| Hotline: 0983.970.780

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tàu du lịch

Thứ Sáu 27/09/2024 , 18:49 (GMT+7)

Quảng ninh Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đắm, chìm do bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo khắc phục.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: QMG.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: QMG.

Ngày 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã dự cuộc họp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và chỉ đạo thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bị đắm, chìm trong bão số 3.

Tại cuộc họp, đại diện Hội tàu du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã thông tin một số khó khăn như chi phí trục vớt tàu chìm đắm lớn, vốn vay ngân hàng khó tiếp cận, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính với các chính sách thuế và bảo hiểm.

Đồng thời đề nghị UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ, kết nối với các đơn vị trục vớt, sửa chữa, đóng mới để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn như giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới, giảm thuế theo quy định hiện hành của nhà nước; hỗ trợ thủ tục pháp lý trong cấp giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện…

Doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long thông tin về tình hình thiệt hại. Ảnh: QMG.

Doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long thông tin về tình hình thiệt hại. Ảnh: QMG.

Sau khi lắng nghe và phân tích các kiến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp và đại diện các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chia sẻ với những khó khăn, mất mát của các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch.

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, tỉnh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo khắc phục ngay sau bão. Tuy nhiên, một số nội dung như hỗ trợ chi phí trục vớt tàu trong các quy định, chính sách nhà nước chưa có điều mục này.

"Với tính chất đặc thù, Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ để các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch một phần chi phí trục vớt, khắc phục thiệt hại phương tiện thủy bị chìm, đắm do cơn bão số 3", ông Huy nói.

Đối với đề xuất tiếp cận nguồn vốn, UBND tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đề nghị giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới theo hình thức tín chấp. Hiện các tổ chức tín dụng vẫn đang triển khai các bước để hướng dẫn cụ thể cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp cận vốn. Các đơn vị khác cũng đã thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế theo quy định hiện hành của nhà nước.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, khai thác hiệu quả giá trị cảnh quan đặc sắc của vịnh Hạ Long theo hướng bền vững bằng việc rà soát, nghiên cứu, đưa thêm các sản phẩm du lịch mới vào khai thác; cần quan tâm các vấn đề hạ tầng; đảm bảo môi trường, bảo vệ cảnh quan. Trước mắt, có thể triển khai thí điểm một số tuyến tham quan mới; khẩn trương ban hành các quy chế, quy định mới trong quản lý hoạt động của tàu du lịch nhằm đáp ứng, phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Cơn bão số 3 đổ bộ đã khiến 269 phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị đắm, chìm. Trong số đó có 28 tàu du lịch hoạt động đưa khách tham quan vịnh Hạ Long. Đến thời điểm hiện tại đã trục vớt được 9 tàu, bao gồm 2 tàu ngủ đêm.

Xem thêm
Hơn 220 đại biểu dự Đại hội các dân tộc tỉnh Yên Bái

YÊN BÁI Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn các dân tộc tỉnh Yên Bái đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.