Chuẩn bị nhiều năm cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hay Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin được biết đến là những nhân vật thường xuất hiện trong các cuộc đàm phán thân thiện giữa Bắc Kinh và Washington.
Song dường như ít ai, ngoại trừ các quan chức phụ trách thương mại trong chính quyền Mỹ, biết rằng chính Đại diện thương mại Robert Lighthizer mới thực sự là "kiến trúc sư" đứng sau các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump. Ông cũng là nhà đàm phán hàng đầu trong chính quyền Mỹ khi đàm phán với Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Ông Lighthizer, 70 tuổi, được biết đến là người từ lâu có tư tưởng cứng rắn với Trung Quốc. Theo Bloomberg, ông đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho một cuộc chiến kinh tế với Bắc Kinh. "Chúng ta rõ ràng có vấn đề kinh niên với Trung Quốc", ông Lighthizer từng nói trong một phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 7.
“Cực kỳ tài năng”
Kỹ năng đàm phán của ông Lighthizer một phần là nhờ kinh nghiệm ở vai trò nhà đàm phán cấp cao. Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, ông từng là Phó Đại diện thương mại Mỹ, từng dẫn đầu các cuộc đàm phán với giới chức Nhật Bản nhằm giảm thâm hụt thương mại với đất nước mặt trời mọc.
Ông Lighthizer cũng từng làm việc với các đối tác Mexico, Canada để bàn về việc sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - một cuộc đàm phán đang bắt đầu những dấu hiệu tích cực.
Mặc dù giữ vai trò quan trọng như vậy, song ông Lighthizer vẫn cẩn trọng tránh mọi sự chú ý. Đó được coi là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công của ông Lighthizer trong chính quyền Tổng thống Trump.
Trong khi Nhà Trắng chứng kiến những cuộc tranh cãi nội bộ giữa những người bảo thủ như Cố vấn thương mại Peter Navarro và những người có xu hướng ủng hộ doanh nghiệp, thì ông Lighthizer vẫn lặng lẽ đứng ngoài.
Điều này có lẽ một phần là do ông Lighthizer đã quá quen thuộc với chính giới ở Washington. Ông từng là Chánh văn phòng của Ủy ban Tài chính Thượng viện vào cuối những năm 1970.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Lighthizer đã cho thấy khả năng vượt qua sự chia rẽ đảng phái. Bill Brock, cựu Đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan, mô tả cấp phó Lighthizer của mình là một người "cực kỳ tài năng".
Ủng hộ quan điểm thương mại của ông Trump
Nếu thái độ của Tổng thống Trump với thương mại thiên về bản năng, thì của ông Lighthizer là kết quả của việc nghiên cứu lịch sử và nhiều năm đi ngược lại khuynh hướng của đảng Cộng hòa về vấn đề này.
Tuy nhiên, về cơ bản, ông Lighthizer có chung quan điểm thương mại với Tổng thống Donald Trump. Ngay từ năm 2011, khi ông Trump đưa ra ý định tranh cử tổng thống , ông Lighthizer đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của tỷ phú New York về cái được gọi là "chủ nghĩa bảo hộ thương mại". Ông cho rằng, đó là phương cách để bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ.
Trong một bài luận đăng tải trên tạp chí Foreign Policy mùa hè năm nay, Quinn Slobodian, giáo sư sử học tại Đại học Wellesley đã xác định học thuyết mới nổi "Chủ nghĩa Lighthizer" hay triết lý kinh tế dẫn dắt chính quyền Tổng thống Trump. Giáo sư Quinn cho rằng, điều này sẽ còn kéo dài.
Nền tảng của triết lý Lighthizer cho rằng chính sách thương mại của Mỹ kể từ những năm 1980 là một “chuỗi sai lầm”.
Ông và những người thân cận cho rằng, Mỹ đã đánh giá sai vòng đàm phán Uruguay dẫn đến việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1994 và sự ra đời của một hệ thống giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc có thể gây bất lợi cho các hoạt động thương mại của Mỹ.
Trong một báo cáo hồi đầu năm nay, đội ngũ của ông cũng cho rằng, Mỹ đã mắc một sai lầm cơ bản khi cho phép Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2011.
Ông Lighthizer cũng có chung quan điểm với Tổng thống Trump cho rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng đều đặn kể từ năm 1975 là một minh chứng cho thấy mọi việc đã trở nên sai lầm. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Trump đổ lỗi cho nhiều quốc gia khác nhau thì ông Lighthizer chủ yếu đổ lỗi cho Trung Quốc.