| Hotline: 0983.970.780

Ký ức xúc động của người dân Mường Lát về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ Bảy 20/07/2024 , 10:01 (GMT+7)

'Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ưu tiên tôi ngồi giữa để tiện trò chuyện, hỏi han đời sống đồng bào Mường Lát', ông Thông nhớ lại!

Lãnh đạo Mường Lát còn nợ Tổng Bí thư một “lời hứa"

Ngày ấy cách đây 13 năm về trước là lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Hôm 19/7, “một nhân cách, một trái tim lớn vừa ngừng đập” trước sự tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam.

13 năm về trước, ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát vinh dự được tháp tùng đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc. Đó cũng là lần đầu tiên cán bộ và nhân dân huyện nghèo nhất xứ Thanh được gặp gỡ, trò chuyện với lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Ông Thông nhớ như in kỷ niệm gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 13 năm về trước: "Trước khi lên xe xuất phát từ trung tâm huyện đi xã Mường Chanh, Tổng Bí thư gọi tôi lại và nói: “Cậu Thông lại đây ngồi xe với bác”.

Khi ấy tôi cũng hơi ngại vì xe đó dành cho cán bộ cấp cao, trên xe có cả Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh nên có lẽ không tiện. Bác Trọng nhất quyết gọi tôi lại và ưu tiên cho tôi ngồi giữa, bên cạnh là Bí thư Tỉnh ủy. 

Tổng Bí thư vừa nói vừa cười để anh em trên xe giảm bớt căng thẳng: “Cậu Thông hôm nay sướng nhất, được cả Tổng Bí thư và Bí thư Tỉnh ủy “tháp tùng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm tay ông Lương Văn Quang, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Trung Lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm tay ông Lương Văn Quang, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Trung Lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trên xe, Tổng Bí thư hỏi chuyện tôi về đời sống bà con nhân dân huyện Mường Lát. Nghe xong, bác đặt cho tôi câu hỏi: Theo cậu, tại huyện Mường Lát, xã nào có điều kiện tốt nhất, cán bộ tâm huyết nhất. Tôi trả lời: “Dạ, thưa bác, là xã Mường Chanh ạ!”. Chỉ vài phút sau, Tổng Bí thư nhắn nhủ lãnh đạo huyện và tỉnh: “Vậy thì chọn xã Mường Chanh làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Mường Lát nhé!".

Mường Chanh có cửa khẩu và giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào), nên càng phải thực hiện được mục tiêu này, bởi đây là bộ mặt của huyện. Là huyện miền núi khó khăn, các cậu (cán bộ huyện-PV) phải cố gắng hơn anh em dưới xuôi. Hơn hết, cán bộ phải gương mẫu đi đầu, vừa cổ vũ, động viên, vừa xắn tay giúp dân vươn lên thoát nghèo. Sau 5 năm kể từ thời điểm này tỉnh và huyện phải phấn đấu đưa xã Mường Chanh cán đích nông thôn mới”, ông Thông kể lại.

Sau khi giao nhiệm vụ cho cán bộ Huyện ủy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quay sang dặn dò với Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh: “Huyện Mường Lát là huyện nghèo vùng biên giới, vừa nơi sinh sống của nhiều dân tộc, nên khó khăn thiếu thốn đủ bề, cho nên tỉnh Thanh Hóa phải quan tâm hết mức đến đời sống của bà con nhân dân trong huyện”, ông Thông nhớ lại.

Trên đường vào bản, Tổng Bí thư phát hiện xe của cán bộ huyện di chuyển phía sau, cách khá xa so với xe dẫn đoàn, do phương tiện đã quá cũ, động cơ yếu. Ngay trên xe Tổng Bí thư nhắn nhủ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: “Các đồng chí nên có cơ chế riêng, tạo điều kiện cho cán bộ vùng đặc biệt khó khăn có phương tiện an toàn để cơ động di chuyển, thực hiện nhiệm vụ. Đường trên này khó đi mà di chuyển bằng phương tiện không an toàn thì anh em vất vả lắm!”, ông Thông xúc động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng ảnh kỷ niệm cho lãnh đạo xã Trung Lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng ảnh kỷ niệm cho lãnh đạo xã Trung Lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vậy nhưng hơn 10 năm qua, mặc dù được Trung ương và tỉnh Thanh Hóa quan tâm hỗ trợ đầu tư, tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc đưa Mường Chanh cán đích nông thôn mới vẫn chưa được thực hiện.

“Dự định năm 2019, xã Mường Chanh sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, thế nhưng năm 2018 và 2019, huyện Mường Lát thiệt hại nặng nề do thiên tai, khiến mọi thứ trở về vạch xuất phát”, ông Thông tỏ vẻ áy náy vì chưa thực hiện được ý nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người luôn nặng lòng với Mường Lát

Bức ảnh ông Lương Văn Quang, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Trung Lý (Mường Lát) chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 13 năm về trước trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất đời ông.

Chiều 19/7, ông cẩn thận đưa từng tấm ảnh ra lau chùi như nhắc nhớ bản thân về một người luôn nặng lòng với Mường Lát.

Ông Quang nhớ lại, ngày 1/9/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác dừng chân ở bản Khằm 1 để thăm hỏi, nắm bắt đời sống của người Mông tại bản.

“Bác nắm chặt tay tôi từ khi xuống xe đến khi vào bản Khằm 1 và hỏi han nhiều thứ về cuộc sống người Mông. Khi ấy tôi báo cáo thẳng thắn với Tổng Bí thư rằng: Bản Khằm 1 có 62 hộ đồng bào Mông sinh sống, chủ yếu là hộ nghèo.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy và chính quyền xã Trung Lý đã vận động bà con từ trên núi cao xuống định cư tại bản Khằm 1. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên người dân nơi đây vẫn nghèo, trong đó, có nguyên nhân bản ít đất canh tác nông nghiệp, phương thức sản xuất còn lạc hậu nên năng suất không cao”, ông Quang nhớ lại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong chuyến thăm huyện Mường Lát năm 2011. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong chuyến thăm huyện Mường Lát năm 2011. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Quang nhớ lại, tại căn nhà của một hộ dân trong bản, dưới ánh sáng điện lập lòe chưa tỏ mặt người, sau ghi nhận ý kiến của người dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo hệ thống chính quyền, các bộ, ngành xem xét, có biện pháp khắc phục để giúp nhân dân vượt qua những khó khăn, vất vả hiện tại và để sớm thoát khỏi tình trạng đói, nghèo.

“Đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con cứ yên tâm. Chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nếu bà con thấy chưa đầy đủ, thì Trung ương và tỉnh sẽ nghiên cứu, từng bước sẽ được hoàn thiện. Tôi mong bà con chia sẻ cùng với Đảng, Nhà nước trong bối cảnh Trung ương cùng một lúc giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có đầu tư nhiều công trình trọng điểm để phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước. Tôi mong cán bộ và nhân dân nỗ lực, phấn đấu hết mình để người Mông nói riêng, huyện Mường Lát nói chung vươn lên thoát nghèo”, ông Thông thuật lại lời Tổng Bí thư căn dặn.

Tấm ảnh ông Quang được chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 13 năm là lần đầu, cũng là lần cuối ông được gặp gỡ một nhân cách lớn, một người chiến sỹ Cộng sản trọn đời vì Đảng, vì dân, vì nước.

Nay, trái tim ấy đã ngừng đập, nhưng kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn mãi thổn thức trong lòng nhân dân!

Sau chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chủ trương và tiến hành nhiều công việc lớn để ưu tiên sự quan tâm, đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội miền tây mà trọng tâm là huyện Mường Lát. Một Ban chỉ đạo được thành lập và cử các cán bộ chuyên môn về các lĩnh vực, trong đó lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp là nòng cốt để thường xuyên bám bản, bám dân cùng hướng dẫn và cùng nhân dân phát triển kinh tế từ trồng trọt đến chăn nuôi. Sau này, Ban chỉ đạo được thay đổi và mới đây nhất, Tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp tục có những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả hơn nhằm giúp Mường Lát sớm thoát nghèo, không còn tình trạng huyện trắng NTM nữa. Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Lại Thế Nguyên được Tỉnh ủy giao trực tiếp chỉ đạo các hoạt động này tại Mường Lát.

Xem thêm
Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Không khí lạnh đang tràn xuống miền Bắc

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.