| Hotline: 0983.970.780

Quản lý hiệu quả đội tàu khai thác và đảm bảo an ninh nguồn nước

Thứ Năm 21/07/2022 , 18:41 (GMT+7)

Kiên Giang cần quản lý tốt đội tàu khai thác và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh.

Đoàn giám sát chuyên đề về chống khai thác IUU của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Đoàn giám sát chuyên đề về chống khai thác IUU của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Tăng cường thực thi pháp luật trên biển

Trong 2 ngày 20-21/7, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU” của Quốc hội, do ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Trưởng đoàn, đã đi thị sát trên biển, cảng cá Tắc Cậu và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Cùng với đó, Đoàn đã đến khảo sát công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé về bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần phòng chống thiên tai cho 4 tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau thuộc ĐBSCL.

Kiên Giang hiện là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, với 9.808 tàu cá đang đăng ký hoạt động, trong đó 3.895 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên. Đến cuối tháng 6/2022, số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định là 3.656/3.895 tàu, còn lại 239 tàu thuộc diện xóa đăng ký, nằm bờ, ngân hàng quản lý…  

Để thực thi pháp Luật trên biển, chống khai thác IUU, trên vùng biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang đang có sự hiện diện của Kiểm ngư vùng V (Kiểm ngư Việt Nam, thuộc Bộ NN-PTNT), lực lượng Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng… Tỉnh Kiên Giang cũng đã quyết định thành lập Chi cục Kiểm ngư trực thuộc Sở NN-PTNT để kiểm soát vùng biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thời gian qua, do giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao, trong khi nguồn lợi thủy sản suy giảm và giá bán hải sản thấp dẫn đến tàu cá đi khai thác không hiệu quả. Vì vậy, buộc nhiều ngư dân phải chọn giải pháp cho tàu nằm bờ để tránh bị thua lỗ. Theo ước tính, hiện có khoảng trên 700 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ đã nằm bờ nhiều tháng qua tại khu vực gần Cảng cá Tắc Cậu (trên tuyến sông Cái Bé, Cái Lớn).

Đoàn giám sát thị sát tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Đoàn giám sát thị sát tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh Kiên Giang có 1.839 tàu cá của 597 chủ tàu có vay vốn ngân hàng để hoạt động, đóng tàu. Tuy nhiên, khảo sát gần đây cho thấy, chỉ có khoảng 23% trong số này khai thác có hiệu quả.

Nhiều chủ tàu đã yêu cầu các ngân hàng nên khoanh nợ, giãn nợ trong thời điểm khó khăn hiện nay, giúp ngư dân vượt qua và có kế hoạch tái sản xuất để trả hết món nợ đã vay.

Đáng báo động là tình trạng tàu cá của ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển, bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến. Cụ thể, theo thông tin tin từ các Bộ, Ngành và lực lượng chức năng cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 31 tàu cá của ngư dân Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ. Trong đó, Thái Lan bắt giữ 8 tàu, Malaysia 15 tàu, Indonesia 1 tàu, Campuchia bắt giữ và xử phạt trong vùng nước lịch sử 7 tàu.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác nhiều nhất cả nước, hàng năm đóng góp lớn vào sản lượng khai thác, tạo việc làm cho người lao động.

Hiện năng lực khai thác đã vượt khả năng đáp ứng của ngư trường dẫn đến cạn kiệt, tàu phải vươn xa đánh bắt và cả vi phạm vùng biển nước ngoài. Ông Nhàn kiến nghị cần có những biện pháp để phục hồi ngư trường, hạn chế hoặc cấm đánh bắt vào mùa sinh sản. Đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng, nạo vét luồng lạch, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá…

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khảo sát công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Trung Chánh.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khảo sát công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Trung Chánh.

Chủ động kiểm soát nguồn nước

Sáng 21/7, Đoàn khảo sát Công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé về bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần phòng chống thiên tai cho 4 tỉnh vùng Bán đảo Cà Mau là Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.  

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được triển khai xây dựng tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé và đê nối với quốc lộ 61. Vùng hưởng lợi của dự án với diện tích tự nhiên là 384.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.000ha.

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban quản lý Thủy lợi 10 (thuộc Bộ NN-PTNT) cho biết: “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành đưa vào vận hành đã sớm phát huy tác dụng, với nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên.

Kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng… Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực”.

Tuy nhiên, để phát huy hết hiệu quả của hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé như mục tiêu đề ra, cần hoàn thiện hệ thống đê biển, các cống ven biển trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Các địa phương trong vùng cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai giai đoạn II của dự án, qua đó giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả, mở rộng vùng hưởng lợi và góp phần phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu.

Để khai thác hiện quả hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Bộ NN-PTNT đã có quyết định ban hành quy chế vận hành và giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đưa vào vận hành khai thác, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống dân sinh.

Ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đang báo cáo với đoàn gia sát chuyên đề của Quốc hội về vùng hưởng lợi của dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đang báo cáo với đoàn gia sát chuyên đề của Quốc hội về vùng hưởng lợi của dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Trung Chánh.

Hài hòa lợi ích giữa các địa phương trong vùng

Kết luận buổi là việc, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Hai nội dung giám sát chính của đoàn lần này là việc thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực thủy sản, chống khai thác IUU và đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ sự đang dạng sinh học khi vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé.

Trong đó, đối với chống khai thác IUU, tỉnh Kiên Giang cần phải thực hiện quyết liệt, triển khai các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát, quản lý hiệu quả đội tàu khai thác trên biển. Tiến tới hạn chế và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của châu Âu.

Các kiến nghị của địa phương về các văn bản quy phạm phạm luật, nhất là triển khai Luật Thủy sản. Tổ chức lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đầu tư hệ thống hạ tầng, bến cảng, tàu và trang thiết bị để thực hiện.

Đối với hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá, đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tác dụng liên vùng. Bộ NN-PTNT, tỉnh Kiên Giang và các đơn vị có liên quan đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, xây dựng để đưa công trình vào vận hành vượt tiến độ, sớm phát huy hiệu quả.

Đến nay, có thể khẳng định hiệu quả của công trình, thể hiện rõ tư duy thuận thiên, làm thay đổi quan điểm từ ngăn mặn giữ ngọt, sang kiểm soát nguồn nước hiệu quả. Các địa phương trong vùng hưởng lợi cần xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế phù hợp, nâng coa thu nhập cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy yêu cầu, Bộ NN-PTNT cần phải kiểm tra giám sát, đảm bảo quy trình vận hành thật hiệu quả, hài hòa được lợi ích giữa các mô hình sản xuất và giữa các địa phương trong vùng hưởng lợi. Đặc biệt là quá trình vận hành không được gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, tính đang dạng sinh học trong vùng.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.