| Hotline: 0983.970.780

Quốc lộ 15D 'xẻ đôi' Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông

Thứ Hai 06/03/2023 , 13:56 (GMT+7)

Phương án làm đường quốc lộ 15D, tuyến xuyên qua vùng lõi của Khu BTTN Đakrông cần phải đánh giá kỹ lưỡng, bằng không hệ lụy khó có thể đong đếm.

IMG_20230302_190735

Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có hệ thống động, thực vật đa dạng, phong phú. Ảnh: KBTTN Đakrông.

Đánh đổi hàng chục ha rừng tự nhiên liệu có đáng?

Quốc lộ 15D (QL15D) là tuyến đường bộ nối từ cảng biển Mỹ Thủy (nằm trong Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị) đến cửa khẩu quốc tế La Lay, đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải đường bộ của Việt Nam từ năm 2015.

Qua thời gian hiện một số điểm đã hỏng hóc, xuống cấp, hoặc hiện trạng không phù hợp với yêu cầu thực tế, qua đó làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Từ thực tiễn đặt ra, các bên liên quan đã đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp nhằm tháo gỡ nút thắt.

Đầu tiên là nâng cấp, mở rộng đoạn đầu tuyến từ biển Mỹ Thủy đến QL1 dài 13,8 km đạt tiêu chuẩn quy mô đường cấp III đồng bằng, quy mô 4 làn xe. Kế đó là đoạn từ QL1 đến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8,4 km cũng với 4 làn xe, mục tiêu là kết nối cảng Mỹ Thủy, KKT Đông Nam với các trục dọc quốc gia, thu hút đầu tư vào các KCN VSIP dọc 2 bên tuyến.

Tiếp theo, đoạn tuyến QL15D từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12,09 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, 2 làn xe, kết nối với tuyến đường chiến lược QL15B của Lào.

Sau cuối là đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34 km sẽ được đầu tư xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi 2 làn xe nhằm nối thông toàn tuyến QL15D, từ đó đẩy nhanh việc hình thành tuyến đường bộ kết nối cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, tạo hành lang song song với hành lang kinh tế Đông – Tây.

Sự việc sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu tuyến này không xuyên qua vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông.

Empty

Nếu dự án làm đường QL15D được thông qua, chắc chắn công tác bảo tồn sinh học tại Khu BTTN Đakrông sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Ảnh: Việt Khánh.

Qua quá trình rà soát, bóc tách đến nay Khu BTTN Đakrông hiện quản lý hơn 37.666 ha rừng tự nhiên, phân thành 3 phân khu chức năng. Đơn vị gánh trên vai trọng trách lớn lao, vừa phải bảo vệ giá trị đa dạng sinh học các nguồn gen quý hiếm, hệ sinh thái điển hình của Trường Sơn Bắc, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo của người dân trong vùng đệm. Chưa kể còn kiêm luôn nhiệm vụ duy trì chức năng phòng hộ đầu nguồn, cung cấp, điều tiết nguồn nước cho các sông Đakrông, Thạch Hãn, Mỹ Chánh, Bồ, Ô Lâu và điều hòa nguồn nước vùng hạ lưu.

Toàn Khu BTTN Đakrông ghi nhận hàng ngàn loài động, thực vật, đáng chú ý là 4 loài thú và 4 loài chim đặc hữu duy nhất chỉ có ở Việt Nam như gà lôi lam mào trắng, sao la, mang lớn, gõ kiến đầu đỏ…

Nếu điều này thành sự thật sẽ mất hàng chục ha rừng tự nhiên quý hiếm, làm xáo trộn trầm trọng hệ sinh thái. Sau nữa là gia tăng nguy cơ xâm hại vào rừng khi cửa rừng mở toang hoác, lo ngại trên không thừa khi 90% người dân vùng đệm là đồng bao Pa Cô – Vân Kiều với cuộc sống còn khốn khó đủ bề.

Empty

Một tuyến đường "xẻ đôi" khu bảo tồn sẽ làm gia tăng nguy cơ xâm hại vào rừng của nhân dân vùng đệm, nơi cuộc sống của đồng bào Pa Cô - Vân Kiều vốn dĩ đang thiếu thốn đủ bề. Ảnh: Việt Khánh. 

Trở lại với nội dung chính. Nếu thực hiện theo phương án 1, dự kiến tuyến đường sẽ “vắt” qua các tiểu khu 723A, 724A, 725A thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và tiểu khu 859 thuộc phân khu phục hồi sinh thái, dự kiến tổng diện tích rừng tự nhiên mất trắng lên đến 54,6 ha. Trong khi đó, nếu áp dụng phương án 2 quy mô sẽ giảm xuống còn 22,7 ha, ngược lại toàn bộ đều thuộc phân khu bảo vệ… nghiêm ngặt.

Cần nói thêm, toàn bộ Khu BTTN Đakrông đều là rừng đặc dụng, là rừng tự nhiên, vốn dĩ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo tồn, đa dạng sinh học, kết nối các hệ sinh thái… xuất phát từ yếu tố này, thiết nghĩ tỉnh Quảng Trị cần nhìn nhận thấu đáo, so sánh thiệt hơn giữa bài toán kinh tế và môi trường trước khi xắn tay vào việc.

Cẩn trọng không thừa

Nội dung làm đường QL15D xuyên qua địa phận Khu BTTN Đakrông đưa ra bàn bạc đã lâu. Xoay quanh vấn đề này tồn tại 2 luồng quan điểm, một bên ủng hộ tối đa, bên còn lại nhất quyết phản đối.

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, hiện có 3 nhà đầu tư đã gửi văn bản xin khảo sát, nghiên cứu dự án này, bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn; Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn – Công ty TNHH nhà máy điện Xekong; Tập đoàn Phonesack.

Empty

Vốn quý của rừng thiên nhiên Đakrông sẽ về đâu? Ảnh: Khu BTTN Đakrông. 

Không khó hiểu khi những đơn vị kể trên đều muốn tỉnh Quảng Trị đẩy nhanh các bước, điều này được thể hiện rõ qua nội dung văn bản số 64/2023/CV/LD/HS-XK ngày 16/2/2023 của Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn – Công ty TNHH nhà máy điện Xekong gửi Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị và UBND tỉnh Quảng Trị.

Xin gọi gọn một số ý trọng tâm như sau: “Sắp tới lượng hàng của Tập đoàn Hoành Sơn nhập về các cửa khẩu Lao Bảo, La Lay dự kiến khoảng 10 – 20 triệu tấn/ năm, dự kiến nâng sản lượng hàng hóa qua cửa khẩu này trong năm 2023, 2024 lên 30 – 40 triệu tấn/ năm. Chúng tôi nhận thấy tính cấp bách, thiết yếu của việc nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông từ cửa khẩu quốc tế La Lay xuống khu bến cảng Mỹ Thủy.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng công trình giao thông và mong muốn đẩy nhanh kế hoạch đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo QL15D, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn cùng Công ty TNHH nhà máy điện Xekong (trụ sở chính tại CHDCND Lào), là đơn vị có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính vững mạnh thành lập Liên danh nhằm khảo sát, đầu tư và xây dựng dự án”.

Tham vọng của doanh nghiệp cơ bản nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị liên quan, ngoại trừ sự đắn đo đến từ ngành NN-PTNT Quảng Trị, đặc biệt là phía chủ rừng – Khu BTTN Đakrông. 

Empty

Không chỉ hệ thống sinh thái của Khu BTTN Đakrông bị xâm hại mà mối liên kết giữa các khu bảo tồn cũng sẽ bị cắt đứt khi tuyến QL15D được xây dựng nên. Ảnh: Khu BTNN Đakrông.

Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Khu BTTN Đakrông nói rõ: “Chúng tôi nhận thấy việc mở 1 tuyến đường như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hệ sinh thái rừng, sẽ chia cắt khu bảo vệ nghiêm ngặt thành 2 mảnh khác nhau, từ đó làm thay đổi cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của các loài động, thực vật không giữ được nguyên vẹn. Môi trường sống mất đi kéo theo sự suy giảm, hoặc biến mất của các loài, các các thể quý hiếm. Sau khi đánh giá tổng quan, trước sau đơn vị đều bảo lưu quan điểm không đồng thuận việc mở tuyến đường đi qua Khu BTTN Đakrông”.

Nhân đây cần phải nhắc lại, năm 2021 UBND tỉnh Quảng Trị đã xác định lộ trình, sớm nâng hạng 2 Khu bảo tồn Đakrông và Bắc Hướng Hóa lên tầm Vườn Quốc gia, điều đó thể hiện giá trị to lớn của 2 khu bảo tồn này trong chiến lược phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp cũng như tổng thể chung. Chưa kể các Khu bảo tồn (Đakrông, Bắc Hướng Hóa, Phong Điền, Sao La…) đang thiết lập một hành lang đa dạng liên kết bền chặt, cho phép các loài sinh vật có thể tương tác cùng nhau. Nay vì một tuyến đường mà mục tiêu lớn khó thành, chưa kể phát sinh muôn vàn hệ lụy không đáng có là điều đáng để cân nhắc.

Ngày 7/2/2023 UBND tỉnh Quảng Trị ban hành công văn số 15/TB-UBND, thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Lê Đức Tiến giao nhiệm vụ cho các đơn vị khi thực hiện dự án đầu tư tuyến đường nối từ cửa khẩu Quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy (QL15D).

Ban quản lý dự án đầu tư tỉnh giữ vai trò đấu mối, triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), đồng thời tận dụng hồ sơ đề xuất dự án để rút ngắn thời gian chuẩn bị, hoàn thiện trong tháng 3/2023. Về phía Sở NN-PTNT, phải phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát phạm vi, diện tích chiếm dụng của dự án khi đi qua Khu BTTN Đakrông để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chuyển đổi rừng. Xem ra, Quảng Trị đang sốt sắng hơn bao giờ hết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.