Cần đầu tư mở rộng khu neo đậu tàu thuyền và chống sạt lở bờ sông
Sáng 16/8, đoàn công của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng dẫn đầu đã làm việc UBND tỉnh Khánh Hòa về kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh này.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa nêu khái quát bức tranh toàn cảnh về thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Theo đó, tỉnh này thường gánh chịu các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, ngập lụt và sạt lở đất. Trong đó, đáng chú ý là cơn bão số 12 cực đoan xảy ra vào năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh, với khoảng 16.000 tỷ, làm 44 người bị chết.
Do đó, ông Quang cho rằng, trong công tác phòng, chống thiên tai, việc chủ động xây dựng các phương án ứng phó là rất quan trọng và cần thiết. Xác định điều đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, trong đó có xây dựng phương án ứng phó cụ thể từng loại hình thiên tai.
Đối với việc đảm bảo an toàn 28 hồ chứa thủy lợi và 3 hồ thủy điện, Sở NN-PTNT cũng tham mưu tỉnh xây dựng các phương án ứng phó các tình huống. Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ nhân vật lực, thiết bị…nhằm chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới. Tương tự, đối với đảm bảo an toàn cho hơn 3.200 tàu thuyền trong mùa mưa bão, các cơ quan chức năng cần bám sát tình hình dự báo thời tiết, từ đó thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Ngoài tàu thuyền, tỉnh Khánh Hòa có 2.190 bè với hơn 110.000 lồng nuôi trồng thủy sản tập trung tại TP Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và TP Nha Trang. Hầu hết lồng bè nuôi trồng thủy sản của bà con đều thô sơ bằng gỗ tre, chỉ cần cơn bão cấp 9-10 đã ảnh hưởng lớn.
Trước tình hình đó, theo ông Nguyễn Duy Quang, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, đồng thời giao Sở NN-PTNT Khánh Hòa triển khai các mô hình nuôi thủy sản bằng lồng HDPE (công nghệ Na Uy). Từ đó, dần hướng bà con nuôi thủy sản bằng lồng HDPE để thích ứng biến đổi khí hậu…
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa kiến nghị đoàn công tác quan tâm đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại thôn Bình Tây, phường Ninh Hải.
Theo bà Hải, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Bình Tây hiện đáp ứng cho việc neo đậu cho gần 300 tàu thuyền, công suất từ dưới 30- 90CV. Những năm vừa qua, khu neo đậu tránh trú bão này không chỉ cho tàu thuyền của ngư dân thị xã Ninh Hòa mà còn nhiều tàu thuyền các tỉnh khác. Trong khi đó số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất lớn ở Ninh Hòa ngày càng nhiều, nhưng khu neo đậu tránh trú bão này thiết kế chỉ dành cho tàu có công suất nhỏ. Mặt khác, luồng vào vùng khu neo đậu bị bồi lắng nghiêm trọng nhưng chưa được nạo vét kịp thời gây khó khăn cho tàu thuyền ra, vào neo đậu tránh trú bão.
Còn đại diện UBND TP Nha Trang kiến nghị đầu tư dự án phòng chống sạt lở bờ sông Cái Nha Trang đoạn qua xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh. Bởi nhiều năm qua đoạn này bị sạt lở nghiêm trọng, cần được khắc phục kịp thời.
Ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho rằng, hiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng chống thiên tai tại Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự của tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng con người thiếu rất nhiều. Đa số thực hiện kiêm nhiệm là chính, không có người chuyên trách theo hướng dẫn của Trung ương. Do đó, ông đề nghị đoàn kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan xem xét có biên chế về nhận sự chuyên trách để thực hiện bài bản, tránh kiêm nhiệm nhằm hoàn thiện bộ máy phòng, chống thiên tai trên địa bàn các cấp phù hợp Luật Phòng, chống thiên tai.
Cần chi tiết hóa các phương án ứng phó thiên tai
Sau khi nghe các ý kiến, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng đánh giá sự nỗ lực của Ban chỉ đạo tỉnh trong việc triển khai nghiêm túc các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương về phòng chống thiên tai; cũng như đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống thiên tai qua nhiều năm. Từ đó đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Đối với các kiến nghị của địa phương, đoàn công tác ghi nhận và sẽ tổng hợp chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để giải quyết. Tuy nhiên để công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới được hiệu quả hơn, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng đề nghị tỉnh hoàn thiện hệ thống thông tin cảnh báo của Ban Chỉ đạo các cấp một cách bài bản.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện, chi tiết hóa các phương án ứng phó thiên tai, sát thực tiễn, không bị động khi tình huống xảy ra. Các phương án này cần được tập huấn, phổ biến rộng rãi cho người dân biết để chủ động ứng phó.
Đối với các khu neo đậu tàu thuyền cũng phải đảm bảo “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để đảm bảo xử lý các tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, cần quy hoạch lại khu neo đậu tàu thuyền rõ ràng, phân chia ô đậu đến từng tàu cá cụ thể để vừa đảm bảo việc quản lý, an ninh trật tự, vừa đảm bảo tránh trú bão.
Hiện nay chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đề nghị các huyện, thị xã, TP trong tỉnh cần kiểm tra lại phương án “4 tại chỗ”, cũng như tăng cường tuyên truyền người dân trong việc chủ động ứng phó thiên tai.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ghi nhận những ý kiến đóng góp của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai. Đồng thời, ông cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch, phương án chi tiết để ứng phó từng loại hình thiên tai cũng như kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp theo yêu cầu.