Giảm dần sản lượng khai thác
Vùng biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang có diện tích 63.290 km2, là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Trên vùng biển có 5 quần đảo, với hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 43 hòn đảo có dân sinh sống, là điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển.
Hiện nay, toàn tỉnh có 9.884 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 3.995 chiếc. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm của tỉnh đạt trên 600.000 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, việc phát triển đội tàu khai thác quá nhiều, nhất là tàu khai thác ven bờ, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Từ đó, dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá của ngư dân phải vươn xa ra các vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn, thậm chí là ra vùng biển nước ngoài đánh bắt. Những năm qua, tỉnh Kiên Giang có nhiều tàu cá vi phạm khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) mặc dù chính quyền đã nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Nhằm khắc phục những bất cập trong phát triển kinh tế biển, nhất là liên quan đến lĩnh vực thủy, hải sản, tỉnh Kiên Giang đã triển thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững đến năm 2030. Theo đó, tập trung khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản, trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả, bền vững.
Từng bước giảm dần số lượng tàu và sản lượng khai thác, để chuyển sang nuôi biển, tăng quy mô và năng suất nuôi biển, tăng sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác ven bờ.
Phát triển nuôi biển
Vùng biển rộng lớn, có nhiều quần đảo, các vịnh kín ít bị tác động bởi gió bão, cùng với bờ biển dài hơn 200 km, đã tạo cho Kiên Giang có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi biển và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Kiên Giang cũng đang tập trung triển khai các chích sách khuyến khích phát triển kinh tế biển bền vững, trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, tổng diện tích NTTS của tỉnh năm 2021 phấn đấu đạt 282.000 ha, sản lượng 289.000 tấn. Trong đó, nuôi tôm nước lợ 136.000 ha, sản lượng 98.000 tấn, đẩy mạnh nuôi thâm canh công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tăng sản lượng lên 105.000 tấn.
Nuôi cua biển kết hợp diện tích 78.000 ha, sản lượng 23.000 tấn. Nuôi nhuyễn thể 25.500 ha, sản lượng 73.000 tấn. Nuôi cá lồng bè trên biển số lượng 5.500 lồng, sản lượng 5.200 tấn. Nuôi cá nước ngọt các loại 42.500 ha, sản lượng 86.000 tấn…
Kiên Giang tập trung phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển triển kinh tế biển, nhằm triển khai thực hiện nội dung của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển diện tích mặt nước nuôi lồng là 7.000 ha, với 7.500 lồng, trong đó nuôi công nghệ cao 1.900 lồng. Sản lượng nuôi biển đạt 113.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng. Thu hút khoảng 18.500 lao động vào lĩnh vực nuôi biển.
Giai đoạn đến năm 2030, tăng diện tích mặt nước nuôi lồng lên 16.000 ha, đạt 14.000 lồng nuôi, trong đó nuôi công nghệ cao 6.600 lồng. Sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn, giá trị sản xuất đạt 19.487 tỷ đồng. Thu hút khoảng 47.700 người vào lĩnh vực hoạt động nuôi biển.
Vùng nuôi biển Kiên Giang bao gồm thành phố đảo Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ (Kiên Lương), Tiên Hải (thành phố Hà Tiên), với các đối tượng như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá chẽm, tôm hùm xanh, tôm tít, nghẹ, ngọc trai… Vùng ven biển thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh, phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể, như: sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa, hến biển, hàu, trồng rong, tảo biển.
Hỗ trợ ngư dân chuyển nghề sang nuôi biển
Tổng nhu cầu vốn phát triển nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030 là 12.688 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 128 tỷ đồng, tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực ngành và nghiên cứu các đề tài khoa học phát triển nuôi biển. Có chính sách hỗ trợ các hộ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, liên kết sản xuất theo hợp tác xã, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nuôi biển, các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi biển ứng dụng công nghệ cao.