| Hotline: 0983.970.780

Cần có giải pháp để dân không phải bỏ cồn Phú Đa

Thứ Tư 22/09/2021 , 14:51 (GMT+7)

Ở cồn Phú Đa (Bến Tre) có thể chỉnh trị dòng chảy bằng công trình mỏ hàn như là giải pháp căn cơ lâu dài để người dân không phải bỏ cồn.

Vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên tại cồn Phú Đa (ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) vào tối ngày 12/9 vừa qua là một trong 3 vụ sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cồn này từ năm 2017 đến nay. Sản xuất và đời sống người dân trong vùng đê bao tiếp tục bị đe dọa.

Hiện trường vụ sạt lở ngày 12/9. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện trường vụ sạt lở ngày 12/9. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện chính quyền địa phương đã tổ chức khắc phục nhanh, tạm đắp một đoạn đê bên trong để sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, vấn đề là cần tìm ra giải pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn để giữ ổn định công trình đê bao và giữ cồn. Không để cứ mỗi lần đê bị vỡ, bị sạt lở rồi lại di dời vào trong, lại gia cố. Vừa bị mất đất vừa tốn công, tốn kinh phí, rất tốn kém mà dân không an tâm an cư.

Hiện cồn Phú Đa có 2 ấp, Phú Đa và Phú Bình với 716 hộ và 2.275 nhân khẩu. Diện tích tự nhiên là 286 ha. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 60 ha. Cồn Phú Đa có vị trí “rất xung yếu” bởi nằm giữa dòng nước mênh mông của đoạn sông Cổ Chiên rộng nhất trên 1.500m. Tại đoạn sông này giáp hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, sông Cổ Chiên gặp cù lao Phú Đa để phân thành hai nhánh: nhánh phải lớn hơn nhánh trái.

Theo một chuyên gia công tác nhiều năm trong ngành thuỷ lợi nhận định: “Chính vì vị trí này mà khi thủy triều xuống, dòng chảy sông Cổ Chiên đụng phải cồn Mỹ An (ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) đang nổi nhô ra xa sông Cổ Chiên nên chuyển hướng thẳng vào bờ đầu cồn Phú Đa, áp sát đầu cồn, kết hợp với sóng to, gió mạnh càng làm cho đầu cồn bị sạt lở liên tục năm này qua năm khác. Từ đầu cồn đến bến phà Phú Đa có nguy cơ sạt lở rất cao”.

Chính quyền địa phương làm đê dã chiến ngăn tạm thời nước tràn vào nhà dân, cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm.

Chính quyền địa phương làm đê dã chiến ngăn tạm thời nước tràn vào nhà dân, cây ăn trái. Ảnh: Minh Đảm.

Do vậy dù chính quyền, nhân dân và các hộ, cơ sở nuôi thủy sản tại đây đã thực hiện đủ các biện pháp từ: trồng cây, đóng cọc, cừ gỗ, cừ bê-tông cốt thép, tấn đan, thảm nhựa…và đắp bờ bao, bờ ao, đê bao tôn cao khỏi mực nước lũ, triều cường nhưng vẫn không chống chọi nổi sức phá hoại của dòng nước. Sạt lở, vỡ đê cứ tiếp diễn xảy ra. Đầu cồn dần mất đất, càng lùi dần về hạ lưu...

Cồn đã được hình thành lâu đời, hiện có trên bảy trăm gia đình đang sinh sống cùng với nhiều huê lợi từ vườn cây ăn trái, ao hầm nuôi thủy sản…có giá trị kinh tế cao nên không thể vì thế mà bỏ chạy, bỏ cồn. Thiết nghĩ cần có giải pháp chống sạt lở dài hơi hơn, hiệu quả hơn để giữ cồn, giữ dân…

Cũng theo chuyên gia trên, trước mắt, không thể sử dụng giải pháp “mềm”, giải pháp phi công trình để áp dụng phòng, chống sạt lở cho nơi đây, như trồng cây chắn sóng, chống sạt lở (như bần, dừa nước, cỏ…) hoặc đóng cọc, tấn bao cát vì không hiệu quả! Vì đầu cồn không còn là bãi bồi, không còn bãi sình lầy, mà bờ sông dốc, dòng chảy áp sát bờ, sạt lở mạnh. 

Trong khi nguồn lực của địa phương còn khó khăn thì áp dụng giải pháp công trình xử lý tạm thời như đã thực hiện là phù hợp. Nhưng về lâu dài, một trong những biện pháp đề xuất thực hiện trong thời gian tới là làm cho đầu cồn trở nên cứng, chắc chắn hơn, bằng cách chỉnh trị dòng chảy (đẩy, lái dòng chảy) ra xa bờ đầu cồn mà trong kỹ thuật công trình thủy gọi là công trình mỏ hàn.

Nhiều năm nay, cồn Phú Đa là điểm nóng sạt lở của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều năm nay, cồn Phú Đa là điểm nóng sạt lở của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Trao đổi thêm về các giải pháp phòng chống sạt lở căn cơ cho cồn Phú Đa, ông Nguyễn Khánh Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Bến Tre cho biết: “Theo chúng tôi nghiên cứu, vụ sạt lở ở cồn Phú Đa có nhiều nguyên nhân: do dòng chảy một phần, phần khác là lòng sông sâu quá. Có những hố xói gần 20m cho nên mất chân. Hiện nay, cơ bản lượng phù sa về đồng bằng rất ít cho nên dòng sông có khuynh hướng tự bào mòn. Về sử dụng công trình mỏ hàn, Chi cục cũng đã nghiên cứu. Trên địa bàn huyện Chợ Lách cũng đã áp dụng nhưng tuỳ chỗ mới có hiệu quả. Nhưng chỗ sạt lở sâu quá sẽ xem xét san lấp hố xói cùng với nhiều biện pháp khác như kè rọ đá”.

Được biết, tại vị trí sạt lở đã từng được đầu tư làm kè rọ đá nhưng đợt sạt lở này đã cũng đã cuốn trôi 15m kè rọ đá. Theo chuyên gia nhận định, làm kè rọ đá phải làm tuyến dài mới hiệu quả, để tránh “không lở chỗ này thì chỗ kia”.

Các chuyên gia đề xuất làm mỏ hàn chỉnh trị dòng chảy, phòng chống sạt lở. Ảnh: Minh Đảm.

Các chuyên gia đề xuất làm mỏ hàn chỉnh trị dòng chảy, phòng chống sạt lở. Ảnh: Minh Đảm.

Mỏ hàn là loại công trình để chỉnh trị một đoạn sông có chức năng làm giảm lưu tốc dòng chảy, giảm vận chuyển bùn cát dọc bờ, tạo vùng nước tĩnh hoặc xoáy nhẹ để giữ bùn cát lại gây bồi cho vùng bờ, bãi bị xói. Công trình này cũng che chắn cho bờ khi sóng truyền tới, giảm lực xung kích của sóng tác dụng vào bờ và hướng dòng chảy ven bờ đi lệch ra xa gây xói bờ.

Loại mỏ hàn có thể sử dụng mỏ hàn đá như đã sử dụng ở các dự án kè chống sạt lở bờ sông ở vùng ĐBSCL. Kết cấu của mỏ hàn bằng đá hộc, đá tảng lớn, rọ đá thuộc loại mềm dẻo, linh hoạt, cho phép chuyển dịch phù hợp với biến dạng nền mà không gây ra hư hỏng và phá hoại kết cấu mỏ hàn…Biện pháp cần đầu tư lớn, dài hơi.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre cần phối hợp với tỉnh Vĩnh Long tiến hành khảo sát địa hình, địa chất lòng, bờ sông, đo đạt thủy văn dòng chảy, xem lại vấn đề khai thác cát gần khu vực cồn để có biện pháp chỉnh trị dòng chảy sông Cổ Chiên nhằm giảm bớt tác động trực diện vào đầu cồn Phú Đa. Đồng thời xem xét tác động của biện pháp dùng kè mỏ hàn có tác động đến bờ sông Cổ Chiên phía đối diện thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.