Nét riêng vùng cao
Công cuộc xây dụng nông thôn mới đã giúp các vùng quê ở Lâm Bình (Tuyên Quang) đẹp hơn, hiện đại hơn. Trong sự tươi mới phát triển, Lâm Bình vẫn giữ nguyên đặc bản sắc riêng của nông thôn vùng cao.
Hội đua thuyển kayak huyện Lâm Bình năm 2019. |
Những làng văn hóa du lịch được xây dựng trên nền tảng văn hóa dân tộc bản địa là sự minh chứng rõ nét cho sự thay đổi của mảnh đất vùng cao trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Dọc 2 bên đường là những ngôi nhà sàn rộng đẹp, là biểu trưng của văn hóa người Tày. Xung quanh khuôn viên nhà, được người dân quét rọn sạch sẽ, có khuôn viên trồng hoa, ao cá; có khung cửi dệt thổ cẩm, bàn ghế làm bằng tre nứa…
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, từ năm 2016, huyện bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng (Homestay) tại 4 điểm với 15 hộ tham gia. Huyện hy vọng, việc xây dựng thành công những làng du lịch sẽ là hình mẫu lý tưởng trong xây dựng nông thôn mới ở nông thôn vùng cao.
Sản phẩm nông sản và ẩm thực huyện Lâm Bình tại lễ hội Lồng tồng hằng năm. |
Sau 3 năm triển khai, đến nay trên địa bàn huyện đã có 4 điểm với 24 cơ sở du lịch cộng đồng. Các cơ sở này có khả năng phục vụ đồng thời mỗi điểm khoảng 100 khách. Không phải chờ đến dịp đầu năm hay vào mỗi mùa lễ hội, đến các làng văn hóa du lịch ở Thượng Lâm, Khuôn Hà, khu khách sẽ được trực tiếp nghe nghệ sỹ bản địa biểu diễn then, đánh đàn tính; thổi khèn Mông, múa xèo hoa…
Sự phát triển của nông thôn mới đã giúp những cung đường chỉ tầm 10 km vào trung tâm xã trước đây xa lắc, bởi phải mất nửa ngày đi bộ nay được bê tông hóa chỉ 20 phút xe máy, ô tô đến tận sân Ủy ban xã. Cũng vì thế khách du lịch đến Lâm Bình ngày thêm nhiều.
Theo thống kê của UBND huyện Lâm Bình, hiện nay toàn huyện đã kiên cố hóa 191,6 km đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy việc đi vào tất cả các thôn đã dễ dàng. Nhất là những thôn có cảnh quan đẹp và văn hóa độc đáo như: Khau Mút, xã Thổ Bình, với những vườn chè shan cả vài chục năm tuổi; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang với văn hóa đặc sắc của người Pà thẻn, mà nổi bật nhất là lễ hội nhẩy lửa; thôn Khuẩy Củng, xã Xuân Lập với đặc trưng văn hóa người Mông, món mèn mén, tiếng khèn gọi bạn…
Điệp trùng non nước hữu tình
Trên nền lòng hồ mênh mông với diện tích hơn 8.000 ha, là núi non trùng điệp xanh thăm thẳm, tạo cho Lâm Bình cảnh quan thơ mộng, kỳ vỹ. Nơi đây là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất toàn quốc. Độ che phủ rừng đạt trên 80%, với hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú.
Điểm du lịch Cọc vài, một trong những biểu tượng du lịch tuyệt đẹp của huyện Lâm Bình. |
Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh tuyệt đẹp. Lợi thế về thiên nhiên giúp Lâm Bình có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Năm 2019, Lâm Bình đón trên 100.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 65.000 khách so với năm 2018.
Mỗi danh lam, thắng cảnh nơi đây đều có vẻ đẹp tự nhiên, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyền thoại, gắn với sinh hoạt, đời sống ngàn đời của đồng bào các dân tộc bản địa.
Đó là truyền thuyết về 99 con phượng hoàng về đậu trên 99 ngọn núi ở Thượng Lâm. Là sự tích về Đèo Ái Au, Đèo Kéo Nàng gắn với câu chuyện tình éo le của những chàng trai, cô gái, họ yêu nhau nhưng không nên vợ, nên chồng, để lại niềm day dứt khuôn nguôi. Là sự tích về một bà tiên hiền lành, tốt bụng đã dạy Người dân Lăng Can nghề trồng bông, dệt vải…
Trong tiến trình hội nhập và phát triển, Lâm Bình vẫn giữ được đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao. Từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống… là sự khác biệt độc đáo hấp dẫn du khách đến với vùng non cao hùng vĩ.
Phát huy lợi thế này, hằng năm, huyện đã tổ chức nhiều lễ hội đậm đà màu sắc riêng biệt. Đó là lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ cấp sắc của người Dao, lễ giã cốm, lễ mừng cơm mới... Mỗi lễ hội có một ý nghĩa, nét đẹp văn hóa độc đáo khác nhau, song đều thể hiện khát vọng của người dân cầu trời đất, các bậc thánh thần, tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, làm ăn ngày càng phát đạt, bản làng yên vui, hạnh phúc.
Lâm Bình đang ngày thêm đổi mới, phát triển. |
Đến mỗi miền đất lại nhớ một món ăn riêng biệt. Hương vị của mỗi món ăn, cách chế biến lại mang dáng dấp vùng miền, xứ sở riêng biệt. Ở Lâm Bình có hơn một món ăn làm du khách nhớ. Đó là món thịt chua, cá chua, cá mắm ruộng, xôi ngũ sắc, thịt lợn bí, cá khuy suối, cơm lam ống nứa, bánh trứng kiến, bún cổ truyền, ốc suối, rêu suối, rau rừng, thịt trâu gác bếp, da trâu khô, các loại rau rừng: nõi chuối rừng, bắp bi chuối rừng, bò khau, rau ngót rừng…
Phát triển kinh tế trên nền tảng ẩm thực bản địa, Lâm Bình đã triển khai thành công nhiều mô hình kinh tế từ cây, con truyền thống. Đến nay, toàn huyện có 19,7 ha cây rau Bò khai, 1,72 ha cây rau Ngót rừng, 4,9 ha cây Giảo cổ lam. Đồng thời, duy trì hơn 4.600 con dê, gần 7.500 con lợn đen, gần 12.000 con vịt bầu và gần 10.000 con gà địa phương…
Mùa xuân mới lại về trên non cao Lâm Bình. Không khí Tết hiện hữu khắp bản, làng. Người dân nơi đây lại nô nức chuẩn bị quần áo xúng xính đi trảy hội đầu xuân. Mỗi mùa xuân mới, Lâm Bình lại thêm một mùa đổi thay, đường sá khang trang hơn, sạch đẹp hơn, trong mỗi hộ gia đình lại thêm một mùa ấm no, hạnh phúc.