| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước vụ đông xuân

Thứ Ba 22/12/2020 , 18:29 (GMT+7)

Hà Nội và Vĩnh Phúc – những địa phương thường xuyên gặp khó khăn trong công tác lấy nước vụ đông xuân, đều khẳng định lấy nước đúng tiến độ theo lịch của Bộ NN-PTNT.

Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm đang được lắp đặt để tranh thủ lấy nước đổ ải vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Minh Phúc.

Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm đang được lắp đặt để tranh thủ lấy nước đổ ải vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Minh Phúc.

Hà Nội không lo khó lấy nước

Ông Đào Quang Khải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, cho biết: Khoảng 55.000ha gieo cấy vụ đông xuân của TP Hà Nội phụ thuộc vào hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống.

Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay do mực nước sông Hồng vào mùa khô thường xuyên xuống thấp. Mực nước bình quân chỉ đạt khoảng 1,3m, làm cho các công trình lấy nước ven sông Hồng không thể vận hành được. Đứng trước thực trạng trên, TP Hà Nội đã đầu tư cải tạo nâng cấp để các trạm bơm có thể vận hành được khi mực nước sông Hồng xuống thấp.

“Đến nay, toàn bộ công trình, máy móc thiết bị phục vụ công tác lấy nước trên các hệ thống sông đã sẵn sàng, do đó dự kiến thành phố sẽ không gặp khó khăn gì cả”, ông Khải nói.

Năm nay nguồn nước các hồ thủy điện khu vực thượng nguồn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang ở mức tương đương năm 2019, do đó việc lấy nước sẽ bớt khó khăn hơn vụ đông xuân năm 2020. Bên cạnh đó, dung tích trữ các hồ nội địa của TP Hà Nội đang đạt 100%. Các hồ này sẽ đảm bảo cấp nước cho khoảng 35.000ha canh tác.

Hiện nay, trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh (Hà Nội) (có nhiệm vụ lấy nước từ sông Hồng để cấp nước cho huyện Mê Linh và một phần diện tích của tỉnh Vĩnh Phúc) đang bị “treo”. Nguyên nhân là do theo thiết kế cũ thì mực nước nhỏ nhất (min) bể hút rất cao (khoảng +4m). Trong khi đó những năm gần đây mực nước sông Hồng xuống rất thấp. Thậm chí năm 2020 có những lúc mực nước tại đây xuống mức +0.6m. Do đó, thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm với tổng kinh phí đầu tư 140 tỷ đồng; mực nước bể hút nhỏ nhất thiết kế là +0,0m. Trạm bơm này có tổng số 5 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 7.700m3/h, đảm bảo cấp nước cho toàn bộ diện tích canh tác của huyện Mê Linh và một phần diện tích của tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hà Nội, cho biết, đối với trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề cương, kinh phí nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để sớm giải quyết những khó khăn trong công tác cấp nước vụ đông xuân cho các huyện phía tây của Thủ đô.

Đặc biệt, dự án Cụm công trình đầu mối Liên (giai đoạn 1) đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, đề xuất theo hình thức hợp đồng BOT. Do đó, tổng diện tích có khả năng khó khăn về nguồn nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 6.800ha.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước vụ đông xuân tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước vụ đông xuân tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Minh Phúc.

Bố trí lấy nước hiệu quả, sử dụng tiết kiệm

Trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước vụ đông xuân tại Vĩnh Phúc chiều 22/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Năm nay Cục Trồng trọt khuyến cáo tập trung gieo cấy trà lúa xuân muộn. Chính vì vậy, công tác lấy nước được chia làm ba đợt. Trong đó, đợt 1 (kéo dài 4 ngày) chủ yếu phục vụ các địa phương ven biển như Nam Định, Thái Bình đẩy mặn. Trong đợt 2 (bắt đầu từ trung tuần tháng 12 âm lịch), tất cả các địa phương sẽ đồng loạt lấy nước, đảm bảo khoảng 90% - 95% diện tích có nước. Đợt thứ 3 (sau Tết Nguyên đán) chủ yếu phục vụ cấp nước cho TP Hà Nội và một số diện tích còn lại.

“Chúng tôi khuyến cáo các địa phương sau khi lấy nước đợt 1 và đợt 2 thì phải có giải pháp tích trữ nước để chuẩn bị cho đợt lấy nước thứ 3. Vì đây là thời điểm chính vụ đông xuân”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Trước tình trạng mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh đã chủ động bố trí kinh phí để hạ thấp bể hút các trạm bơm, qua đó chủ động lấy nước trong điều kiện mực nước sông hạ thấp. Ngoài ra, trong năm 2021, một số trạm bơm lớn cũng sẽ được đầu tư như trạm bơm Xuân Quang (hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải) và trạm bơm Phù Sa (Hà Nội). Dự kiến đến năm 2023, khi các dự án trên hoàn thành, chúng ta cơ bản chủ động việc lấy nước vụ đông xuân.

“Chúng tôi đang tính toán các phương án lấy nước thông qua các giải pháp công trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để chủ động lấy nước, không phụ thuộc vào việc xả nước hồ thủy điện Hòa Bình. Đây là quá trình phấn đấu lâu dài”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Ông Nguyễn Hồng Khanh (Cục trưởng Cục Quản lý Công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi) lưu ý nguồn nước trong vụ đông xuân sẽ tiếp tục gặp khó khăn, đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND để chỉ đạo lấy nước hiệu quả theo phương châm tiết kiệm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng khó khăn về nguồn nước… Đồng thời vận động nhân dân thu hoạch diện tích cây trồng vụ đông để tích nước, đổ ải, làm đất gieo cấy đúng tiến độ điều tiết nguồn nước từ các hồ thủy điện.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất