Ngôi nhà đa dạng sinh học
Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) được thành lập theo Quyết định số 687/QĐ-UB ngày 9/4/2001của UBND tỉnh Quảng Trị. Đây là Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) được thành lập và hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn: Trụ sở nằm ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt; cơ sở vật chất, thông tin liên lạc thiếu thốn; địa bàn hiểm trở, giáp ranh nhiều huyện trên địa bàn tỉnh và tỉnh Thừa thiên-Huế.
Sau hơn 20 năm thành lập, bằng sự quyết tâm, nỗ lực, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của KBTTN Đakrông qua các thời kỳ đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách. Với sự đồng lòng của tập thể, từng cá nhân; sự cống hiến hết mình bằng trí và lực, đôi khi cả máu và nước mắt, những cánh rừng đã được bảo vệ và trở thành ngôi nhà bảo tồn đa dạng sinh học, nơi những loài thú được sinh sống bình yên. KBTTN Đakrông đang từng bước vươn mình mạnh mẽ; hệ sinh thái, tài nguyên rừng ngày càng đa dạng và phong phú.
Đến nay, KBTTN Đakrông có tổng diện tích tự nhiên hơn 37 nghìn ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 32 nghìn ha (chiếm trên 85%), bao gồm: Rừng giàu gần 5,7 nghìn ha, rừng trung bình trên 12 nghìn ha, rừng nghèo trên 14 nghìn ha); rừng phục hồi trên 8,6 ha, rừng trồng gần 2,9 nghìn ha (chiếm trên 7,6%) và đất trống gần 2,5 nghìn ha (chiếm trên 6,6%).
Đây là KBT có hệ thực vật rừng đa dạng và phong phú với 1.576 loài thực vật có mạch, thuộc 735 chi, 162 họ của 5 ngành thực vật khác nhau. Trong đó có 182 loài đặc hữu của Việt Nam; 57 loài đặc hữu khu vực Trung bộ; 288 loài quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ được nghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam (2007), IUCN (2024), Nghị định 84/2021/NĐ-CP.
Có thể kể đến các loài thực vật như giẻ lá tre (Quercus bambusifolia Hance in Seem), mu hôi (Prunus ceylanica (Wight) Miq), đước bầu rượu cạn (Pellacalyx yunnanensis Hu), sao Hải Nam (Hopea hainanensis Merr. & Chun), dầu rái (Dipterocarpus hasseltii Blume), xuyên mộc dũng (Dacryodes breviracemosa Kalkm), thị Candolle (Diospyros candolleana Wight), thọ (Tsoongia axillariflora Merr)…
Động vật rừng cũng đa dạng không kém với 95 loài thú thuộc 28 họ, 10 bộ; 201 loài chim thuộc 43 họ, 15 bộ; 32 loài bò sát thuộc 13 họ, 2 bộ và 17 loài lưỡng cư thuộc 5 họ, 1 bộ. KBT có 345 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 62 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 52 loài ghi trong danh lục đỏ thế giới. Theo Sách đỏ Việt Nam, KBTTN Đakrông có 62 loài đã được ghi nhận, trong đó mức CR có 3 loài, mức EN có 20 loài và mức VU có 31 loài; theo IUCN (2024) có 52 loài được ghi nhận, trong đó mức CR có 3 loài, mức EN có 8 loài, mức VU có 18 loài, mức NT có 10 loài và theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP có 71 loài được ghi nhận, trong đó nhóm IB có 29 loài và nhóm IIB có 42 loài.
Về thuỷ sinh, thực vật nổi có 10 bộ, 22 họ, 77 loài; thực vật thuỷ sinh có 4 bộ, 20 họ với 28 loài; động vật nổi có 4 bộ, 12 họ, 36 loài; thân mềm có 4 bộ, 14 họ, 31 loài; côn trùng nước có 8 bộ, 36 họ, 58 loài. Theo thống kê có 3 họ, 69 loài mối; 9 họ, 210 loài bướm ngày.
Tiềm năng bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, du lịch sinh thái
KBTTN Đakrông còn được ghi nhận là một trong những nơi có nhiều cảnh quan giá trị về tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm rừng.
Qua khảo sát cho thấy, tại đây có nhiều khe, suối như khe Làng An, khe Vẽ, khe Ba Lòng, khe Thù Lụ, Ba Giang, sông Nhùng, suối Acho, khe Ba Lê, suối Trù, suối ApaCha… Những cảnh quan này đóng vai trò quan trọng, giúp cân bằng hệ sinh thái trong khu rừng đặc dụng, tạo nên các thác đẹp như thác Đỗ quyên 1, thác Đỗ quyên 2, Thác ApaCha…; các hang động đẹp như động Dơi, động Sơn Thủy, động Nước…
Du khách khi đến với KBTTN Đakrông có thể thăm thú các cảnh quan đặc sắc này kết hợp với việc trải nghiệm đời sống văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Bru Vân Kiều, Pa Kô tại các thôn vùng đệm.
Ngoài các yếu tố quan trọng được nói trên, trong những năm qua Ban quản lý (BQL) KBTTN Đakrông cũng đã xác định luôn lấy người dân làm trung tâm để giữ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. BQL đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động chia sẻ lợi ích với cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân vùng đệm bằng nhiều giải pháp như khoán bảo vệ rừng, trồng, chăm sóc rừng đặc dụng; hỗ trợ sinh kế vùng đệm từ các nguồn vốn Trung ương, tỉnh, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng …. BQL kêu gọi các dự án trong và ngoài nước đến triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế bền vững, từ đó không làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng KBTTN Đakrông. Đây là những yếu tố rất quan trọng hướng đến sự phát triển ngày càng bền vững của Khu BTTN Đakrông.
Theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 895/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, KBTTN Đakrông (Khu DTTN) được quy hoạch phân hạng lên Vườn quốc gia đến năm 2030.
Đối chiếu với các tiêu chí được quy định tại khoản 1 điều 6 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm nghiệp, có thể thấy KBTTN Đakrông đã thực sự vươn mình để xứng tầm Vườn quốc gia.
Có lẽ, đã đến lúc cần xây dựng đề án chuyển hạng KBTTN Đakrông trở thành Vườn quốc gia Đakrông, xứng tầm với những giá trị khu rừng đặc dụng nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị đa dạng sinh học cũng như tiềm năng du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nâng cao ý thức của cộng đồng về giá trị của hệ sinh thái và ý thức bảo tồn, bảo đảm an ninh, quốc phòng của khu vực này.