| Hotline: 0983.970.780

Quận 7 và huyện Củ Chi chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội

Thứ Sáu 03/09/2021 , 19:31 (GMT+7)

Quận 7 và huyện Củ Chi công bố cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, không có nghĩa là hai quận, huyện này nhanh chóng thực hiện các biện pháp nới lỏng.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Đó là thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chia sẻ tại cuộc họp báo định kỳ, chiều 3/9.

Ông Phạm Đức Hải cho biết, TP.HCM đang thực hiện các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội ngày thứ 12 theo Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM và Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ kế hoạch 2715 của UBND TP.HCM về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, thì các quận, huyện nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch.

"Sau khi có kế hoạch đó thì tất cả các quận huyện đều lao vào để triển khai, trong đó có 7 quận, huyện được giao mục tiêu phấn đấu đến ngày 31/8 cơ bản kiểm soát dịch Covid-19.

Ngày 2/9, UBND quận 7 và huyện Củ Chi tổ chức sơ kết, công bố cơ bản kiểm soát dịch Covid-19. Còn 5 quận, huyện còn lại là Cần Giờ, Nhà Bè, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 11 thì TP.HCM sẽ có tổ đi thẩm tra dựa trên tiêu chí của Bộ Y tế để đánh giá", ông Hải cho hay.

Cũng theo ông Hải, sau khi quận 7, huyện Củ Chi công bố kiểm soát được dịch Covid-19, không có nghĩa là hai quận, huyện này nhanh chóng thực hiện các biện pháp nới lỏng.

"Cần phải chờ đánh giá chung của các quận còn lại, sau đó, trên tổng thể đó, Tổ thẩm tra UBND TP.HCM mới đề xuất giải pháp tiếp theo là gì.

Do vậy, chưa thể nói là hai quận, huyện này được nới lỏng, phải chờ tổng thể chung. Về thời điểm, chưa thể trả lời được. Cố gắng phấn đấu kiểm soát dịch trước 15/9. Còn đến đó như thế nào là còn một chặng đường cần thực hiện”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, tính đến 18h ngày 2/9 có 233.093 trường hợp mắc bệnh Covid-19.

Hiện TP.HCM đang điều trị cho 41.470 bệnh nhân Covid-19, trong đó, có 2.915 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.779 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 2/9, có 4.172 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 120.509. 250 trường hợp tử vong trong ngày, nâng tổng số ca tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 9.974.

Tổng số mũi vacxin phòng Covid-19 đã được TP.HCM triển khai tiêm cho người dân trên 18 tuổi đến ngày 2/9 là 6.268.327 người, trong đó, tổng số mũi 1 là 5.899.379, mũi 2 là 368.948, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 689.191.

Cũng theo ông Hải, trước tình trạng số ca F0 phát hiện ngày càng nhiều, ngành y tế TP.HCM tăng công suất giường bệnh tại các tầng điều trị. Cụ thể, tầng 1, giữa tháng 8 có 23.898 giường, đến 31/8 có 29.439 giường; tầng 2, giữa tháng 8 có 49.392 giường thì 31/8 có 60.400 giường; tầng 3 có 4.600 giường ở thời điểm hiện tại.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.