Đó là ký ức của hạ sĩ Lê Văn Hương, một trong số các chiến sĩ trên tàu HQ-505, tham gia bảo vệ chủ quyền trên đảo Cô Lin ngày 14/3/1988.
Không khuất phục trước 3 làn đạn
Sau 2 lần hẹn, chúng tôi mới gặp được cựu chiến binh Lê Văn Hương (SN 1967, quê Nam Định, hiện sống tại TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Chẳng phải anh “làm khó” chúng tôi, mà lý do là: “Anh làm công nhân cơ khí cho một công ty tư nhân, phải có mặt đúng giờ, nếu không họ đánh giá mình”. Và, dù đã xuất ngũ từ lâu, nhưng anh vẫn nói: “Anh phải gọi xin ý kiến thủ trưởng”.
Ông Hương đang làm việc trong xưởng cơ khí tại Dĩ An, Bình Dương |
Ông Hương kể, tàu HQ-505 không phải là tàu chiến, và chỉ là tàu vận tải và thực hiện các công việc về kỹ thuật, nên trên tàu chỉ có một số loại vũ khí nhỏ để tự vệ. Cuối năm 1987, khi tàu đang thực thi nhiệm vụ đưa bộ đội công binh và vật tư công trình đến đảo Đá Lớn. Vừa hoàn thành công việc thì sáng 13/3/1988, tàu nhận được lệnh đến đảo Cô Lin, Gạc Ma.
Sáng 14/3/1988, khi tàu HQ-505 đang ở vùng biển giữa đảo Cô Lin và Gạc Ma thì tàu Trưng Quốc bất ngờ nổ súng lên tàu HQ-604, khi đó đang ở đảo Gạc Ma. Trong làn mưa đạn pháo, các chiến sĩ trên tàu HQ-604 vẫn anh dũng chống trả, bảo vệ đảo, nhưng do hoàn bị bị động, tàu HQ-604 bị chìm sau đó, nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh.
Tàu HQ-505 sau đó được lệnh tiến nhanh về đảo Cô Lin. Biết ý đồ này của ta, các tàu Trung Quốc bắt đầu quay mũi tàu, chĩa pháo về tàu chúng tôi nã đạn. Ngay loạt đầu, tàu đã trúng đạn vào buồng máy bên phải, hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý. Tất cả các khoang máy đều bốc cháy dữ dội, điện tắt tối om, nước tràn, dầu lênh láng. Tàu có xu hướng nghiêng, khả năng chìm trên vùng biển sâu 1.000m.
“Tình huống lúc đó đặt ra rất nhiều thứ nguy cấp phải giải quyết cùng một lúc với thời gian vô cùng gấp gáp, phải chống chìm vì tàu chìm thì không thể lao lên đảo. Phải chống cháy ở kho đạn, kho dầu, nếu không thì cháy lan cả tàu. Trong thời khắc sinh tử, thuyền trưởng Lễ nhận định, nếu tàu HQ 505 chìm, cán bộ chiến sĩ hy sinh, tàu mất, đảo không giữ được. Vì thế, ông quyết định bằng mọi giá phải giữ được tàu. Ngay sau đó, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ yêu cầu toàn đội tập trung sửa máy tàu, bịt các lỗ thủng, ngăn nước tràn vào. Chúng tôi phải chui xuống đáy tàu bịt các lỗ thủng. Đồng thời, thực hiện 3 không: Không để địch tiếp cận tàu, không để địch tiếp cận cờ và tiêu, không để địch chiếm đảo”, ông Hương kể.
Ông Lê Văn Hương đang kể lại những ngày tháng chiến đấu và bảo vệ đảo Cô Lin |
Trong lúc các chiến sĩ tập trung dưới hầm máy chống chìm, chống cháy, sửa máy thì trên cabin buồng lái, máy lái cũng bị bắn hỏng, không lái được. “Khung cảnh lúc đó rất khủng khiếp.
Cả mặt boong cháy nghi ngút. Sàn cháy. Sắt thép cháy đỏ rực. Những cột khói lớn bốc lên, đài chỉ huy bị phá nát. Nhiều chiến sĩ bị thương. Lúc ấy, tàu Trung Quốc mới bỏ đi”, ông Hương nhớ lại.
Khi tàu sửa xong máy, thuyền trưởng ra lệnh mở hết tốc lực cho tàu HQ 505 phi thẳng lên đảo Cô Lin, trước khi tàu Trung Quốc kịp bắn thêm một loạt pháo khác để triệt tiêu hoàn toàn sức sống của con tàu!
Cuối cùng, con tàu cũng đã lao được một nửa thân tàu lên đảo. Dù vậy, những người lính hải quân dũng cảm cũng đã kịp biến nó thành cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên đảo Cô Lin. Tàu HQ-505 đã trở thành “pháo đài thép - cột mốc chủ quyền” trên đảo Cô Lin, sừng sững giữa Biển Đông.
Để giữ tàu không bị trôi dạt ra khỏi đảo các chiến sĩ phải kéo 3 chiếc neo tàu, mỗi cái nặng 2 tấn lên giữa đảo, cách tàu mấy trăm mét, chôn xuống, cột dây vào neo với tàu.
“Khi nó ở dưới nước thì thả phao bè đẩy vào, không vất vả bằng lúc kéo nó lên đảo. Không có máy móc gì hỗ trợ. Chỉ có sức người. Chúng tôi khi đó chỉ dùng sức người và xà beng, gậy gộc, vần, chuyển dịch từng tí một, mấy tiếng đồng hồ mới chuyển xong”, ông Hương kể.
Những ngày cân não
Khi tạm yên tiếng đạn pháo, thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh thả thuyền cứu sinh cùng các chiến sĩ sang đảo Gạc Ma để cứu đồng đội trước làn đạn bắn xối xả từ tàu Trung Quốc.
Nhưng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn cùng đồng đội lên được đảo Gạc Ma để cứu đồng đội. Họ đã tìm thấy 44 thương binh và tử sĩ đưa về đảo Sinh Tồn để cứu chữa, mai táng.
Và, những ngày sau đó, toàn bộ 10 cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ-505 được lệnh ở lại giữ đảo Cô Lin. Đây mới chính là những ngày các chiến sĩ ở lại bảo vệ đảo phải đối mặt với sự tra tấn tinh thần khủng khiếp của quân trung Quốc.
“Nếu không có một ý chí sắt đá và một thần kinh thép, thì khó mà trụ nổi. Bởi trên đảo Cô Lin lúc này chỉ có 10 cán bộ chiến sĩ trên chếc “lô cốt” sắt là con tàu HQ-505.
Ông Hương (thứ 3 từ trái qua) trong buổi gặp gỡ đồng đội trên tàu HQ-505 ngày 14/3/2018 (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Trong khi đó, không xa ngoài khơi, những chiếc tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc vẫn quần đảo, quấy tung mặt biển, nhằm uy hiếp tinh thần bộ đội ta. Khi đó, tàu HQ-505 đã hỏng hoàn toàn, đêm trên đảo chỉ có đèn dầu, vũ khí thô sơ. Nhiều lúc, tàu Trung Quốc từ xa lại mở hết tốc, lao thẳng vào tàu HQ-505, nhưng gần đến nơi, chúng lại quay ra. Hoặc chúng thường có hành động khiêu khích là tiến lại gần đảo, sau đó chĩa thẳng pháo không che chắn, bịt đầu nòng về phía đảo. Thời gian đầu, anh em cũng căng thẳng, nhưng tinh thần thì không nao núng, động viên nhau, cho dù có phải hy sinh cũng quyết bảo vệ đảo”, ông Hương kể.
Dù có thể rút về đảo Sinh Tồn nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe nhưng ông Hương đã cùng đồng đội bám trụ lại đảo Cô Lin đến cuối tháng 6/1988. Khi các hành động khiêu khích của hải quân Trung Quốc đã giảm và chủ quyền trên đảo Cô Lin được giữ vững.
Năm 1989, ông Hương xuất ngũ. Trở về đời thường, trở về quê hương, ông đi học và có nghề cơ khí. Hiện ông đang sống hạnh phúc với người vợ cùng 2 con (13 và 15 tuổi) trong căn nhà nhỏ ở phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, tỉn Bình Dương.
“Mỗi năm, vào ngày 14/3, tôi vẫn gặp đồng đội cũ để ôn lại những ký ức xưa, để nhớ các đồng đội đã ngã xuống. Ước mong lớn nhất trong đời tôi bây giờ là được một lần ra thăm lại Trường Sa, để có cơ hội thắp cho đồng đội một nén nhang”, ông Lê Văn Hương, cựu chiến binh trên tàu HQ-505. |