| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp, nông thôn bị lợi dụng, cày xới như thế nào?

[Kỳ 5] Chặn đứng xâm phạm của điện mặt trời ảnh hưởng đến hồ thủy lợi

Thứ Hai 05/04/2021 , 14:58 (GMT+7)

Sau khi thi công một số dự án điện mặt trời ở vùng lòng hồ thủy lợi, các công trình này đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tiêu thoát lũ.

Dự án điện mặt trời hồ Suối Lớn do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: M.H.

Dự án điện mặt trời hồ Suối Lớn do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: M.H.

Xây tường bao quanh hồ thủy lợi, ảnh hưởng sinh kế của dân

Tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), dự án điện mặt trời ở lòng hồ Bầu Ngứ được phê duyệt dự án với tổng công suất khoảng 50MW. Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư và được cấp phép thực hiện trên diện tích 73ha, trong đó diện tích vùng bán ngập của lòng hồ là khoảng 24ha.

Năm 2017, dự án bắt đầu được triển khai và hoàn thành, đưa vào khai thác không lâu sau đó. Điều đáng lưu tâm rằng, khi các hạng mục công trình điện hoàn thành, đi vào vận hành, khai thác thì chủ đầu tư đã thực hiện xây hệ thống hàng rào bê tông quanh dự án nhằm bảo vệ công trình.

Bức tường này cao 2-3m, bao bọc nhà máy điện và hồ Bầu Ngứ bên trong, biến hồ Bầu Ngứ thành "của mình" nên những người được cho là không phận sự thì không thể tiếp cận.  

Chị Niễu Thị Hoàng Hạnh phải bỏ hoang vườn tược vì không có nước sản xuất. Ảnh: Kim Sơ. 

Chị Niễu Thị Hoàng Hạnh phải bỏ hoang vườn tược vì không có nước sản xuất. Ảnh: Kim Sơ. 

Theo cư dân địa phương, trước đây, hồ Bầu Ngứ là nơi cung cấp nước ngọt phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân lân cận. Là "nguồn sống" của dân, nhưng đã bị điện mặt trời chặn.

Bà Trần Thị Thu Loan sống trong vùng cho hay: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành xây dựng tường bao quanh lòng hồ đã khiến cuộc sống hàng chục hộ dân địa phương lâm cảnh lao đao. Nhiều gia đình không lấy được nước sản xuất nên phải bỏ hoang ruộng vườn. Đối với các hộ chăn nuôi bò, cừu, vì không còn nguồn nước uống nên cũng phải bán vật nuôi và “giải nghệ”.

Xâm phạm công trình thủy lợi

Cũng tại Ninh Thuận, dự án điện mặt trời hồ Suối Lớn (xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) có quy mô công suất thiết kế 450 MW, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 553 ha. Trong đó, diện tích thuộc phạm vi vùng bán ngập hồ Suối Lớn hơn 38 ha.

Dự án này do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam làm chủ đầu tư và được triển khai từ tháng 2/2020. Đến ngày 1/10/2020, công trình hoàn thành và đi vào khai thác.

Tường bê tông bao quanh hồ cao 2-3m khiến cho gia súc của người dân không thể vào hồ uống nước. Ảnh: M.H.

Tường bê tông bao quanh hồ cao 2-3m khiến cho gia súc của người dân không thể vào hồ uống nước. Ảnh: M.H.

Tại công trình này, phạm vi ranh giới điều chỉnh của dự án có bổ sung thêm một phần diện tích của lòng hồ. Phần diện tích bổ sung này nằm hoàn toàn trước kênh dẫn thượng lưu tràn xả lũ hồ chứa (cách tràn xả lũ khoảng 135m). Đồng thời tổ chức san lấp đất đá chắn ngang ở khu vực để làm đường cho các loại phương tiện mà đặc biệt là cho ôtô qua lại. Công trình này được xác định gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ vào mùa mưa. Trường hợp các tấm pin lắp sai cao trình quy định tại khu vực cũng gây ảnh hưởng đến sự an toàn.

Ngành chức năng vào cuộc

Trước sự việc chủ đầu tư dự án điện mặt trời làm tường bê tông bao quanh hồ Bầu Ngứ, đại diện Công ty Khai thác công trình Thủy lợi Ninh Thuận (Công ty thủy lợi), đơn vị quản lý hồ cho biết, họ (chủ đầu tư-PV) dựng hàng rào bao quanh hồ nhưng mình không đồng ý vì ảnh hưởng đến việc quản lý hồ. Hơn nữa việc rào này cũng khiến việc chăn thả, phục vụ nước uống cho gia súc cũng không xuống được. Công ty đã kiến nghị lên cấp trên để đảm bảo cho gia súc của người dân được lên xuống uống nước.

Sau đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chỉ đạo xử lý. Căn cứ vào chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 25/2/2021, Công ty thủy lợi đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư phối hợp với Sở NN-PTNT Ninh Thuận và Công ty thủy lợi, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để làm việc, thống nhất biện pháp xử lý hàng rào để đảm bảo công tác quản lý, vận hành hồ chứa, đảm bảo hoạt động sản xuất, chăn nuôi, sinh kế của người dân và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Trường Thành.

Đến ngày 16/3/2021, Sở NN-PTNT gửi văn bản, đề nghị chủ đầu tư dự án điện mặt trời phối hợp cùng Công ty thủy lợi và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra thực địa. Và trên cơ sở kết quả kiểm tra, làm việc, có sự thống nhất giữa các bên về biện pháp xử lý hàng rào, đảm bảo cho công tác quản lý, vận hành, bảo vệ hồ chứa đúng quy định. Đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất, chăn nuôi, sinh kế của người dân trong khu vực. Sở NN-PTNT Ninh Thuận cũng đề nghị chủ đầu tư dự án điện khẩn trương thực hiện biện pháp xử lý hàng rào sau khi thống nhất và báo cáo về Sở NN-PTNT trước ngày 25/3/2021.

Chủ dự án điện mặt trời ở hồ Bầu Ngứ xây dựng hệ thống tường bê tông bao quanh hồ đã ảnh hưởng sinh kế của người dân địa phương. Ảnh: M.H.

Chủ dự án điện mặt trời ở hồ Bầu Ngứ xây dựng hệ thống tường bê tông bao quanh hồ đã ảnh hưởng sinh kế của người dân địa phương. Ảnh: M.H.

Về vấn đề dự án điện mặt trời gây ảnh hưởng công trình thủy lợi hồ Suối Lớn, lãnh đạo Công ty thủy lợi cho biết, công ty đã nêu vụ việc lên các cơ quan chức năng và đề nghị chủ đầu tư tuân thủ các quy định về thực hiện dự án.

Theo Công ty thủy lợi, các tấm pin mà chủ đầu tư lắp đặt trên khu vực tràn xả lũ từng bị ngập về mùa mưa. Vì lý do này, ngày 16/3/2021, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư dự án điện chủ động thuê đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá lại hiện trạng ngập và cao trình các tấm pin hiện hữu để có phương án xử lý phù hợp.

Việc xử lý các tấm pin có thể thực hiện phương án tháo dỡ, di dời đến nơi khác để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, tiêu thoát lũ và các vấn đề an toàn điện… Sở NN-PTNT Ninh Thuận cũng đề nghị chủ đầu tư hoàn thành công việc trước ngày 15/4/2021.

Cũng theo lãnh đạo Công ty thủy lợi Ninh Thuận, hiện nay, để 3 dự án điện mặt trời trong lòng hồ gồm Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3, Thiên Tân 1.4 đang triển khai thi công tại hồ Sông Biêu, hồ Lanh Ra và hồ Sông Trâu tránh xâm phạm công trình thủy lợi, công ty đã ký quy chế phối hợp với chủ đầu tư.

Theo đó, trong quy chế có quy định về trách nhiệm của chủ công trình thủy lợi, chủ đầu tư dự án. Cũng ở quy chế này, công tác quản lý, vận hành an toàn hồ chứa phải được đặt lên hàng đầu và chủ đầu tư không được vi phạm an toàn hồ chứa.

Tràn xả lũ thượng lưu hồ Suối Lớn bị chủ dự án điện mặt trời san lấp làm đường đi, lắp đặt các tấm pin. Ảnh: M.H.

Tràn xả lũ thượng lưu hồ Suối Lớn bị chủ dự án điện mặt trời san lấp làm đường đi, lắp đặt các tấm pin. Ảnh: M.H.

Ngoài 2 dự án điện mặt trời ở hồ Suối Lớn và hồ Bầu Ngứ thì tỉnh Ninh Thuận còn 4 dự án khác được triển khai ở các hồ thủy lợi.

Trong đó bao gồm: Dự án điện mặt trời hồ Bầu Zôn do Công ty CP Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh Thuận làm chủ đầu tư, quy mô công suất 50 MW, tổng diện tích sử dụng đất hơn 78 ha, trong đó phạm vi vùng bán ngập hơn 66 ha; Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2 có tổng công suất 100MW, tổng diện tích hơn 105 ha thuộc phạm vi vùng bán ngập hồ Sông Biêu; Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.3 có tổng công suất 50 MW, tổng diện tích sử dụng đất là 50 ha thuộc phạm vi vùng bán ngập hồ Lanh Ra; Dự án mặt trời Thiên Tân 1.4 có quy mô công suất 100 MW, tổng diện tích sử dụng đất 120 ha thuộc phạm vi vùng bán ngập hồ Sông Trâu.

Theo lãnh đạo Công ty Thuỷ lợi Ninh Thuận, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận các chủ đầu tư đã thống nhất phương án và tiến hành xử lý. Theo đó dự án điện mặt trời gây ảnh hưởng công trình thủy lợi hồ Bầu Ngứ, chủ đầu tư thống nhất mở đường để cho gia súc xuống hồ uống nước. Đối với hồ Suối Lớn, chủ đầu tư cũng cam kết thực hiện phương án tháo dỡ, di dời đến nơi khác để đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa, tiêu thoát lũ và các vấn đề an toàn điện.

  • Tags:
Xem thêm
Chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ khi triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...