Giảm số lượng đội tàu khai thác
Thực hiện tái cơ cấu lại lĩnh vực khai thác thủy sản, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức, sắp xếp lại đội tàu khai thác theo hướng không tăng số lượng tàu cá. Đồng thời, chuyển đổi, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang. Chuyển đổi một số phương tiện khai thác thủy sản từ công suất nhỏ sang công suất lớn, để khai thác xa bờ.
Theo ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện tổng phương tiện khai thác đăng ký hoạt động trên toàn tỉnh là 9.800 tàu. Trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m là 4.371 tàu. Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m là 1.544 tàu.
Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 3.885 tàu, đây là đội tàu buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình khi đi khai thác. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.649 tàu, còn lại 236 tàu thuộc diện xóa đăng ký, tàu năm bờ và tàu đang bị ngân hàng quản lý.
Trong những tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản đã cấp 544 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và 1.311 giấy phép khai thác thủy sản. Cấp 173 văn bản cải hoán tàu cá và cấp 628 sổ danh bạ thuyền viên cho ngư dân đi biển khai thác thủy sản.
Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác thủy sản của tàu cá Kiên Giang ước đạt trên 400.000 tấn thủy sản các loại. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản trong tháng ước đạt trên 44.600 tấn thủy sản các loại, tăng 1.573 tấn so với tháng trước. Sản lượng khai thác tăng là do giá nhiên liệu giảm, các phương tiện hoạt động khai thác tăng trở lại.
Cho vay đóng mới và nâng cấp tàu cá là 48 tàu, trong đó đóng mới 44 tàu, gồm 30 tàu khai thác hải sản và 14 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, còn lại 4 tàu nâng cấp. Tổng số tiền cam kết cho vay đạt 332,8 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân đạt gần 330 tỷ đồng.
Hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất lớn
Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác xa bờ, kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đầu tư xây dựng và phát huy tốt hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển.
Cụ thể thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đã triển khai các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, với tổng mức đầu tư hơn 645 tỷ đồng. Về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, thời gian qua tỉnh Kiên Giang đã đầu tư nâng cấp mở rộng hạ tầng cảng cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển khai thác thủy sản.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 5 cảng cá, gồm cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), cảng cá An Thới (TP Phú Quốc), cảng cá Thổ Châu (xã đảo Thổ Châu, TP Phú Quốc), cảng cá Nam Du (huyện đảo Kiên Hải), và cảng cá Xẻo Nhàu (huyện An Minh).
Các cảng cá phục vụ các dịch vụ hậu cần nghề cá, như: dịch vụ cầu cảng, bến bãi bốc dỡ hàng hóa, phân loại, thu mua, chế biến, bảo quản, vận chuyển hàng hóa… Trong đó, cảng cá Tắc Cậu và An Thới đã được Bộ NN-PTNT công bố, đưa vào danh sách cảng cá chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Về chế biến hải sản, toàn tỉnh có 30 nhà máy chế biến thủy sản với quy mô lớn, được đầu tư mới, có dây chuyền công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn kỹ thuật cao với tổng công suất hơn 148.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có các cơ sở chế biến bột cá, hệ thống kho lạnh tại các cảng cá. Hỗ trợ ngư dân cải tiến hầm bảo quản trên các tàu cá, góp phần giảm bớt công đoạn thủ công trong quy trình sản xuất, nâng cao năng lực chế biến.
Chính sách tàu cá đã thực hiện bảo hiểm 3.649 lượt tàu, số thuyền viên được bảo hiểm là 29.869 lượt thuyền viên. Tổng phí bảo hiểm gần 160 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 138 tỷ đồng, đến nay đã chi bồi thường 765 vụ, với số tiền bồi thường gần 35 tỷ đồng.