Cứ vào ngày triều cường, nhất là những ngày giông gió gia đình bà Phạm Thị Hảo, ngụ ở Bãi Dương - một xóm nhỏ ven biển thuộc xã Bình Sơn huyện Hòn Đất lại nơm nớp lo sợ. Nhìn những con sóng lớn từ biển khơi ào qua đoạn đê vỡ tràn vào vườn cây mà bà tiếc đứt ruột. Gần chục năm trời, vợ chồng con cái trong gia đình bà đã bỏ ra bao nhiêu công sức tiền của, cải tạo 5ha đất lên líp trồng rau màu và cây ăn trái đang sắp cho thu hoạch thì nay đã theo ra sông ra bể - bà Hảo bức xúc.
Ở xóm Bãi Dương thuộc ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn có hơn 40 hộ khác đang lâm vào cảnh điêu đứng vì vỡ những đoạn đê này. Hơn 500 ha vuông nuôi tôm, 65 ha cây ăn trái và 10 ha trồng rau màu của các gia đình đều bị nước mặn tràn vào làm ngập úng. Thậm chí còn có nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái do nước mặn ngập sâu lâu ngày đã bị chết. Nhiều căn nhà bị chìm trong biển nước từ 20-30cm, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của các cụ già và trẻ nhỏ. Điều đáng quan ngại là tại khu vực này có gần 100 em học sinh học bậc tiểu học tại điểm trường kinh tế mới, hàng ngày phải đi qua những đoạn đê vỡ đến trường khiến các bậc phụ huynh và thầy cô giáo lo lắng. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Lê Khắc Thùy bức xúc nói: “Ở địa bàn xa xôi này điều kiện dạy và học vốn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng những đoạn đê ngăn mặn đã bị vỡ từ lâu mà không điược ngành chức năng khắc phục sửa chữa, nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho thầy trò chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học”.
Theo tìm hiểu được biết, tại khu vực này do diện tích cây chắn sóng ít nên vào những ngày gió lớn sóng biển xô thẳng vào thân đê khiến nhiều đoạn bị suy yếu rồi dần dần sạt lở. Năm 2004 một đoạn đê bị vỡ bà con địa phương đã tự huy động hàng trăm ngày công lao động hàn khẩu, song do lượng đất đắp không đủ và không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật vì vậy tuyến đê này tiếp tục bị sạt lở và bị vỡ ngày càng rộng thêm. Cho đến thời điểm này chỉ riêng khu vực Bãi Dương có 3 đoạn đê bị vỡ với chiều dài gần 100m, hàng ngày nước biển cứ tự do tràn qua làm ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của bà con.
Ông Đỗ Văn Hồng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất kể rằng: tuyến đê này được làm từ năm 2000. Đến năm 2004 bắt đầu suy yếu và nhiều đoạn bị hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, chúng tôi có tổ chức triệu tập ban lãnh đạo các ấp và nhân dân khắc phục lại những sự cố này nhưng cứ mỗi năm mùa gió Nam về thì bị phá to ra, trong khi năng lực ở địa phương không thể nào nổi. Cũng theo ông Hồng, vấn đề trên đã được kiến nghị đề xuất tại các cuộc họp và tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn còn nằm yên.
Ngọc Tân