| Hotline: 0983.970.780

Lai Châu an sinh xã hội bằng các sản phẩm nông nghiệp

Thứ Sáu 19/11/2021 , 13:46 (GMT+7)

Xác định nông nghiệp là mũi nhọn phát triển kinh tế, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều nghị quyết và chính sách hỗ trợ các sản phẩm trên địa bàn.

Chủ tịch UBND Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ NN-PTNT hồi tháng 11/2021. Ảnh: Đức Minh.

Chủ tịch UBND Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ NN-PTNT hồi tháng 11/2021. Ảnh: Đức Minh.

Sâm Lai Châu là loài cây đặc hữu của tỉnh Lai Châu, có phân bố hẹp tại một số huyện như Mường Tè, Sìn Hồ và Tam Đường. Theo nghiên cứu, sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao từ 1.400-2.000m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông.

Thông báo số 124/TB-UBND Lai Châu ngày 21/10/2021 nêu rõ, sâm Lai Châu có hàm lượng các hoạt chất như Saponin rất tốt với sức khỏe, chỉ số chất MR2 chống ung thư khá cao, hàm lượng Saponin toàn phần trong sâm Lai Châu tăng dần theo số năm tuổi. Đây là cơ sở khoa học để khẳng định sâm Lai Châu có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa. 

Một số vùng tại Lai Châu đã trồng được sâm Lai Châu. Sản phẩm này cũng được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng chính thức, đồng thời được Chính phủ xếp vào nhóm thực vật rừng quý hiếm (nhóm IIA) tại Nghị định 06/2019/ND-CP ngay 22/01/2019.

Sâm Lai Châu có nhiều tiềm năng, triển vọng nhưng hiện gặp một số thách thức, khó khăn trong quá trình phát triển. Trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT hồi tháng 11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Tiến Dũng đề cập tới vấn đề này. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu đánh giá, sâm Lai Châu có hàm lượng dinh dưỡng gần như sâm Ngọc Linh nhưng dễ sản xuất, và đóng gói thành hàng hóa hơn vì được xếp vào nhóm IIA.

Ông Dũng đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, giúp đỡ tỉnh phát triển các cây bản địa, đặc biệt là sâm Lai Châu. Bên cạnh đó, ông bày tỏ mong muốn được Bộ hỗ trợ công nghệ, xây dựng vườn giống bảo tồn sâm, giúp giảm việc phụ thuộc vào việc trồng dưới tán rừng bằng cách gieo hạt. “Hy vọng trong khoảng 10-15 năm nữa, tỉnh Lai Châu sẽ phát triển được loài cây đặc hữu này", ông Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Chủ tịch UBND Lai Châu, Trần Tiến Dũng thăm mô hình vườn ươm mắc ca tại huyện Phong Thổ. Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Chủ tịch UBND Lai Châu, Trần Tiến Dũng thăm mô hình vườn ươm mắc ca tại huyện Phong Thổ. Ảnh: Đức Minh.

Bên cạnh sâm, UBND tỉnh Lai Châu còn xác định đẩy mạnh gieo trồng cây mắc ca. Ông Trần Tiến Dũng nhận xét, cây mắc ca "vô cùng phù hợp với Lai châu”. Trong chiến lược phát triển hàng hóa giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định phát triển hàng hóa tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm, và mắc ca là một trong số ấy nhờ những đặc tính như dễ vận chuyển, thích hợp trồng ở độ cao, và đã cho kết quả bước đầu tích cực ở các huyện như Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè.

Trước mắt, trong ngắn hạn, tỉnh Lai Châu phát triển một số loại nông sản như chanh leo, dứa... đồng thời nghiên cứu, khảo nghiệm gieo trồng các loại rau, hoa trái vụ. Chủ tịch Trần Tiến Dũng cho rằng, các loại rau, hoa trái vụ không cần nhiều diện tích lớn, và khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh phù hợp để phát triển.

Về trung và dài hạn, Lai Châu xác định mắc ca và sâm là định hướng chính. Tỉnh đang đề nghị Bộ NN-PTNT khảo sát để xây dựng các vùng chuyên canh, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với chuỗi liên kết, bao tiêu đầu ra.

"Với đặc thù về vị trí, điều kiện tự nhiên, Lai Châu xác định nông nghiệp là mũi nhọn kinh tế thời gian tới. Đây là không những là biện pháp giúp an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng", ông Dũng chia sẻ.

Nhằm cụ thể hóa những chủ trương ấy, Lai Châu xác định đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong chọn lọc giống và hệ thống các biện pháp kỹ thuật canh tác, lâm sinh, giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng.

Riêng sâm Lai Châu, UBND tỉnh giao Sở Ngoại vụ phối hợp Sở Khoa học & Công nghệ kết nối Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tham mưu xây dựng kế hoạch học tập kinh nghiệm, hợp tác đầu tư trong việc trồng và phát triển loài cây đặc hữu này. Tỉnh mong muốn kết nối các chuyên gia, nhà khoa học để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật các sản phẩm sâm.

Bên cạnh đó, Lai Châu sẽ khoanh vùng, quy hoach trồng sâm trong Quý I/2022, xây dựng và nhân rộng giống sâm Lai Châu, các chỉ dẫn địa lý để quảng bá, nâng cao giá trị. Tỉnh định hướng trồng sâm Lai Châu gắn với phát triển du lịch; đồng thời liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp".

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi vào năm 2025

Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành gần 170 km các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh vào năm 2025, nhằm cơ bản nối thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau.