Các tỉnh đề nghị nới trong nhưng siết ngoài
Theo đại diện tỉnh Bình Phước, việc nới lỏng xã hội để phát triển kinh tế rất quan trọng, nhưng cần phải có cách tiếp cận hiệu quả và thận trọng. Vì lợi ích kinh tế nới lỏng là tốt, nhưng cũng rất nguy hiểm.
“Nếu khi nới lỏng để các tỉnh liên thông với nhau thì có thể sẽ dẫn đến dịch bệnh lây lan, nhất là với những tỉnh có tỉ lệ tiêm vacxin thấp”, đại diện tỉnh Bình Phước nói.
Đại diện tỉnh Bình Thuận cũng thống nhất cao việc nới lỏng bên trong, chặt chẽ bên ngoài, nên duy trì việc kiểm soát đi lại như hiện nay, không để người dân về tự phát.
Còn với người dân đã ở lâu tại TP.HCM muốn về thì tỉnh phải được lên danh sách đưa về có kiểm soát chặt chẽ. Người đi làm việc thì cần phải có danh sách đăng ký qua công ty.
Đại diện tỉnh Đăk Lăk cũng thống nhất rất cao phải có hình thức tổ chức tiếp nhận người dân từ các tỉnh phía Nam về và đưa vào khu cách ly. Hiện nay, tỉnh có trên 270.000 người đang đi làm ở các tỉnh phía Nam, nhưng đến nay đã có gần 100.000 người trở về tỉnh, hiện còn khoảng 170.000 người tiếp tục về.
Những ngày qua, tỉnh đang tiếp nhận số người nhỏ lẻ về bằng xe máy, ô tô khoảng 100 - 200 người/ngày và đã đưa vào khu cách ly theo đúng quy định phòng dịch...
Vận động người dân ở lại TP.HCM
Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công An cho biết, hiện nay có 3,5 triệu người lao động đang tạm trú tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương trong mùa dịch. Trong đó, riêng TP.HCM là 2,1 triệu người, số này đang có nhu cầu về quê khi nới lỏng giãn cách.
Hiện tỉ lệ người đã tiêm vacxin ở nhiều tỉnh còn rất thấp, đặc biệt như Trà Vinh mới chỉ đạt 14%, do đó nguy cơ người dân từ Thành phố khi tràn về quê với số lượng lớn tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
“Nếu không kiểm soát tốt thì người dân tại TP.HCM và một số tỉnh thành lân cận sẽ tỏa về khắp các tỉnh trong cả nước, lúc đó rất nguy hiểm, nhất là trong tình hình dịch Covid -19 vẫn chưa dứt hẳn. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ gói an sinh cho người dân, không để “đứt gãy” các bữa ăn của dân, bằng mọi biện pháp để giữ người lao động ở lại”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, trong những ngày tới, nếu người dân ra đường thì cần phải vận động họ quay trở lại nơi ở cũ.
Thực tế trong ngày hôm qua đã có hàng trăm người dân ở tỉnh Bình Dương tràn ra đường và đã được lực lượng công an vận động quay trở lại nơi ở. Còn khi nới lỏng giãn cách thì các địa phương cần công khai kế hoạch và thông tin đưa đón người dân về quê cụ thể bằng phương tiện gì, thời gian nào nhằm phối hợp kiểm soát tốt.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vài ngày tới khi TP.HCM nới lỏng giãn cách dần thì sẽ tạo ra một “làn sóng” người dân, người lao động bị kẹt lại ở Thành phố trong mấy tháng qua muốn trở về quê. Đồng thời cũng sẽ có một tỉ lệ công nhân từ các tỉnh muốn quay trở lại Thành phố để làm việc.
Do đó, TP.HCM phải thận trọng khi tiếp nhận lực lượng công nhân từ các tỉnh vào Thành phố, cần tổ chức đưa đón, thậm chí test nhanh ngay tại chỗ. Đồng thời, với các tỉnh khi đang nỗ lực mở cửa thì cũng cần đảm bảo phải có kế hoạch đưa đón công nhân theo hai chiều và từng bước khôi phục lại sản xuất an toàn.
Đối với người dân các tỉnh hiện đang trong Thành phố thì nên vận động họ ở lại, trừ những người thật sự cần thiết phải về thì nên tổ chức đưa đón số người này. Đồng thời, cần thực hiện theo kế hoạch “nới trong, chặt ngoài” vì tình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang rất phức tạp.
Tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm soát người đi lại giữa TP.HCM với các tỉnh và ngược lại. Ban chỉ đạo sẽ đề nghị Thủ tướng ưu tiên dồn vacxin cho 4 tỉnh lân cận với TP.HCM trong những ngày tới. Khi độ phủ vacxin cao sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn.
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ sẽ kiến nghị với Thủ tướng sớm có công văn chỉ đạo cụ thể.