Họa sĩ Lê Sa Long là giảng viên khoa Đồ họa của Trường Đại học Mở TP.HCM. Năm ngoái, họa sĩ Lê Sa Long đã tạo được tiếng vang trong giới thưởng lãm bằng triển lãm tranh “Khẩu trang và người nổi tiếng”. Lần này, họa sĩ Lê Sa Long dùng tranh ký họa để phản ánh cuộc sống của những con người bình thường giữa tâm bão Covid-19, mà anh đặt tên là “Sài Gòn thời giãn cách”.
Những ngày cuối tháng 6/2021, nhiều khu vực bị phong tỏa khiến cuộc sống tại TP.HCM trở nên ngột ngạt và căng thẳng. Là một công dân gắn bó với đô thị phương Nam, họa sĩ Lê Sa Long thổ lộ: “TP.HCM trong khó khăn vẫn luôn có những vẻ đẹp về tình người giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Tôi không cần tưởng tượng mà chỉ ký họa lại những gì mình nhìn thấy, đã có được những bức tranh xao xuyến. Với tôi, nghệ thuật chính là tấm gương phản ánh chân thật cuộc sống. Hiện thực là đề tài vô tận cho các họa sĩ từ xưa đến nay và tôi luôn ý thức phải có trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ”.
Ký họa “Sài Gòn thời giãn cách” của họa sĩ Lê Sa Long hoàn toàn không xa lạ với những ai quan tâm đến cuộc chiến chống Covid-19. Đó là hình ảnh em bé 5 tuổi một mình theo nhân viên y tế vào khu cách ly tập trung, vì trước đó cha mẹ của cháu cũng đã bị nhiễm Covid-19. Đó là cụ bà Ngô Thị Quýt ở quận Gò Vấp dù đã 95 tuổi vẫn mỗi ngày ngồi may khẩu trang để tặng bà con nghèo xung quanh. Đó là chị Tám thu mua ve chai trong những ngày chật vật mưu sinh giữa dịch bệnh vẫn tranh thủ hỏi han con gái sắp thi Tú Tài ở quê.
Mỗi bức ký họa “Sài Gòn thời giãn cách” là một câu chuyện mà họa sĩ Lê Sa Long mong muốn được kể lại chân thực nhất. Những tác phẩm đầu tiên trong bộ ký họa “Sài Gòn thời giãn cách” ngay lập tức gây xúc động cho nhiều người. Trong tuần đầu tháng 7/2021, một số bức ký họa “Sài Gòn thời giãn cách” đã được giới sưu tập liên hệ với họa sĩ Lê Sa Long đã đặt mua.
Cũng giống như bộ sưu tập “Khẩu trang và người nổi tiếng” năm ngoái, họa sĩ Lê Sa Long cũng lên kế hoạch đưa bộ sưu tập “Sài Gòn thời giãn cách” đến với công chúng như một thông điệp đẩy lùi đại dịch toàn cầu. Họa sĩ Lê Sa Long cho biết: “Tôi dự định sau đợt cao điểm lây nhiễm, sẽ thực hiện triển lãm tranh và ra mắt bộ sách ảnh đánh dấu kỷ niệm TP.HCM vượt qua đợt dịch khó khăn này. Tôi cũng sẽ tiếp tục trích tiền bán tranh để đóng góp quỹ giúp người nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn”.