Bà Trần Thị Dân, trú tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, cho biết năm 2017 bà được một người quen tư vấn nên đã đồng ý cho con trai là Vũ Hồng Thức (SN 1996) làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Đầu tháng 2/2017, "người quen" này đưa bà Dân, anh Vũ Hồng Thức cùng một người cháu nữa của bà Dân là Nguyễn Kim Đức (SN 1989, cùng trú ở Quang Hanh, Cẩm Phả) đến Công ty CP Hợp tác và Thương mại Quốc tế Việt Nhật tại Hà Nội để làm các thủ tục cho việc đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.
Tại đây, "người quen" đưa Thức và Đức vào phòng ông Hoàng Thái Dung và giới thiệu là Giám đốc Chi nhánh. Ông Dung thu của hai học viên mỗi người 6 triệu đồng tiền học phí tiếng Nhật, trên phiếu thu ghi Đơn vị thu là Công ty Việt Thắng.
Sau đó Thức và Đức được đưa vào ở trong khu ký túc xá của Công ty tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội để học ôn tham gia thi tuyển các đơn hàng xuất khẩu lao động Nhật Bản.
"Học thi đơn được gần một tháng, họ đưa em đến Công ty CP Thương mại dịch vụ và Tư vấn giáo dục Hoàng Phát ở sau bến xe Mỹ Đình đóng tiền thi đơn là 10 triệu đồng. Sau khi em thi đỗ đơn hàng Dập kim loại, họ yêu cầu nhà em đóng tạm ứng trước 3.000 đô la, gần 69 triệu đồng (đơn Dập kim loại 6.000 đô la) cho Công ty Hoàng Phát. Còn anh Đức, cũng thi đỗ và nộp cho Công ty này 50 triệu đồng vì đơn hàng khác nên ít tiền hơn của em", anh Vũ Hồng Thức cho hay.
Sau đó cả hai được Công ty Hoàng Phát đưa xuống trường Cao đẳng nghề Simco Sông Đà ở Hà Đông (Hà Nội) để học tiếng Nhật. Đến tháng 4/2017, Công ty CP Thương mại Dịch vụ - Tư vấn giáo dục Hoàng Phát (trụ sở chính tại 75/45 Bùi Huy Bích, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) bị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thu hồi giấy phép do các sai phạm: cho người khác sử dụng giấy phép để hoạt động đưa người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của người lao động.
Do bị thu hồi giấy phép, Công ty Hoàng Phát "gửi" những học viên này cho Công ty CP Hợp tác và Thương mại Quốc tế Việt Nhật để tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.
Ngày 22/1/2018, Công ty CP Hợp tác và Thương mại Quốc tế Việt Nhật có làm giấy cam kết xuất cảnh cho anh Vũ Hồng Thức và Nguyễn Kim Đức, trong đó nêu rõ Công ty đã hoàn tất các giấy tờ cho bên B (anh Thức và Đức) và đã gửi toàn bộ giấy tờ sang trình Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản xin tư cách lưu trú. Song, vì lý do thay đổi chế độ quản lý của Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản kể từ ngày 1/11/2017 nên tiến độ xét duyệt cấp Tư cách lưu trú đã bị chậm hơn so với dự kiến, bên B nhất trí cùng phối hợp chờ thêm.
Trong giấy cam kết, Công ty CP Hợp tác và Thương mại Quốc tế Việt Nhật, cho biết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bên B, bên A đồng ý cam kết về tiến độ xuất nhập cảnh kể từ khi hai bên ký hợp đồng này để đảm bảo rằng trong khoảng thời gian 03 tháng, tức đến hết ngày 30/4/2018 là thời hạn cuối cùng, nếu bên A vẫn không nhận được Tư cách lưu trú để làm thủ tục xuất nhập cảnh cho bên B thì bên A sẽ có trách nhệm hoàn trả đầy đủ cho bên B các khoản tiền mà bên B đã nộp khi tham gia chương trình. Đồng thời đền bù cho bên B 60% tiền lương cơ bản theo quy định của Nhà nước cho khoảng thời gian bên B phối hợp cùng chờ đợi, với số tiền cụ thể là: Lương CB (3.750.000x60%) x 5 tháng = 11.250.000 đồng.
Tuy nhiên, đến giờ là tháng 8/2020, anh Thức và anh Đức vẫn không nhận được Tư cách lưu trú để làm thủ tục xuất nhập cảnh còn Công ty CP Hợp tác và Thương mại Quốc tế Việt Nhật cũng không trả lại tiền như cam kết.
Bà Trần Thị Dân, cho biết hiện Công ty vẫn còn giữ bằng gốc cấp 3 của con bà. Bà cũng nhiều lần gọi điện cho ông Bùi Công Hân - người trước đó hướng dẫn bà Dân nộp 3.000 đô la tại Công ty nhưng ông Hân nói đã không còn làm việc tại đây. Còn ông Hoàng Thái Dung, khi trao đổi với bà Dân qua điện thoại vẫn khăng khăng "họ sẽ có trách nhiệm với chị".
Đề nghị chức năng và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm vào cuộc để bảo vệ cho người lao động.
Bộ LÐ-TB và XH khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các đơn vị nhận hồ sơ. Hiện nay, trên trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LÐ-TB và XH đăng tải đầy đủ tên của các đơn vị được cấp phép đưa người đi lao động tại nước ngoài cũng như các thông tin liên quan đến thủ tục cần thiết để đi lao động tại nước ngoài. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, tất cả công ty xuất khẩu lao động đều phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Khi đến văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động nào đó mà thấy có "liên kết" với công ty khác, người lao động cần liên hệ ngay công ty đó để xem họ có liên kết thật không, hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động hoặc kiểm tra tên công ty đó có trong danh sách được cấp phép xuất khẩu lao động hay không trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LÐ-TB và XH. Khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần yêu cầu công ty xuất khẩu lao động ký trực tiếp với mình. Hợp đồng cần ghi rõ nơi làm việc (công ty, nhà máy, công trường… ở các nước). Nếu không nêu được cụ thể hay né tránh ghi điều này trong hợp đồng thì nhiều khả năng công ty đó đang lừa đảo.