Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên về việc không nương tay với các vi phạm về xăng dầu, Tổng Cục trưởng Quản lý Thị trường Trần Hữu Linh đề ra 3 biện pháp cần làm ngay trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Chính phủ, từ Bộ Công Thương, đặc biệt là những công điện khẩn liên quan đến tình hình ổn định giá xăng dầu, chống mọi hành vi gian lận thương mại liên quan đến xăng dầu.
Thứ hai, theo dõi, giám sát, tiến hành kiểm tra thường xuyên và đột xuất với tần suất 1-2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm, đặc biệt là qua đường dây nóng của lực lượng Quản lý Thị trường.
Thứ ba, rà soát, đánh giá lại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hoạt động tạm ngưng trong thời gian vừa qua; và có các biện pháp xác minh làm rõ các lý do. Đặc biệt, là tăng cường kiểm tra đột xuất và áp dụng các hình thức xử phạt, xử phạt bổ sung mang tính răn đe cao.
"Đối với lực lượng Quản lý Thị trường, nếu đơn vị nào để xảy ra tình trạng vi phạm ở địa bàn quản lý thì sẽ đình chỉ, điều chuyển những người đứng đầu", ông Linh nhấn mạnh.
Song song với việc tiến hành ký cam kết với 17.000 cây xăng bán lẻ, và thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu, Tổng cục Quản lý Thị trường sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phổ biến tiết kiệm việc sử dụng xăng; phát hiện tố giác sai phạm.
Xăng dầu góp 3,52% GDP; chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Do đó, khi giá xăng dầu lập đỉnh gần 30.000 đ/lit vào ngày 11/3, nhiều hiện tượng như xăng dầu giả, nhập lậu, xăng dầu kém chất lượng xảy ra. Gần nhất, 200 triệu lít xăng dầu giả bị phát hiện tại Đồng Nai.
Xác định xăng dầu là mặt hàng trọng điểm trong công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng quản lý thị trường cam kết phối hợp cùng các lực lượng thanh tra chuyên ngành như khoa học công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng… trong việc lấy mẫu, kiểm tra.
"Mặt hàng xăng dầu hiện rất nóng bỏng nên việc kiểm tra phát hiện, phòng chống các hành vi gian lận thương mại rất phức tạp", ông Trần Hữu Linh chia sẻ.
Về việc một số cửa hàng bán xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngưng bán, găm hàng, người đứng đầu Tổng cục Quản lý Thị trường khẳng định, trường hợp nào cần thì sẽ xử lý nghiêm; nếu chưa đến mức phạt thì vận động, tuyên tuyền vì "điều này liên quan tới ý thức".
Giải pháp trước mắt được ông Linh đề ra, là dán liên hệ đường dây nóng của lực lượng Quản lý Thị trường địa phương vào các cây xăng để người dân chủ động phát hiện và thông báo kịp thời.
Bàn thêm về giá xăng, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh về sự khác biệt giữa các nước. Theo vị chuyên gia kinh tế này, nguyên nhân nằm ở khoản thu ngân sách của từng nước khác nhau. "Ở Việt Nam, đây là khoản thu đáng kể cho ngân sách nhà nước", ông nói.
Đề xuất tháo gỡ vấn đề này, TS. Ánh cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu, đầu mối xăng dầu nên tăng cường sử dụng loại hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai như một công cụ ngăn chặn, hạn chế rủi ro về giá.
Một khía cạnh nữa được ông Ánh lưu ý là tỷ giá hối đoái. Ông nhận định: "Nếu tỷ giá này lên 5%, rất khó để kìm giá xăng dầu nói riêng và các mặt hàng nhập khẩu nói chung".