| Hotline: 0983.970.780

Lá chắn kiểm soát các sản phẩm động vật nhập khẩu

Thứ Ba 19/12/2023 , 10:59 (GMT+7)

Dù lượng công chức mỏng nhưng việc thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập khẩu của Chi cục Thú y vùng II tại Hải Phòng vẫn hiệu quả.

Kiểm dịch viên động vật Chi cục Thú y Vùng II thực hiện nhiệm vụ tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Kiểm dịch viên động vật Chi cục Thú y Vùng II thực hiện nhiệm vụ tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Như thường lệ, sau bữa sáng qua loa, các kiểm dịch viên động vật Chi cục Thú y Vùng II lại vội vàng lên cơ quan chuẩn bị hồ sơ, liên hệ với đại diện các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa và tỏa ra cảng trong hệ thống cảng Hải Phòng để bắt đầu công việc ngày mới.

Dịp cuối năm, các sản phẩm động vật xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng nhiều hơn thường lệ, trong khi số lượng công chức của đơn vị lại hạn chế. Do vậy, nếu không đi sớm và tăng ca (làm thêm giờ) thì không hết việc, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn với thứ Bảy, trong khi cán bộ công chức ở nhiều cơ quan Nhà nước đều được nghỉ ngơi thì lực lượng kiểm dịch viên động vật của Chi cục Thú y Vùng II vẫn bám ở cảng để thực hiện công vụ đến hết buổi sáng.

“Thông thường 17h30 là hết giờ hành chính nhưng với kiểm dịch viên động vật chúng tôi, 18h hay thậm chí muộn hơn vẫn thực hiện công vụ tại các cảng, sau đó về cơ quan gửi mẫu, hoàn thiện hồ sơ và rời cơ quan lúc 19 hay 20h hằng ngày là chuyện bình thường”, ông Bùi Đức Anh - Trạm trưởng trạm kiểm dịch động vật Lạch Huyện (Chi cục Thú y vùng II) - chia sẻ.

Ông Bùi Đức Anh, người làm việc ở lĩnh vực kiểm dịch tại cảng đã nhiều năm, cho biết, công việc tuy vất vả nhưng lực lượng công chức thực hiện nhiệm vụ của Chi cục Thú y vùng II chưa bao giờ dám lơ là.

Hiện tại, vấn đề khó khăn nhất mà đơn vị này đang gặp phải là lực lượng mỏng, thiếu công chức thực thi công vụ. Cơ quan hiện có 14 công chức được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu và các nhiệm vụ khác trong vùng quản lý nhưng khối lượng công việc rất lớn, địa bàn rộng (hàng chục cảng ở Hải Phòng). Điều này dẫn đến tình trạng quá tải.

Lực lượng mỏng nhưng việc kiểm dịch các sản phẩm động vật nhập khẩu qua các cảng Hải Phòng luôn được thực hiện trách nhiệm, hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

Lực lượng mỏng nhưng việc kiểm dịch các sản phẩm động vật nhập khẩu qua các cảng Hải Phòng luôn được thực hiện trách nhiệm, hiệu quả. Ảnh: Đinh Mười.

Thứ hai là hệ thống một cửa Quốc gia đôi khi vẫn bị lỗi khi đầu Bộ NN-PTNT, đầu doanh nghiệp và đầu hải quan không kết nối được với nhau, gây ảnh hưởng rất lớn đến thời gian giải quyết thủ tục hành chính của Chi cục và thời gian thông quan hàng hóa của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hiện nay các thủ tục hành chính với hàng hóa xuất, nhập khẩu đều được cung cấp trên một cửa quốc gia.  

Anh Đỗ Hùng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Sáng Ngọc, chia sẻ: Đơn vị thường nhập khẩu các sản phẩm động vật từ Mỹ và Nga về Việt Nam qua cảng Hải Phòng với khối lượng lớn. Những năm qua, các thủ tục kiểm dịch được Chi cục Thú y vùng II thực hiện nghiêm và chặt chẽ mà vẫn đảm bảo tiện lợi, nhanh gọn thông qua hệ thống một cửa quốc gia.

Trước khi hàng về cảng, doanh nghiệp đăng kí kiểm dịch trên hệ thống một cửa quốc gia, sau khi được phê duyệt hồ sơ, sẽ liên hệ với kiểm dịch viên động vật Chi cục Thú y vùng II để thực hiện các thủ tục kiểm dịch tại các cảng của Hải Phòng.

Kết quả kiểm dịch sau đó sẽ được trả trên hệ thống một cửa quốc gia liên thông sang cơ quan Hải quan, căn cứ kết quả này hàng hóa sẽ được thông quan, sau đó doanh nghiệp sẽ vào lấy hàng.

“Chúng tôi nhập khẩu thịt đông lạnh, chủ yếu là đùi gà, đùi và chân lợn. Đùi gà nhập từ Mỹ và Canada, chân lợn thì nhập từ Nga. Trung bình mỗi tháng sẽ nhập về từ 10-20 container. Quá trình thực hiện thủ tục kiểm dịch hiện nay rất tiện lợi, chúng tôi có thể làm ở nhà, nếu hồ sơ không vướng mắc thì thời gian tiếp nhận và phê duyệt chỉ diễn ra trong ngày”, anh Thắng cho hay.

Phân tích lấy mẫu các sản phẩm động vật nhập khẩu tại Chi cục Thú y vùng II . Ảnh: Đinh Mười.

Phân tích lấy mẫu các sản phẩm động vật nhập khẩu tại Chi cục Thú y vùng II . Ảnh: Đinh Mười.

Theo Chi cục Thú y vùng II, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này đã thực hiện kiểm dịch sản phẩm động vật (SPĐV) xuất khẩu hơn 32 nghìn tấn, kiểm dịch SPĐV nhập khẩu hơn 800 nghìn tấn. Với động vật sống các loại, đã kiểm dịch nhập khẩu hơn 36 triệu con, trong đó, lợn giống là 563 con, chim cảnh 19.600 con, bò sống 38.308 con và cá giống là 36,5 triệu con.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đã tổ chức kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản tạm nhập tái xuất, nhập kho ngoại quan gần 300 nghìn tấn và kiểm soát giết mổ phục vụ xuất khẩu hơn 1,2 triệu con động vật.

Quá trình thực thi nhiệm vụ 11 tháng năm 2023, Chi cục Thú y vùng II đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính với tổng số 85 lô hàng SPĐV nhập khẩu và xử phạt tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó có 7 lô hàng nhập khẩu kinh doanh thực phẩm vi phạm hành chính, buộc phải làm thủ tục tái xuất hoặc tiêu hủy. Những hành vi vi phạm chủ yếu là về tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa không đạt yêu cầu theo quy định.

Chi cục Thú y vùng II có nhiệm vụ trọng tâm là quản lý Nhà nước về thú y, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, SPĐV (bao gồm cả thủy sản) trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang.

Ngoài ra, đơn vị này cũng được giao thực hiện kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm động vật, sản phẩm động vật xuất nhập khẩu, kiểm dịch thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu qua cảng Hải Phòng.

Trong công tác kiểm dịch qua cảng Hải Phòng, cảng container Quốc tế Hải Phòng, Chi cục Thú y vùng II thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn các sản phẩm động vật kém chất lượng và dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam.

“Cơ bản công tác kiểm dịch nhập khẩu đang được thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Thú y, các Thông tư hướng dẫn Luật, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa,... Đây chính là hàng rào kỹ thuật hữu hiệu để ngăn chặn sản phẩm không đảm bảo yêu cầu về chất lượng hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam. Các hành vi vi phạm hành chính đều bị phát hiện và xử phạt kịp thời theo quy định của pháp luật, nhiều lô hàng vi phạm, ngoài việc bị xử phạt tiền thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu huỷ hoặc tái xuất toàn bộ lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, ông Đào Phạm Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng II cho hay.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.