Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng ai cũng nỗ lực vượt qua nỗi đau, xây dựng gia đình, làm ăn sinh sống.
Mưu sinh
Sau thời gian được chăm sóc sức khỏe tại Khu an dưỡng thương binh tỉnh Bắc Giang, cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa ghé về thăm gia đình trước khi nhận công tác tại đơn vị mới.
Cựu binh Lê Minh Thoa với nghề bơm vá xe đạp, xe máy trước đây |
Bà Trần Thị Mười (71 tuổi), mẹ anh Thoa, nhớ lại: “Sau sự kiện Gạc Ma, gia đình tôi được đơn vị thông báo là tàu của thằng Thoa bị Trung Quốc bắn chìm. Nghĩ rằng con mình đã bị biển “nuốt chửng”, vợ chồng tôi đã lập bàn thờ hương khói cho nó".
Bà Mười bảo bà cũng chưa nhận được bức thư 24 chữ của anh Thoa gửi về từ nơi bị giam ở Trung Quốc, do thư bị lạc địa chỉ. Một hôm, mới 4 giờ sáng nghe có người gọi cửa. Bà dậy mở thì thấy con. Cả gia đình đều khóc òa vì quá mừng.
Năm 1992 Lê Minh Thoa về công tác tại Lữ đoàn 125 (TP HCM) với nhiệm vụ chuyên sửa chữa những chiếc tàu phục vụ cho Trường Sa bị hư hỏng. Tháng 11/1996, Thoa nhận quyết định ra quân với quân hàm trung úy, thương tật 11/% và nhận trợ cấp một lần.
Thoa về ở với bố mẹ tại phường Lê Lợi, Quy Nhơn, Bình Định. Vết thương cũ tái phát, Thoa đi khám thì phát hiện còn nhiều mảnh đạn nằm ở thái dương và vai trái. Năm 2013, Thoa làm hồ sơ xin giám định lại thương tật. Đến năm ngoái, Thoa chính thức được nhận chế độ thương binh loại 4/4, thương tật 29% với mức hỗ trợ hơn 1,3 triệu đồng/tháng.
Chuyện vợ chồng của Thoa cũng đầy sóng gió. Thoa cưới vợ vào năm 1995, có được 2 đứa con. Suốt chặng đời thanh xuân bám biển, khi lên bờ anh bỗng trở nên lớ ngớ giữa cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt. Về quê không biết làm gì để sống, Thoa dắt vợ con vào miền Nam chạy xe ôm kiếm sống qua ngày.
Cuộc sống cơ cực, sau khi sinh đứa con thứ 3, mái ấm gia đình anh tan vỡ. Buồn, năm 2005 anh dắt 2 đứa con lớn về Quy Nhơn sinh sống cùng bố mẹ với nghề bơm, vá xe đạp, xe máy. Thế nhưng khi chợ Quy Nhơn cháy rụi, không còn ai họp chợ, nghề bơm vá xe của anh cũng “tắt” theo.
Thoa theo học lớp nấu ăn, rồi xin vào làm phụ bếp cho một nhà hàng ở TP Quy Nhơn (Bình Định) suốt 3 năm. Sau khi nhà hàng này chuyển chủ, anh quay về nhà mở quán phở lấy tên Trường Sa bán cho đến nay.
Hiện nay, mỗi sáng anh Thoa tận tụy với quán phở |
“Năm 2008, tôi lập gia đình lần nữa, đến nay đã có hai con. Quán phở của tôi mỗi ngày bán được 12kg bánh cả tươi cả khô, kiếm được vài ba trăm ngàn. Cộng với mức hỗ trợ thương binh hơn 1,3 triệu đồng/tháng và thu nhập từ nghề đan mẫu của vợ, sống chắt chiu vợ chồng tôi cũng đủ nuôi con cái ăn học”, Thoa phấn khởi cho biết.
Vật lộn với thương tật
Cựu binh Nguyễn Văn Thống, (SN 1964), ở tỉnh Quảng Bình là người bị thương nặng nhất trong trận hải chiến Gạc Ma. Khi vào trại giam trên bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc, Thống phải nằm viện suốt 3 tháng ròng rã. “Tôi bị thương một tay một chân, hỏng một mắt, vỡ xương gò má, toàn thân bị găm đầy mảnh đạn. Khi ấy tôi phải nằm viện suốt 3 tháng", Thống nói.
"Hiện trong người vẫn còn nhiều mảnh đạn. Tôi hay nói đùa với bạn bè bây giờ muốn đi máy bay tôi cũng khó lòng đi qua cửa an ninh vì kim khí đầy người”, Thống đùa, nhưng không giấu nổi chua xót trong ánh mắt.
Năm 1991, Thống về quê với thương tật đầy người, là thương binh hạng ¼, nhờ chính quyền địa phương ưu ái bố trí việc làm tại ban quản lý chợ nên anh cũng có kế sinh nhai. Một năm sau, Thống được cô gái hàng xóm đem lòng yêu, thế là nên vợ nên chồng.
Nhà ở gần chợ nên vợ Thống theo nghề mua bán, chồng làm việc ngay trong chợ, nên khi rảnh việc Thống cũng giúp được vợ bán hàng. Hiện vợ chồng Thống đã có hai mặt con, đứa lớn 25 tuổi, đứa nhỏ 22.
“Thu nhập từ công việc làm ở ban quản lý chợ, cộng với chế độ thương binh hạng ¼, cả mức hỗ trợ người phục vụ mỗi tháng là 5,3 triệu đồng, cộng thêm thu nhập từ mua bán của vợ, gia đình tôi có cuộc sống ổn định, lo được cho hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn”, Thống tâm sự.
Không được như Thống, cuộc sống của cựu binh Gạc Ma Trương Văn Hiền (SN 1967) hiện ở thôn 3, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, truân chuyên hơn. Hiền vốn quê Hà Tĩnh, khi vào quân đội còn là “trai tân”. Trong sự kiện Gạc Ma, Hiền bị thương một tay và mờ một mắt. Cuối năm 1991, sau khi được Trung Quốc trao trả tù binh, Hiền về quê sống với gia đình.
Chàng trai trẻ với thương tật đầy người nên không kiếm được việc làm, cũng không lọt được vào mắt xanh của cô gái nào. Buồn, năm 1992 Hiền tha hương lên Đăk Lăk kiếm kế sinh nhai. Ở đây, Hiền gặp cô gái quê Hòa Bình theo gia đình lên Tây Nguyên làm ăn, họ đem lòng yêu nhau. Năm 1995, cặp đôi tai trẻ nên vợ nên chồng. Vợ chồng Hiền đã có với nhau hai con. Con trai lớn được 22 tuổi, đứa nhỏ học lớp 7.
Vợ Hiền mắc bệnh thoát vị đĩa đệm nên không lao động được, nhà cũng chẳng có nương có rẫy, nên dù thương tật đầy người nhưng Hiền vẫn phải đi làm thợ hồ để kiếm sống. Trời Tây Nguyên mưa nắng thất thường, có năm mưa nhiều hơn nắng, nên nghề thợ hồ ế ẩm, kiếm được chẳng bao nhiêu.
“Tháng nào nắng nhiều thì tôi kiếm được 20 ngày công, tháng mưa nhiều chỉ làm được 10 ngày. Những ngày ở nhà, ai kêu công làm cỏ hay bón phân cho cà phê, tôi nhận làm tất mới đủ sống. Thấy cha làm lụng vất vả mà không đủ nuôi gia đình, con trai lớn của tôi đành dở dang việc học, theo tôi làm thợ hồ để phụ giúp gia đình”, Hiền than thở.
Mong mỏi nhất của Hiền hiện nay là được giám định lại thương tật để được nhận chế độ thương binh như đồng đội Thoa ở Bình Định. Mấy năm nay, Hiền không ngừng gõ cửa các cơ quan chức năng, nhưng đều bị từ chối.
“Trước đây, tôi đã được quân đội giám định một lần với mức thương tật 12%, nay tôi xin giám định lại như anh Thoa ở Bình Định nhưng các cơ quan chức năng không đồng ý”, Hiền nói.