đáp ứng được các điều kiện xuất tôm vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến sản phẩm bị tồn đọng, thương lái thu mua với mức giá thấp.

Thực tế tại địa phương này là việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi trồng còn nhiều bất cập. Theo quy trình bắt buộc, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản có hiệu lực trong vòng 24 tháng khi cơ sở gửi hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đề nghị; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao khu vực biển, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; sơ đồ vị trí đặt lồng/bè, sơ đồ khu vực nuôi trồng thủy sản… đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Quân, hội viên Hội nghề cá TP Móng Cái cho hay, hiện tất cả các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng muốn XK vào thị trường Trung Quốc đều phải có mã cơ sở nuôi, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan quản lý Việt Nam cấp.

10-36-09_img_0163
Nhiều đầm tôm bỏ trống, không thả giống.

“Tuy nhiên có đến 70% cơ sở nuôi tôm thuộc Hội nghề cá Móng Cái chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đủ tiêu chuẩn, hoặc đầy đủ tất cả diện tích nuôi trồng, một phần do tự cơi nới thêm đầm, phần cho thuê, sang nhượng, chủ chăn nuôi chỉ giữ bản hợp đồng, không có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để từng bước khắc phục khó khăn này, ông Liêm cho biết, đối với các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ hiện nay, Hội đang tập trung tổ chức lại sản xuất theo từng hợp tác xã hoặc tổ hợp, doanh nghiệp, để thực hiện công tác quản lý, chứng nhận đảm bảo ATTP, cấp chứng thư cho hàng hóa XK.

Về quy trình đăng ký chứng nhận cơ sở cho hội viên, vận động hội viên nhanh chóng thực hiện giấy tờ theo đúng quy trình, tiến tới chuẩn hóa. Tuy nhiên đang trong thời điểm vừa thu hoạch xong, lỗ vốn, vay nợ, nhiều hội viên không dám thả giống nên chậm trễ, hời hợt cập nhật tình hình. Tiến tới đại hội, chúng tôi sẽ giúp đỡ các hộ thực hiện hồ sơ quy trình cấp mã cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch Hội nghề cá TP Móng Cái Bùi Ngọc Liêm cũng thừa nhận, tình trạng trên đang là khó khăn lớn nhất đối với các hội viên nuôi tôm. “Chúng tôi đang tập trung thay đổi tư duy của hội viên có cơ sở nuôi trồng để thực hiện đúng chuỗi giá trị và quy trình đảm bảo ATTP, đặc biệt khi sản phẩm sản xuất ra có đủ điều kiện vào thị trường trong nước và XK. Tuy nhiên, việc này không thể một sớm một chiều là làm được”, ông Liêm nói.

"Chính quyền TP Móng Cái và Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ NN-PTNT để làm việc với phía Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ. Nhờ đó trong 3 ngày (13 - 15/6) đã xuất được 300 tấn tôm thẻ chân trắng ướp đá đáp ứng đủ yêu cầu của phía bạn.

Tuy nhiên, theo ông An, thực tế đó chỉ là giải pháp tạm thời, bằng chứng là từ ngày 16/6 đến nay, Trung Quốc lại tiếp tục có những thay đổi danh mục sản phẩm thủy sản NK. Theo đó tôm thẻ chân trắng ướp đá của Việt Nam lại bị loại khỏi danh mục NK".

Ông Nguyễn Tiến An, Phó phòng Kinh tế TP Móng Cái

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.