Định hình các sản phẩm chủ lực
Nhằm phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh, năm 2011, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành nghị quyết về “xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực”. Theo nghị quyết, Kon Tum sẽ tập trung phát triển 4 nhóm ngành mũi nhọn gồm: Nông - lâm nghiệp; công nghiệp chế biến; sản xuất, truyền tải và phân phối điện; du lịch.
Đồng thời, Kon Tum sẽ phát triển 9 sản phẩm chủ lực gồm: khoai mì và các sản phẩm chế biến từ khoai mì; trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; điện; du lịch sinh thái Măng Đen.
Sau 14 năm thực hiện nghị quyết, các sản phẩm với những loại cây trồng chủ lực của tỉnh đã được định hình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện toàn tỉnh có hơn 31.000ha cây cà phê, hơn 81.00ha cao su, 4.100ha mắc ca, hơn 12.000ha cây ăn quả; gần 3.000ha sâm Ngọc Linh, 10.000ha cây dược liệu. Cùng với đó, Kon Tum ngày càng gia tăng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như: GACP- WHO, hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP.
Là sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum, cà phê đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh Robusta (huyện Đăk Hà), vùng chuyên canh Arabica tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Sản lượng cà phê đạt từ hơn 54.000 đến 63.000 tấn/năm.
Toàn tỉnh hiện đã phát triển có hơn 40 cơ sở chế biến sản phẩm cà phê với tổng công suất chế biến khoảng trên 150 tấn bột/năm. Đặc biệt, một số cơ sở nhờ ứng dụng công nghệ cao đã từng bước chinh phục được các thị trường lớn như Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.
Trong các sản phẩm chủ lực, sâm Ngọc Linh được tỉnh Kon Tum chú trọng phát triển, không chỉ về diện tích mà cả về chế biến sâu. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được gần 3.000ha sâm Ngọc Linh, tập trung chủ yếu tại huyện Tu Mơ Rông với khoảng 2.800ha.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, Tu Mơ Rông hiện có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất cả nước. Những năm qua, việc phát triển sâm Ngọc Linh đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ việc trông chờ ỷ lại sang chủ động đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ sâm Ngọc Linh, người dân cũng từ bỏ từ thói quen phá rừng sang trồng rừng.
“Sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa nghèo cho gần 2.000 hộ dân, giúp hàng trăm hộ làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Nhiều ngôi làng khó khăn đang vươn lên làm giàu. Không những vậy, sâm Ngọc Linh đã được chế biến thành hàng chục sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn bồi dưỡng sức khỏe”, ông Mạnh chia sẻ.
Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đến nay tỉnh Kon Tum đã công nhận được 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng sản xuất cà phê Đăk Hà (huyện Đăk Hà) và vùng sản xuất rau, củ, quả Măng Đen (huyện Kon Plông). Đồng thời, Kon Tum cũng xác định được 10 vùng có tiềm năng hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã công nhận được 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến, 2 doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện các trình tự thủ tục công nhận trong năm 2025.
Thời gian qua, việc thu hút đầu tư đối với các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, Kon Tum đã thu hút 20 dự án đầu tư về ứng dụng công nghệ cao, tổng vốn đăng ký 3.500 tỷ đồng.
Đánh giá về nền nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nền nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đang phát triển đúng định hướng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng về quy mô hàng hóa, diện tích.
“Sản lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua ngày càng được nâng cao, một số sản phẩm được chế biến sâu, gia tăng giá trị. Qua đó, giúp đời sống và thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”, ông Tháp cho biết.