Ảnh minh họa |
Trước và ngay đầu năm Mậu Tuất 2018, đã có những lời than thở, rồi kêu gọi mua hoa. Trước tết là do cung hơn cầu, sau tết thì giá hoa lay ơn, hoa ly rớt thảm vì nở không đúng thời điểm, làm nhiều nông dân và tiểu thương buồn bã vứt bỏ, khiến không ít người dân xót xa. Rồi mía ở Hậu Giang, chính quyền tỉnh yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh, mỗi cán bộ công nhân viên phải mua một lượng đường nhất định. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ phân chia cụ thể số lượng đường cần phải mua tới các sở, ban, ngành trong tỉnh (!).
Việc kêu gọi “giải cứu”, thực ra không phải là việc xa lạ gì với nhiều quốc gia trên thế giới. Cũng mới đây, trong những ngày đầu năm 2018, nông dân bang Queensland (Australia), đang kêu gọi "giải cứu" dứa, khi hàng trăm tấn quả đang dư thừa, chỉ có cách đổ bỏ đi vì không ai mua. Bên đấy, họ cũng tranh cãi, đưa ra nhiều nguyên nhân và những lý giải cho vấn đề này. Từ việc do điều kiện tự nhiên như đất đai, khí hậu lý tưởng đã làm sản lượng tăng quá cao, do hãng sản xuất thực phẩm Golden Circle có chuỗi nhà máy đóng hộp nông sản (đã bị bán cho nước ngoài) không nhận nông sản để đóng hộp nữa, do sức ép của dứa nhập khẩu giá rẻ, do chính sách của chính phủ… và vô số các lý do khác.
Vấn đề với nhiều quốc gia, đó là việc giải cứu có đúng là biện pháp thích hợp không? Có phải là một biện pháp lâu dài không? Có phải là lỗi của người nông dân không? Câu trả lời hầu hết là không. Mà lỗi chính thuộc về cơ quan xây dựng quy hoạch.
Ở Việt Nam cũng vậy. Việc “giải cứu”, thường chỉ nên với những khi do khủng hoảng thiếu vì thời tiết, khí hậu, thiên tai mà bà con nông dân không thu hoạch được hoặc thu hoạch ít sản phẩm so với đầu tư, và họ có thể “chìm sâu” vào đói nghèo. Chứ khủng hoảng thừa, phần nhiều là do chính sách từ huyện, tỉnh cho đến chính phủ, đã không làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình từ khâu quy hoạch, sản xuất cho đến tiêu thụ.
Cần phải có các quy hoạch, căn cứ dựa trên những khảo sát và nghiên cứu khoa học, về những gì nông dân nên trồng hoặc nuôi, có thể trồng nuôi hiệu quả, và là bao nhiêu, ở địa phương nào? Rồi phải xây dựng được hệ thống thị trường mở cho những sản phẩm tươi sống này. Rồi sản phẩm như trái cây, thịt sữa sẽ đảm bảo được chế biến khi sản lượng dồi dào do mùa vụ. Rồi phải xác định được những giống cây, vật nuôi có khả năng kháng bệnh, để giảm thiểu những thuốc bảo vệ thực vật và kháng bệnh trong quá trình trồng, nuôi.
Gặp những khi nguyên nhân là do trực tiếp từ thiên tai, do những lý do bất khả kháng, còn phải xây dựng được hệ thống bảo hiểm cho nông nghiệp, cho những sản phẩm mà nông dân làm ra theo quy hoạch, mà vẫn không bán được.
Cốt lõi là mọi thứ nên được nghiên cứu, rồi trồng, nuôi và bán theo quy hoạch trước khi làm đại trà.
Phòng bệnh dễ hơn chữa bệnh!
Chứ một nền nông nghiệp mà người nông dân chỉ trông chờ vào những lời kêu gọi “giải cứu” - là một nền nông nghiệp hỏng.