Sự bức xúc của dư luận xã hội chưa kịp lắng xuống khi những công trình ngàn tỷ như đường cao tốc dài nhất nước là Hà Nội- Lào Cai, cầu trên quốc lộ 5 kéo dài, quốc lộ 18..., xuất hiện những đoạn hư hỏng, lún, nứt ngay khi vừa thông xe, thì mới đây, những hình ảnh “nát như tương” của quốc lộ 1A đoạn qua đất Bình Định, rồi cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi (dài 135 km, chi phí xây dựng 34.000 tỷ) đã chi chít ổ trâu, ổ voi ngay sau ngày thông xe.
Công nhân tập trung tại khu vực xuất hiện nhiều ổ gà giữa đường ngày 10/10. (Ảnh: Cao Thái/Vietnamnet) |
Và những hình ảnh rất phản cảm về những người công nhân dép tổ ong, ngồi xổm vá đường trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi bằng những dụng cụ hết sức thô sơ, lại khiến cơn bức xúc của dư luận tiếp tục bùng lên. Bên cạnh đó, câu trả lời của ông Nguyễn Tiến Thành, giám đốc BQL dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi rằng sở dĩ đường xuất hiện những ổ voi, ổ trâu là do... đọng nước mưa, khiến dư luận đã bức xúc càng bức xúc thêm.
Đường cao tốc là tài sản quốc gia, là hạ tầng cơ bản để phục vụ cho công cuộc phát triển của nền kinh tế- xã hội của đất nước. Để hình thành nên một con đường, phải qua không biết bao nhiêu là công đoạn, từ khảo sát, thiết kế đến đấu thầu, thi công... Tất cả đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể của quốc gia. Mọi giai đoạn thi công, từ công nghệ đến đổ đất, lèn đường, rải cấp phối, rải nhựa, tráng nhựa đều được giám sát chặt chẽ. Vật liệu để làm đường cũng đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia cụ thể.
Đường cao tốc là đường chịu được xe tải nặng, phương tiện được lưu thông trên đó với tốc độ cao. Thế mà chỉ bị... đọng nước mưa, đường đã tróc nhựa, tạo thành hàng loạt ổ trâu ổ voi, thì đủ thấy việc thi công ẩu đến mức nào. Trước câu trả lời đó của ông giám đốc BQL dự án, có người đã mỉa mai rằng nếu thế, thì cách tốt nhất để khiến con đường không bị ổ trâu ổ voi là... Làm mái che cho cả 135 km đường cao tốc đó, chứ cứ hỏng đâu vá đó, thì khác nào vá một tấm áo rách. Một cái áo, dù đẹp, dù đắt đến đâu, nhưng bị vá, thì vẫn là một cái áo rách
Công trình nào làm xong cũng phải được nghiệm thu. Có được nghiệm thu mới được đưa vào sử dụng, khai thác. Cơ quan được giao quyền nghiệm thu là một cơ quan có trình độ chuyên môn rất cao. Chuyện thi công ẩu, thi công dối, chuyện vật liệu không đạt chuẩn, vật liệu bị bớt xén, bị tráo đổi... Làm sao qua mắt được cơ quan này? Thế nhưng vì sao một công trình thi công ẩu như thế, vẫn lọt qua “mắt xanh” của cơ quan nghiệm thu, để đến nỗi vừa đưa vào sử dụng đã trở thành một tấm áo rách? Có chuyện tiêu cực ở khâu nghiệm thu này hay không?
34.000 tỷ đồng là hơn 1 tỷ USD. Trong khi GDP của cả nước mỗi năm mới chỉ đạt hơn 200 tỷ USD, thì đó là một số tiền rất lớn. Thêm một câu hỏi nữa: Vì sao đường vừa làm đã hỏng? Trách nhiệm thuộc về ai? Vẫn đang chờ được trả lời.