| Hotline: 0983.970.780

Kỳ họp thứ 9, khóa XVII HĐND tỉnh Thanh Hóa: 'Nóng' vấn đề đất đai

Thứ Tư 10/07/2019 , 10:57 (GMT+7)

Sáng 10/7, ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 9, khóa XVII HĐND tỉnh Thanh Hóa, tại phiên chất vấn, hội trường được làm “nóng” bằng các vấn đề đất đai nông lâm trường và tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người dân, đặc biệt là vùng miền núi.

Theo thông tin tại kỳ họp, số liệu thống kê tháng 7/2017, toàn tỉnh có 20.914 hộ dân các huyện miền núi thiếu đất sản xuất, tương đương với 39.065 ha. Về đất ở, chỉ mới thống kê 2 huyện Ngọc Lặc và Như Xuân, thời điểm trên có 149 hộ không có đất ở. Nhiều hộ dân, do lịch sử để lại, họ làm nhà ở kiên cố trên đất nông lâm trường, trên đất rừng phòng hộ, các khu bảo tồn, vườn quốc gia… hiện đang rất khó giải quyết dứt điểm.

Đại biểu huyện Thạch Thành chất vấn các vấn đề về đất đai nông lâm trường, đất sản xuất, đất ở cho người dân.

Thế nhưng, sau 2 năm, Thanh Hóa mới giải quyết về đất ở cho 5 hộ dân; đất sản xuất vẫn chưa có hướng giải quyết. Trong khi đó, việc thu hồi đất đai nông lâm trường, công ty cao su để giao cho người dân sản xuất hiện đang vướng những vấn đề pháp lý.

Đại biểu chất vấn, vì sao người dân đang thiếu đất ở, đất sản xuất nhưng tỉnh vẫn có chủ trương thu hồi đất sau đó thành lập một số công ty TNHH 2 thành viên để phát triển nông nghiệp. Một số công ty thuê xong lại cho người dân thuê lại theo hình thức phát canh thu tô?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Quyền cho rằng, khi thành lập các công ty TNHH hai thành viên, họ chỉ tổ chức sản xuất còn người dân vẫn trực tiếp sản xuất: “Phải đưa doanh nghiệp vào để họ tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến để tiến tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao”.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, trả lời chất vấn.

Về việc để xảy ra tình trạng người dân xây dựng nhà cửa trên đất sản xuất nông lâm trường, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Không phải đất đã giao cho nông lâm trường rồi là các địa phương không có vai trò gì. Chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng nhà trái phép trên đất nông lâm trường. Nếu chính quyền cấp xã, huyện không thực hiện giám sát thì chủ tịch UBND tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm. Hội đồng Nhân dân các cấp, UBND các cấp phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề này”.

Nhiều nông lâm trường "ôm đất" nhưng không đủ năng lực sản xuất đã "phát canh thu tô".

Trước tình trạng trên, ông Chiến cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ cần làm ngay trong thời gian tới, giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở TN&MT, NN&PTNT phối hợp xử lý dứt điểm. Ông Chiến đề nghị các cấp, ngành rà soát thống kê lại số liệu người dân thiếu đất ở, đất sản xuất để thực hiện các phương án thu hồi đất đai khai thác kém hiệu quả tại các nông lâm trường giao cho người dân sản xuất.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.