Hình thức tổ chức SX này ngày càng thể hiện tính ưu việt, góp phần nâng cao thu nhập đáng kể cho nông dân.
Chuyện bắt đầu từ một nghị quyết đúng đắn và kịp thời do Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành vào tháng 7/2012 về một số chính sách khuyến khích phát triển KT-XH (gọi tắt là Nghị quyết 47); đồng thời phải kể đến sự nhập cuộc đầy trách nhiệm, sáng tạo của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank).
Có vốn dễ làm
Trong Nghị quyết 47 có một nội dung rất quan trọng, đó là: “Các hộ, hợp tác xã, DN vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong thời gian 12 tháng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa”.
Đây là điểm đột phá trong chính sách tín dụng của tỉnh Hà Giang nhằm khuyến khích nông dân vay vốn, mở rộng quy mô SX. Nhưng, khi triển khai thực hiện lại vấp phải bất cập lớn. Bởi, hầu hết mô hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều ở quy mô nhỏ, theo từng hộ cá thể. Việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi là điều không tưởng. Chẳng lẽ một chính sách có ý nghĩa thiết thực với người chăn nuôi như vậy lại phải chấp nhận “đắp chiếu”?
Ngân hàng Agribank chi nhánh Hà Giang đã mở một “cầu nối” thuận lợi để Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh đến được với người dân, bằng việc đưa ra hình thức cho vay vốn ưu đãi đối với “tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng hàng hóa”.
Từ đây, phong trào vận động nhân dân thành lập các tổ, nhóm SX cùng chung sở thích đã được các cấp chính quyền quan tâm phát động. Và, Tổ hợp tác nuôi lợn hàng hóa Ngọc Đường (thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường, TP Hà Giang) là “đứa con đầu lòng”.
Bà tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi lợn Ngọc Đường, Đỗ Thị Thuận hồ hởi khoe: “Đầu năm 2015, được Hội Nông dân xã vận động, 12 hộ nuôi lợn ở thôn Sơn Hà đã bắt tay với nhau thành lập Tổ hợp tác nuôi lợn theo hướng hàng hóa, quy mô từ 100 con/hộ trở lên. Xác định làm ăn lớn, mỗi thành viên trong tổ đều cầm "sổ đỏ" thế chấp ngân hàng để vay vốn (trung bình mỗi hộ 100 triệu đồng), cải tạo chuồng trại, tăng số lượng lợn nái sinh sản để chủ động nguồn giống, từng bước nhân đàn.
Đến nay, trung bình mỗi hộ thành viên trong tổ hợp tác có 6 - 7 lợn nái. Lợn mẹ sinh sản được bao nhiêu, chủ hộ giữ lại toàn bộ để nuôi lấy thịt thương phẩm, tiêu thụ ngay tại chợ Hà Giang".
Ông Trần Văn Triển, một thành viên trong tổ nuôi lợn thôn Sơn Hà nhẩm tính: “Với 7 lợn nái sinh sản của gia đình, mỗi năm tôi sẽ có ít nhất 140 đầu lợn thịt. Nếu tính giá thịt lợn hơi ở thời điểm hiện tại là 48.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí đầu vào, mỗi đầu lợn lãi ít nhất 1 triệu đồng. Như thế là sướng lắm rồi!”.
Theo ông Triển, điều đặc biệt nhất là, khi tham gia tổ hợp tác nuôi lợn hàng hóa, mỗi thành viên đều được Phòng Kinh tế TP Hà Giang hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn của Agribank trong thời gian 1 năm. Như vậy, gánh nặng đầu tư của người dân sẽ được giảm đi rất lớn.
Tổ hợp tác nuôi bò hàng hóa
Cách đó không xa, Tổ hợp tác chăn nuôi bò phường Quang Trung (TP Hà Giang) cũng đang hoạt động rất sôi nổi. Tổ trưởng Sầm Chí Thanh dẫn chúng tôi ra khu chuồng nuôi, chỉ tay vào 4 chú bò cái lai Sind đang chuẩn bị đến kỳ động dục (cạnh đó là 4 con bò vàng giống bản địa) bảo: “Chúng là những cái máy in tiền của gia đình tôi đấy”. Khi tiếng cười ngắt, ông lại kể: “Tháng 6 năm ngoái, mình được đi tập huấn chăn nuôi dưới xuôi, thấy ở đấy đất đai ít, cỏ cũng hiếm mà dân vẫn nuôi rất nhiều bò. Mình nghĩ bụng, người dân Hà Giang cũng phải nuôi nhiều như họ”.
Ông Sầm Chí Thanh, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò hàng hóa rất phấn khởi vì được vay vốn ưu đãi phát triển SX
Từ đó, ông ra sức vận động bà con tham gia Tổ hợp tác nuôi bò hàng hóa, đến nay đã có 7 hộ tham gia. Mỗi hộ dân đăng ký vay vốn ngân hàng Agribank 80 triệu đồng, cộng thêm một phần vốn tự có mua 4 con bò cái.
“Giá 1 con bê 6 tháng tuổi khoảng 25 triệu đồng, như vậy khi đàn bò đến kỳ sinh đẻ, mỗi năm chúng tôi có thể đút túi mấy chục triệu đồng ngon ơ. Nhìn thấy tiềm năng từ nghề nuôi bò, anh em đang dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi lên khoảng 10 con/hộ vào năm sau”, ông Thanh chia sẻ.
Không chỉ được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay trong vòng 3 năm, các thành viên trong Tổ hợp tác nuôi bò phường Quang Trung còn được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh bài bản. Mỗi con giống đều được bấm thẻ tai ghi rõ lý lịch xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng tốt.
Trên cao nguyên đá Đồng Văn, có một chàng trai người Mông tên Sùng Mí Mua cũng giàu lên từ nghề nuôi bò, với xuất phát điểm từ 40 triệu đồng vốn vay của ngân hàng Agribank (được hỗ trợ lãi suất vay vốn 50% theo Nghị quyết 30a). Từ hai con bê cái sinh sản, đến nay số lượng đàn bò cái của Sùng Mí Mua đã lên tới 8 con.
“Nhờ có nguồn vốn từ Agribank tỉnh Hà Giang, hàng nghìn hộ dân đã mở rộng đầu tư phát triển SX, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quan trọng hơn, nguồn vốn đó giúp nông dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn để tự chủ SXKD, xóa bỏ dần tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự trợ cấp của nhà nước”, ông Nguyễn Ngọc Hải, GĐ Agribank Hà Giang. |
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Mua kể: "40 triệu chỉ đủ mua hai bê cái. Vợ chồng mình phải tự lên núi vác đá về, rồi nhờ anh em góp công sức xây một cái chuồng kiên cố tránh rét cho bò. Đến mùa lên nương bẻ bắp, mình lại làm công trả họ. Mấy con bò được ở nhà đẹp, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát nên phát triển tốt, đẻ đều đặn mỗi năm một lứa. Mình giữ lại nuôi hết bò cái, chỉ bán con đực thôi. Tiền bán bò mình dùng để mua xe máy, xây nhà mới, mua gạo, thức ăn ngon".
10 triệu đồng và giấc mơ tỷ phú
Trong “giới giàu có” ở huyện nghèo Đồng Văn, không ai không biết cái tên Dào Văn Hò (46 tuổi, người dân tộc Hoa), Chủ nhiệm HTX rượu Thiên Hương ở tổ 5, thị trấn Đồng Văn. Anh là hình mẫu cho tuýp người làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Quê gốc của anh ở Đồng Văn, nhưng khi chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra, Hò và gia đình phải lưu lạc tít tận Tuyên Quang sơ tán. Khi chiến trường phía Bắc dứt tiếng súng, anh trở lại quê hương, nhưng lúc ấy chính quyền không tìm ra quỹ đất SX để cấp. Hò nghĩ, chỉ có theo đuổi con đường kinh doanh mới vực dậy được kinh tế gia đình. Nhưng chết nỗi trong tay anh không có một đồng vốn, đất đai không có sổ đỏ, chẳng ai tin tưởng cho mượn.
May mắn cho Hò vì có mối quan hệ thân tình với một số cán bộ của Agribank chi nhánh Đồng Văn. Họ tin tưởng vào năng lực của anh nên quyết định cho vay 10 triệu đồng không cần thế chấp. Từ đồng vốn ấy, Hò mua ngô nguyên liệu để nấu rượu (đặt tên là rượu Thiên Hương), cung ứng cho khắp huyện Đồng Văn. Hương rượu ngon, tiếng bay xa, đến nỗi dân nhậu ở mãi tận TP Hà Giang cũng biết. Từ đó, anh thành lập HTX rượu Thiên Hương, tìm tòi công nghệ đóng chai tiên tiến và xây dựng nên thương hiệu rượu ngô Thiên Hương nức tiếng khắp tỉnh.
Mỗi tháng, xưởng rượu của anh “ngốn” hàng chục tấn ngô nguyên liệu, lượng bỗng thừa rất lớn. Anh Hò quyết định xây chuồng, nhập 100 con lợn (trọng lượng mỗi con khoảng 15 - 20 kg) về nuôi vỗ béo bằng bỗng rượu ngô + cám ngô và một chút rau. Không ngờ, đàn lợn tăng trọng nhanh vù vù, béo quay béo tròn. Mỗi đầu lợn sau khi xuất bán lãi cả triệu đồng. Cứ thế, anh tăng đàn dần theo từng năm, và thu nhập cũng không ngừng nâng lên.
Có thời điểm, anh Hò vay vốn Agribank lên tới 500 triệu đồng, nhưng ông chủ HTX rượu Thiên Hương chưa bao giờ phàn nàn về mức lãi suất ngân hàng cho vay. Anh bảo: “Với tôi, Agribank không chỉ là một đối tác tin cậy, mà còn là một người bạn đồng hành với mình trong gian khó, ngay từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp với hai bàn tay trắng”.