| Hotline: 0983.970.780

Ở vùng mỏ Quảng Ninh, mua than, xít mà như đi… ăn trộm

Thứ Ba 11/08/2020 , 20:02 (GMT+7)

Nghịch lý tại vùng mỏ Quảng Ninh, than, xít tồn chất đầy các mỏ còn doanh nghiệp cần than, xít để sản xuất thì không biết mua ở đâu?

Bắt đầu từ việc cấm vận chuyển than, xít trên quốc lộ

Nhằm quản lý tình trạng khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than trái phép trên địa bàn, từ 01/01/2017, tỉnh Quảng Ninh đã chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ 18A, quốc lộ 10, đường 188 cũ (nay là quốc lộ 17B).

Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc có kế hoạch vận chuyển than phù hợp, có lộ trình thay thế việc vận chuyển than bằng đường bộ bằng đường biển và băng tải.

Một xe than nghi là than lậu bị lật, đổ ra đường trên Quốc lộ 18 đoạn TP Uông Bí - Quảng Ninh, hôm 01/4/2018. Ảnh: Hoàng Nguyên

Một xe than nghi là than lậu bị lật, đổ ra đường trên Quốc lộ 18 đoạn TP Uông Bí - Quảng Ninh, hôm 01/4/2018. Ảnh: Hoàng Nguyên

Sau quyết định trên, những doanh nghiệp dùng than để phục vụ cho sản xuất xi măng, gạch ngói bắt đầu khó khăn do thiếu nguồn cung chất đốt. Trước tình hình đó, tháng 10/2017, tỉnh Quảng Ninh đã nới lệnh cấm chở than bằng ô tô trên Quốc lộ, cho phép các doanh nghiệp vận tải thuộc Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của TKV, Tổng Công ty Đông Bắc và Công ty Nhiệt điện Đông Triều được vận chuyển than bằng ô tô trên các tuyến quốc lộ thuộc địa phận tỉnh vào ngày 15 hàng tháng và trong khoảng thời gian từ 6h00 - 18h00 hàng ngày.

Ngoài ba đơn vị, cuối tháng 8/2018, nhằm giải quyết khó khăn cho Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh vì thiếu than phục xụ sản xuất, tỉnh Quảng Ninh cho Xí nghiệp than Uông Bí (đơn vị trực thuộc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh) được vận chuyển than nhiều ngày trên Quốc lộ, trong các ngày 05, 10, 15, 20, 25, 30 hàng tháng.

Như đã viết ở trên, việc cấm ô tô chở than trên quốc lộ 18A, quốc lộ 10, quốc lộ 17B thuộc địa bàn Quảng Ninh nhằm kiểm soát tình trạng vận chuyển và tiêu thụ than trái phép. Song, quyết định trên cũng gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, liệu có phải Quảng Ninh “cấm để quản lý” hay có gì đó “không bình thường” bởi ngoài quốc lộ 18A, quốc lộ 10 và 17B, Quảng Ninh còn một tuyến đường nữa là quốc lộ 279 chạy sang Bắc Giang, Lạng Sơn,… khu vực tập trung nhiều mỏ than và cảng, tuyến đường “huyết mạch” từ cụm cảng Km6 Cẩm Phả lên lại không hề bị cấm (?!). Chưa kể than không phải hàng “quốc cấm”, nếu hàng hóa bình thường đầy đủ giấy tờ hợp pháp thì việc tỉnh cấm đoán có hợp pháp hay không?.

Từ khi mấy quốc lộ chính bị hạn chế chở than, dĩ nhiên tình trạng khai thác, vận chuyển than trái phép đã giảm. Nhưng do nhu cầu xã hội cần than, tình trạng "dấm dúi" mua bán than trái phép, đặc biệt hoạt động buôn lậu than trên biển lại diễn ra sôi động. Mỗi năm, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thông tin bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển than không rõ nguồn gốc từ Quảng Ninh đi các nơi. Đó là những vụ bị phát hiện, còn bao nhiêu vụ trót lọt dĩ nhiên không ai có thể thống kê, làm thất thu quá nhiều tiền thuế của Nhà nước.

Quản lý quá chặt sinh ra hệ lụy

Không chỉ siết chặt than, ngay cả đá xít sau sàng tuyển (nhiệt lượng thấp), nguồn nguyên liệu đốt phù hợp cho nhiều nhà máy gạch cũng bị tỉnh hạn chế vận chuyển nên các doanh nghiệp nung gạch, ngói trên địa bàn đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất.

Than, xít ở Quảng Ninh mua trực tiếp rất khó nhưng qua Hải Phòng, Hải Dương thì dễ như mua rau. Ảnh chụp tại một trong nhiều bến cảng than tập kết trái phép tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

Than, xít ở Quảng Ninh mua trực tiếp rất khó nhưng qua Hải Phòng, Hải Dương thì dễ như mua rau. Ảnh chụp tại một trong nhiều bến cảng than tập kết trái phép tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

Trao đổi với PV, chủ một doanh nghiệp gạch (xin được giấu tên), cho biết: “Hai tháng nay phải cho công nhân nghỉ bớt vì nhà máy hoạt động cầm chừng do thiếu nguồn xít nung gạch. Tình hình này kéo dài chắc Công ty phải ngừng sản xuất”.

Vị này cho hay, muốn mua được than hoặc xít để nung gạch có mấy cách nhưng cũng đều lằng nhằng. Thứ nhất là đặt hàng với đơn vị có xít của Tổng Công ty Đông Bắc, sau đó chờ họ báo cáo lên Tổng Công ty, nếu được duyệt thì mỗi tháng mua được hôm 15 hàng tháng. Còn cách thứ hai mua qua các chủ bên Hải Dương, Hải Phòng nhưng cước phí cao vì vận chuyển xa xôi. Còn cách thứ ba, vị doanh nghiệp nói nhỏ “có thể mua than chui, họ chở đến tận nơi nhưng giá cũng cao vì tỉnh làm gắt nên tốn cước phí”. Song, “phương án” này thời gian gần đây không làm được.

“Nói chung, giờ mua được ít than, xít để sản xuất không khác nào như đi ăn trộm, bao nhiêu chỗ soi xét”, vị doanh nghiệp than thở, chán nản nói.

Tỉnh Quảng Ninh hạn chế vận chuyển than, xít trên quốc lộ để “quản lý than lậu”, nhưng còn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng “gắt” không kém khi “bỗng nhiên” đưa xít than vào diện than thương phẩm gọi là than cám 8a và cám 8b. Từ một loại trong danh mục bốc xúc đất đá bỏ đi hoặc tận dụng “kế hoạch 3”, nay nâng hạng lên hàng than chính phẩm, đồng nghĩa với việc cơ chế quản lý, mua bán cũng chặt chẽ hơn.

Có điều vô lý, TKV chỉ bán cho các doanh nghiệp ở cuối nguồn như Hải Dương, Hải Phòng (địa phương không sản xuất than), không bán tại chỗ. Doanh nghiệp muốn mua phải đặt qua các Công ty này nên giá thành sẽ cao hơn vì qua trung gian và cước vận chuyển. Đây rõ ràng là hoạt động rất khó hiểu của TKV, làm dấy lên nghi ngờ của không ít người, cho rằng ngành than có “sân sau, sân trước”…

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin…

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.