| Hotline: 0983.970.780

Ghi nhận nhiều loài thực vật quý hiếm tại Đakrông

Thứ Tư 10/07/2024 , 09:06 (GMT+7)

Quảng Trị Có tới 136 loài thuộc diện quý hiếm, nguy cấp, xác định 5 khu vực cần ưu tiên bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Cuộc họp báo cáo kết quả điều tra bổ sung danh mục thực vật, các loài nguy cấp, quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông diễn ra mới đây.

Hoạt động khảo sát đã được thực hiện bởi nhóm tư vấn đến từ Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật và Viện Điều tra, quy hoạch rừng với sự phối hợp hỗ trợ triển khai thực hiện bởi Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Đại diện nhóm tư vấn của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học bàn giao tiêu bản các loài thực vật cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Ảnh: HP.

Đại diện nhóm tư vấn của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học bàn giao tiêu bản các loài thực vật cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Ảnh: HP.

Tại đây, các bên đã báo cáo kết quả điều tra, cập nhật bổ sung danh mục các loài thực vật quý hiếm, đặc biệt các loài nguy cấp ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (Quảng Trị) làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn loài và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Đồng thời, bàn giao bộ mẫu tiêu bản đã thu thập sau khi qua xử lý của các loài thực vật ghi nhận bổ sung và các loài còn thiếu trong bộ tiêu bản của khu bảo tồn và hướng dẫn bảo quản, sắp xếp tiêu bản phục vụ cho trưng bày.

Hoạt động khảo sát được thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024 với mục tiêu ghi nhận sự đa dạng của các loài thực vật, xác định các khu vực cần ưu tiên bảo tồn, đề xuất các biện pháp thích hợp, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn về điều tra thực vật cho cán bộ kỹ thuật và bổ sung khoảng 200 tiêu bản của 30 - 35 loài cho Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Sau cuộc điều tra, 337 mẫu vật đã được thu thập cho Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Bên cạnh đó, nhóm dự án đã bổ sung 121 loài thực vật nâng tổng số loài trong Danh lục thực vật của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông lên 1576 loài thuộc 735 chi của 162 họ. Đặc biệt, trong số này, có hai loài nghi ngờ mới đối với khoa học, bao gồm một loài thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae) và một loài thuộc họ Thu hải đường (Begoniaceae).

Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông cũng ghi nhận sự đa dạng về giá trị tài nguyên thực vật với 746 loài có công dụng làm thuốc, 317 loài ăn được, 175 loài có thể làm cảnh hoặc trang trí, 133 loài có thể cho dầu nhựa, tinh dầu, tanin, chất nhuộm.

Nhóm tư vấn ghi lại hình ảnh của các loài trong quá trình thực hiện các hoạt động hiện trường. Ảnh: USAID.

Nhóm tư vấn ghi lại hình ảnh của các loài trong quá trình thực hiện các hoạt động hiện trường. Ảnh: USAID.

Thông qua cuộc điều tra này, các đơn vị liên quan cũng cập nhật và đánh giá mức độ đe doạ của các loài thực vật, với tổng cộng 306 loài được ghi nhận trong các tài liệu như Sách đỏ Việt Nam 2007, báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) năm 2024, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP. Trong đó, kết quả điều tra cho thấy có tới 136 loài thuộc diện quý hiếm, nguy cấp, đồng thời, xác định 5 khu vực cần ưu tiên bảo tồn.

Các biện pháp bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm đã được đề xuất, bao gồm tăng cường quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có của khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông nhằm ngăn chặn việc mất rừng, duy trì các trạng thái rừng hiện có và điều tra đánh giá hiện trạng phân bố, cấu trúc quần thể, quản lý và bảo vệ các loài mới, đặc hữu hẹp và các loài nguy cấp, quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng Vườn thực vật rừng và thu thập các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu bản địa để gieo ươm, nhân giống và gây trồng cũng cần được triển khai.

 "Cuộc điều tra này sẽ là tiền đề cho những nỗ lực bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hoá mục tiêu bảo tồn tính đa dạng sinh học đứng thứ 14 trên thế giới của Việt Nam", ông Trương Quang Trung, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông nhấn mạnh.

Lau cô lý - Collabium chinense (Rolfe) Tang & F.T.Wang thuộc loài IIA trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP được ghi nhận tại cuộc điều tra. Ảnh: USAID.

Lau cô lý - Collabium chinense (Rolfe) Tang & F.T.Wang thuộc loài IIA trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP được ghi nhận tại cuộc điều tra. Ảnh: USAID.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được thực hiện từ tháng 7/2021 - 06/2026. Mục tiêu nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và đồng thời duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao.

Dự án chú trọng 14 khu rừng đặc dụng (RĐD) và 7 khu rừng phòng hộ (RPH), liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam.

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học được thực hiện bởi WWF- Hoa Kỳ và các đối tác khác như: WWF-Việt Nam, Tổ chức Helvetas Việt Nam, Viện Nghiên cứu Động vật Leibniz, Re:wild, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Fauna & Flora.

Xem thêm
C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.