| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ở cồn Phú Đa

Thứ Sáu 27/09/2024 , 07:00 (GMT+7)

Bến Tre Đợt triều cường rằm tháng 8, cồn Phú Đa liên tiếp xảy ra 2 vụ sạt lở tại cùng một điểm xung yếu, UBND huyện Chợ Lách kiến nghị công bố tình huống khẩn cấp.

Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách vừa có tờ trình gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh xem xét tham mưu trình UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về tình trạng sạt lở cồn Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách).

Ông Nguyễn Minh Cảnh (bên trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khảo sát vụ sạt lở tại cồn Phú Đa. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Minh Cảnh (bên trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khảo sát vụ sạt lở tại cồn Phú Đa. Ảnh: Minh Đảm.

Liên tiếp xảy ra sạt lở

Trong tháng 9/2024, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, mưa gió lớn đã gây sạt lở đê bao cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách 2 lần.

Lần đầu tiên vào lúc 23h ngày 16/9 (nhằm ngày 14/8 âm lịch), triều cường kèm theo mưa to đã gây sạt lở đê bao cồn Phú Đa tại đoạn đê qua đất vườn của hộ ông Lý Quốc Dũng, tổ 16, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình. Đoạn đê bị sạt lở dài 20m mất hết phần thân đê gây ngập cục bộ 3ha vườn cây ăn trái chuyên canh. Trong ngày 17/9, UBND xã Vĩnh Bình cùng chính quyền và bà con khu vực tổ 16 sử dụng vật chất tại chỗ và thuê máy đào khắc phục khẩn cấp và hoàn thành tạm đoạn đê bị sạt lở.

Tuy nhiên, lúc 3h sáng ngày 18/9, tại điểm sạt lở mới vừa được gia cố tạm lại xảy ra sạt lở. Nguyên nhân lúc này được xác định là do đê mới bằng đất, nền yếu, cùng với triều cường dâng cao. Đoạn đê bị sạt lở dài 30m.

Vụ sạt lở tiếp theo gây ngập diện tích 15ha đất vườn cây ăn trái, trong đó 10ha sầu riêng từ 3-10 tuổi, còn lại là cây mít, cây nhãn và các loại cây khác, đồng thời ảnh hưởng đời sống của 22 hộ dân với 71 nhân khẩu.

Do quy mô sạt lở lớn, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Chợ Lách đã điều động phương tiện cơ giới cùng với UBND xã Vĩnh Bình và bà con nhân dân cồn Phú Đa gia cố tạm đoạn đê bị sạt nói trên trong ngày.

Sạt lở gây ảnh hưởng 15ha đất vườn cây ăn trái của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Sạt lở gây ảnh hưởng 15ha đất vườn cây ăn trái của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Theo nhận định của UBND huyện Chợ Lách, đê bao cồn Phú Đa dài hơn 10km, hiện nay trong tình trạng rất nguy hiểm, kết cấu thân đê bằng đất, nhiều đoạn sạt lở sâu, thân đê nhỏ cùng với lòng sông Cổ Chiên có nơi sâu hơn 20m. Trong thời gian tới, sạt lở đê cồn Phú Đa ngày một phức tạp và quy mô ngày càng lớn, khả năng trong tháng 10, tháng 11 tới là đỉnh triều của năm 2024, đê Phú Đa tiếp tục sạt lở.

Đê bao cồn Phú Đa dài hơn 10km, hiện nay trong tình trạng rất nguy hiểm. Ảnh: Minh Đảm.

Đê bao cồn Phú Đa dài hơn 10km, hiện nay trong tình trạng rất nguy hiểm. Ảnh: Minh Đảm.

Kiến nghị công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở

Hiện nay, huyện Chợ Lách đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Huyện đã xuất ngân sách dự phòng khoảng 400 triệu đồng chi hỗ trợ gia cố điểm sạt lở trước mắt. Phân công trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả. Phòng NN-PTNT thực hiện cắm biển báo, khoanh vùng sạt lở.

Chính quyền địa phương huy động phương tiện gia cố tạm thời điểm sạt lở. Ảnh: Minh Đảm.

Chính quyền địa phương huy động phương tiện gia cố tạm thời điểm sạt lở. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều năm qua, cồn Phú Đa trên sông Cổ Chiên là điểm nóng về sạt lở bờ sông tại ĐBSCL. Mỗi năm vào các đợt triều cường mùa mưa hầu như đều xảy ra tình trạng sạt lở. Sạt lở ở cồn Phú Đa rất phức tạp. Có vụ sạt lở lớn còn lấy đi nhiều căn nhà, tài sản của người dân địa phương.

Trước đây, cồn được đầu tư một đoạn kè rọ đá để chống sạt lở nhưng chưa kịp nghiệm thu thì một phần kè cũng bị sạt lở làm rớt xuống sông.

Cồn Phú Đa gồm 2 ấp Phú Đa và Phú Bình với diện tích 404ha đất sản xuất nông nghiệp, trên cồn trồng nhiều cây ăn trái đặc sản và hiện đang có 700 hộ dân sinh sống.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.