| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên Huế đề nghị hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng phòng, chống thiên tai

Thứ Năm 10/08/2023 , 16:56 (GMT+7)

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Chỉ tính riêng năm 2022, thiên tai gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng cho địa phương này.

Đoàn kiểm tra Trung ương về công tác phòng chống thiên tai đi thực địa một số công trình tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Công Điền.

Đoàn kiểm tra Trung ương về công tác phòng chống thiên tai đi thực địa một số công trình tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Công Điền.

Thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng do thiên tai

Chiều 10/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có buổi làm việc với đoàn kiểm tra Trung ương về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2023. Tham dự có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng của 8 đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh, 2 đợt mưa lớn, 3 đợt giông, lốc sét và 7 đợt nắng nóng, gây thiệt hại về tài sản nhà cửa, tàu thuyền của người dân.

Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022 của Chính phủ với kinh phí 150 tỷ đồng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt phương án phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ KH-ĐT đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ KH-ĐT đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Ảnh: Công Điền.

Cụ thể, đã bố trí 30 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các địa phương hỗ trợ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, khắc phục hậu quả thiên tai trong 10 tháng đầu năm 2022; bố trí 120 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án quan trọng nhằm khắc phục hậu quả thiên tai như xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua Thuận An - Tư Hiền, sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và khắc phục hư hỏng các công trình và các tuyến đường giao thông trọng yếu. Hiện nay các dự án đang triển khai thực hiện và sẽ giải ngân hết phần vốn đã bố trí trong năm 2023.

Nhằm nâng cao năng lực PCTT, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã hướng dẫn phương châm "4 tại chỗ" tại các địa phương, đặc biệt là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới.

Đề nghị hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng 

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, là địa phương thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu nên công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho người dân. Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về công tác PCTT theo Bộ Chỉ số PCTT.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện một số dự án phòng chống thiên tai. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện một số dự án phòng chống thiên tai. Ảnh: Võ Dũng.

Để tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn kinh phí thực hiện khắc phục hậu quả, phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống dân cư, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT và các bộ ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho tỉnh các dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn xung yếu tại xã Phú Hải - Phú Diên, huyện Phú Vang với chiều dài 1,9km, kinh phí khoảng 190 tỷ đồng; hỗ trợ xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu khoảng 2,8km với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở bờ sông và nạo vét các trục thủy đạo ở hạ lưu sông Hương, sông Bồ, sông Truồi, kinh phí khoảng 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ dự án nâng cấp hệ thống đê điều và các cống trên đê ven Phá Tam Giang - Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập bảo đảm sản xuất nông nghiệp, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Nâng cấp đảm bảo an toàn cho 12 hồ chứa nước với kinh phí 220 tỷ đồng, các hồ gồm: Hồ Nam Giản, hồ Thiềm Cát, Cụm hồ A Lá và các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn huyện A Lưới, hồ Cây Mang, hồ La Ngà, hồ Khe Râm, hồ Bến Ván 1, Bến Ván 2, hồ Thủy Yên, hồ Truồi, hồ Khe Ngang, hồ Khe Nước, hồ Cơn Thộn và nâng cấp, sửa chữa công trình đường giao thông tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn với kinh phí 100 tỷ đồng...

Năm 2022, thiên tai gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 2022, thiên tai gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Dũng.

Thay mặt đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ KH-ĐT đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai; rà soát, cập nhật thường xuyên các tình huống, diễn biến phức tạp của các loại hình thiên tai; các thành viên đoàn công tác tiếp thu các ý kiến, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế và báo cáo lại với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để có những phương án hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Dịp này, Đoàn kiểm tra Trung ương về công tác phòng chống thiên tai đã có chuyến kiểm tra, khảo sát thực địa tại cảng cá Thuận An và khu vực dự án kè chống sạt lở Phú Thuận.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về 'đại công xưởng' vàng mã đất Bắc dịp Tết ông Công ông Táo

Làng Song Hồ, Bắc Ninh, không chỉ nổi tiếng với tranh Đông Hồ mà còn là 'đại công xưởng' vàng mã lớn nhất cả nước, nhộn nhịp sản xuất mỗi dịp Tết âm lịch.