| Hotline: 0983.970.780

Khó từ cửa khẩu đến vùng nuôi: [Bài 1] Dân Trung Quốc 'đói' thủy sản Việt

Thứ Tư 09/10/2019 , 09:05 (GMT+7)

Ngay từ sáng sớm, tại biên giới phía Trung Quốc, cư dân nước này đã lũ lượt xếp hàng, chờ khai báo hải quan để qua cửa khẩu. Đến chiều tối, họ lại tay xách nách mang những túi, những làn đựng hàng thủy sản tươi, hoặc khô, để mang về sử dụng.

10-36-00_img_1251
Chợ cá thành phố Đông Hưng không còn tôm thẻ chân trắng Móng Cái.

Các doanh nghiệp XNK thủy hải sản của cả Việt Nam và Trung Quốc gần như bỏ hẳn mặt hàng này từ khi Trung Quốc siết chặt thủ tục hải quan, kiểm dịch, thay vào đó tập trung làm mới hàng bằng cách sấy khô, đông lạnh để đủ điều kiện XK.
 

Đóng băng hàng thủy sản

Chị Phạm Thị Giang, nhân viên tư vấn XNK hàng thủy sản của một doanh nghiệp tại Móng Cái cho biết: Hiện hàng nông sản, thủy hải sản của Việt Nam qua đường biên mậu gần như đóng băng. Mặc dù công ty chúng tôi và phía đối tác nước bạn liên tục đưa ra giải pháp nhằm cứu vãn tình thế nhưng những mặt hàng chủ lực mà hai bên từ trước đến nay vẫn làm như tôm thẻ chân trắng, sứa... không có cách nào XNK được.

Tại cảng biên giới mậu dịch Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), ghi nhận của PV báo Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, hàng hóa, nhất là thủy sản, hầu như không thể thông quan.

Một cán bộ hải quan tại cửa khẩu Móng Cái cho biết, theo danh mục hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, những mã hàng về thực phẩm bao gồm mã 0301, 0305 là cá tươi, thủy sản khô được dân Đông Hưng mua từ phía Móng Cái rất nhiều. “Có thể do thủy sản phía bạn khan hiếm nên cư dân tìm cách mang về sử dụng hoặc bán kiếm lời”, vị này cho hay.

Những năm trước đây, khu vực khúc sông Ka Long phía Trung Quốc là nơi tập trung đủ loại rau quả, thủy sản của Việt Nam, tạo ra cơ hội kết nối vùng nông sản trữ lượng lớn, đủ chủng loại với Trung Quốc. Tuy nhiên từ khi chính ngạch hóa NK nông sản, thủy hải sản của Việt Nam qua đường biên mậu, các công ty XNK 2 nước gặp nhiều thách thức.

10-36-00_img_1279
Thanh long ruột đỏ Việt Nam đủ tiêu chuẩn vẫn có thể XK.

Tại Trung Quốc, doanh nghiệp XNK hiện phải khai báo chính xác hàng hóa qua đường chính ngạch. Trước đây, hầu hết thủy sản đều đi qua đường tiểu ngạch. Vì thế, hiện tại, các doanh nghiệp này buộc phải NK sản phẩm có trong danh mục cho phép. Và họ đang tìm nguồn hàng khô để thay thế cho hàng tươi sống mới có thể thông quan.

Anh Gia Úy, nhân viên thuộc Công ty mậu dịch Thường Lân Đông Hưng cho biết: Với sức mua của người Đông Hưng, quả thực chúng tôi đang thiếu rất nhiều nguồn thực phẩm từ Việt Nam. Công việc hiện tại của chúng tôi đang gặp rất nhiều vấn đề do chủ yếu NK hàng qua đường biên mậu.

Cũng theo anh Gia Úy, các kiot trung tâm tại cảng mậu dịch biên giới Đông Hưng phục vụ mặt hàng thủy sản gần như đóng cửa, hoặc thay đổi các mặt hàng khác NK nhằm cứu vãn hoạt động. Đơn cử là họ kinh doanh cá khô, mực khô, hay bột mì, bột sắn. Điều này vô hình trung khiến thị trường trong khu vực nhiễu loạn, các mặt hàng tươi sống thì thiếu, còn mặt hàng khô thì thừa thãi. Giá cả cũng theo quy luật mà “nhảy múa” theo.

Thực tế tại chợ cá Đông Hưng, nơi trung chuyển thủy hải sản gần như lớn nhất thành phố này, các sản phẩm như cá tươi, sứa biển, tôm thẻ chân trắng hoàn toàn biến mất tại đây, thay vào đó thương lái tập trung kinh doanh các loại cá đánh bắt trên biển nội địa như: cá đao, cá giang, cá thu và cá ngừ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc, loại hải sản tươi sống cũng không phong phú và trữ lượng không lớn. Vì thế, không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nơi đây.

Ông Hoàng Tôn, thương lái tại chợ cá Đông Hưng cho biết: Cá đao, cá giang được người dân Trung Quốc ưa thích sử dụng vào mỗi dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, vì số lượng hạn chế, cộng thêm hải sản của Việt Nam không thể nhập sang, nên giá tăng lên từng ngày.

10-36-00_img_1244
Ki ốt tại chợ biên mậu hoạt động thưa thớt.

Theo tìm hiểu của PV, cá đao có giá dao động vào khoảng 30 tệ/kg, cá giang 35 tệ/kg, tương đương 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với trước đây. “Hiện chúng tôi cũng chỉ có thể bán với số lượng hạn chế, dù nhu cầu tiêu dùng của người dân còn rất lớn”, ông Hoàng Tôn nói.

Theo ông này, chính quyền TP Đông Hưng đang có rất nhiều biện pháp khắc phục tình trạng trên bằng cách giảm giá các sản phẩm nội địa tại một số trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ giải quyết phần nào bài toán tăng giá thực phẩm, vì các mặt hàng thủy sản phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân thành phố sử dụng được NK từ Việt Nam rất khan hiếm.
 

Biến khó khăn thành lợi thế?

Lao động phổ thông tại Đông Hưng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vấn nạn tăng giá thực phẩm. Chúng tôi đến một số điểm chợ lớn của TP Đông Hưng, một số loại hải sản được bày bán với mức giá cao gấp đôi bình thường. Theo người dân, đây là sản phẩm nội địa, tuy nhiên số lượng rất ít. Tại Đông Hưng không còn quá nhiều diện tích đất canh tác, nên trước nay họ vẫn ưu tiên sử dụng sản phẩm hải sản từ Móng Cái nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chị Zhang - min, người dân địa phương chia sẻ: Hiện giờ, những gia đình có mức thu nhập thấp như chúng tôi rất ít khả năng sử dụng thủy hải sản tươi sống, những mặt hàng này ít được bày bán ở chợ hay siêu thị. Trước đây, ngao 2 cùi được NK từ Việt Nam có giá khoảng 40 - 45 tệ/kg, đến nay rất khó mua được chúng, trong khu vực nơi tôi sống không còn đơn vị nào phân phối loại thủy sản này.

“Những người thu nhập thấp tại thành phố này giờ đây khó có thể tiếp cận được với thực phẩm, hải sản đến từ Việt Nam. Đơn giản là nó khan hiếm và đắt đỏ”, Zhang nói.

Được biết, năm 2019 Trung Quốc bắt đầu siết chặt chính sách kiểm soát hàng NK vào quốc gia này. Trước đó, từ năm 2018 chính quyền Đông Hưng đã chính thức khởi động mô hình logistics Blockchain xuyên khu vực, xuyên quốc gia đối với hàng thủy sản.

10-36-00_img_1250
Mặt hàng hải sản tươi bị đội giá cao.

Để triển khai mô hình Blockchain, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định mới về quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quy cách, nội dung thông tin sản phẩm trên tem nhãn; quy cách đóng gói hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm đối với hàng NK vào Trung Quốc.

Do đó, các sản phẩm của Việt Nam chưa nhận được chấp nhận kiểm dịch tại Trung Quốc sẽ không được giao dịch biên mậu, cụ thể là các sản phẩm thủy hải sản (sứa, cá biển…), nguyên liệu từ bột xương, rong biển và dược liệu.

Tất cả các sản phẩm cá nuôi hoặc đánh bắt từ biển (từ hải sản ướp đá) đều phải được lấy từ các công xưởng có đăng ký doanh nghiệp Việt Nam, khi khai báo hải quan phải xuất trình chứng thư về thủy sản do Nhà nước Việt Nam cấp. Các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu, bao bì đóng gói in ấn phải chắc chắn (không bao gồm sản phẩm ướp đá). Chú thích ghi nhãn phải đầy đủ, bao gồm: Tên thương mại và khoa học, quy cách, ngày sản xuất, số lô, điều kiện bảo quản, phương thức sản xuất (đánh bắt biển/nuôi trồng), vùng sản xuất, tên và mã số doanh nghiệp chế biến, sản xuất phải ghi rõ.

“Đây chính là lý do khiến thủy sản không thể XK sang Trung Quốc trong thời gian qua”, ông Nguyễn Văn Công, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ninh, thông tin.

Tuy nhiên, cũng theo ông Công, mặc dù XNK tiểu ngạch đang được Trung Quốc siết chặt, nhiều loại nông sản của nước ta vẫn được XK liên tục và có chiều hướng gia tăng. Đơn cử thanh long ruột đỏ, sản phẩm này đang được thương lái Trung Quốc tập trung NK do đơn vị sản xuất đã hoàn thành đầy đủ yêu cầu mà phía láng giềng đặt ra. Thiết nghĩ, việc hình thành chính ngạch hóa XK sẽ là cơ hội cho DN biết nắm bắt, tận dụng, biến khó khăn thành lợi thế.

Có thể thấy rằng, hàng hóa nông thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng XK sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc hiện giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất