| Hotline: 0983.970.780

Kon Tum khẩn trương sửa chữa hàng chục cầu treo trong mùa mưa lũ

Thứ Hai 30/09/2024 , 06:30 (GMT+7)

Những cầu treo hư hỏng, xuống cấp đang trở thành mối nguy hiểm rình rập cho người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum mỗi khi đến mùa mưa lũ.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum vừa có báo cáo tổng hợp số cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh này hiện có khoảng 227 cầu nông thôn như cầu treo, cầu dân sinh. Trong đó, 95 cầu chưa đảm bảo kết cấu bê tông cốt thép và 29 cầu treo trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Cụ thể, huyện Đăk Glei đang có 76 cầu treo thì có 16 cầu đang trong tình trạng xuống cấp. Còn huyện Đăk Tô có tổng số 17 cầu treo thì 5 cầu bị hư hỏng, xuống cấp.

Tiềm ẩn rủi ro ở những cầu treo xuống cấp

Cầu treo tại thôn 6 (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh.

Cầu treo tại thôn 6 (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô) đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ghi nhận tại huyện Đăk Tô, nhiều cầu treo các khu vực thôn Đăk Lung, thôn 6 (xã Kon Đào) và thôn Đăk Tăng, Kon Pring (xã Ngọk Tụ) đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt trong mùa mưa bão vừa qua, hàng cây gãy đổ đã khiến cầu treo thôn Kon Pring (xã Ngọk Tụ) hư hỏng nặng, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình này, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Đăk Tô đánh giá hiện trạng, đồng thời tiến hành khắc phục sửa chữa. Đến nay, việc khắc phục, sửa chữa đã cơ bản hoàn thành và người dân thôn Kon Pring đã đi lại và vận chuyển hàng hóa bình thường.

Trong khi đó, tại thôn Đăk Tăng (xã Ngọk Tụ), cây cầu treo tự phát của người dân được lắp ráp từ hàng nghìn cây tre ghép lại. Cầu treo có chiều dài hơn 20m được người dân đóng góp xây dựng từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, vào cuối tháng 8 vừa qua, cầu treo này cũng đã bị cuốn trôi. Sau đó, người dân quyên góp làm cầu tạm nhưng chỉ được thời gian ngắn lại tiếp tục bị cuốn trôi.

Theo người dân địa phương, các hộ gia đình thôn Đăk Tăng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương với mong muốn được xây dựng cầu mới để thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, địa phương đã phản hồi do kinh phí đầu tư quá lớn nên chưa có điều kiện làm.

Ông A Giáo (thôn Đăk Tăng) cho biết, năm nào người dân cũng làm cầu treo nhưng do làm theo kiểu tạm bợ nên chỉ dùng được vài tháng, khi đến mùa mưa lũ lại bị cuốn. Chính vì vậy, nhiều người dân nơi đây gặp khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Cây cầu hết sức tạm bợ ở thôn Đăk Lung (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô). Ảnh: Tuấn Anh.

Cây cầu hết sức tạm bợ ở thôn Đăk Lung (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô). Ảnh: Tuấn Anh.

“Gia đình tôi có gần 1ha trồng cà phê ở phía bên kia cầu, mỗi lần vận chuyển đều phải cõng qua suối. Chúng tôi chỉ mong muốn có một cây cầu nhỏ kiên cố để người dân đi lại mùa mưa đỡ vất vả”, ông Giáo chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọk Tụ cho biết, người dân thôn Đăk Tăng đang rất mong muốn có cầu treo kiên cố để đi qua khu sản xuất, nơi có hàng chục ha cây trồng.

Trước nhu cầu đó, UBND huyện Đăk Tô cũng đã xuống khảo sát, lập dự toán nhưng do kinh phí quá lớn (khoảng hơn 3 tỷ đồng) nên chưa thể cân đối kinh phí để đầu tư xây dựng.

Hiện nay, xã cũng đang tiến hành đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông theo danh mục đầu tư công. Đây là tuyến đường đi vào khu sản xuất của người dân nhưng xa hơn khoảng 4km. Tuyến đường này hoàn thành cơ bản sẽ thay thế cho cây cầu treo theo yêu cầu của người dân.

“Do chưa có kinh phí xây dựng cầu treo ở thôn Đăk Tăng, nên xã đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại ở cầu treo tạm bợ. Trong trường hợp bất khả kháng thì người dân phải sử dụng phao và đi từng người một để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”, ông Luân chia sẻ.

Khẩn trương nâng cấp, sửa chữa

Cây cầu treo bằng gỗ ở thôn Đăk Lung, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh. 

Cây cầu treo bằng gỗ ở thôn Đăk Lung, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh. 

Huyện Đăk Glei với địa bàn phần lớn bị chia cắt bởi sông suối nên có rất nhiều cây cầu treo. Trong đó, những cây cầu treo chủ yếu được bắc qua sông Pô Cô để vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân.

Theo phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đăk Glei, những cầu treo không đảm bảo an toàn chủ yếu do người dân tự làm để phục vụ việc đi lại sản xuất. Do nguồn kinh phí eo hẹp, các cây cầu treo của người dân chủ yếu được làm từ tre, gỗ được kết lại với nhau bằng sợi dây thép. Chính vì vậy, những cây cầu treo lơ lửng trên sông này nhanh chóng xuống cấp.

Trước tình hình này, UBND huyện Đăk Glei đã có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, vận hành khai thác các cầu treo dân sinh trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện Đăk Glei đã yêu cầu các xã, thị trấn khẩn trương tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì các cầu treo dân sinh do địa phương đang quản lý và khai thác.

UBND huyện Đăk Glei cũng yêu cầu phòng Kinh tế - Hạ tầng tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo trì các công trình cầu treo dân sinh trên đường giao thông nông thôn do UBND các xã, thị trấn đang quản lý, khai thác. Trong quá trình thực hiện, có những khó khăn, vướng mắc thì tham mưu UBND huyện chỉ đạo, giải quyết theo quy định.

Ông A Duy, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đăk Glei cho biết, các đợt mưa bão trong thời gian qua kéo theo lũ lớn đã làm hư hỏng một số cầu treo trên địa bàn huyện. Trước tình hình này, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê các cầu treo hư hỏng để đề xuất bố trí nguồn vốn sửa chữa lại, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

“Hiện nay, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên huyện chỉ hỗ trợ các vật tư như sắt, thép, xi măng… để người dân cơ bản khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn hơn trong mùa mưa lũ”, ông Duy chia sẻ.

Cây cầu treo chênh vênh trên sông tại thôn Đăk Lung (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô). Ảnh: Đăng Lâm.

Cây cầu treo chênh vênh trên sông tại thôn Đăk Lung (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô). Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng theo ông Duy, trước khi thực hiện việc sửa chữa các cầu treo, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân không tụ tập đông người, hạn chế đi từng đoàn đông người trên các cầu treo bị hư hỏng, nhằm tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra, nhất là đang vào mùa mưa lũ như thời gian vừa qua.

Trước tình hình bão lũ phức tạp, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các sở, ban ngành, UBND các huyện và đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai; chủ động điều phối, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão, lũ.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ công trình cầu vượt sông, cầu treo dân sinh, cầu tạm…. Qua đó, kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn giao thông để đưa ra các cảnh báo, biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra, phát hiện nơi có nguy cơ cao xảy ra thiên tai để có giải pháp triển khai ngay tại cơ sở.

Liên quan đến việc sửa chữa, khắc phục các cầu treo hư hỏng, ông Phan Mười, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, hàng năm trước mùa bão lũ, đơn vị cũng đã thường xuyên nhắc nhở các địa phương sửa chữa, khắc phục các cầu treo bị hư hỏng, đảm bảo an toàn cho người dân trong việc đi lại.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).