| Hotline: 0983.970.780

Làm giả thuốc bảo vệ thực vật: Trước sau cũng tới vòng lao lý

Thứ Sáu 25/08/2017 , 08:24 (GMT+7)

Thuốc bảo vệ thực vật giả không chỉ làm ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ và đời sống người nông dân mà còn tổn hại đến uy tín và sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Việc xử lý hình sự các hành vi sản xuất thuốc BVTV giả được kỳ vọng sẽ có tác dụng răn đe mạnh mẽ trong bối cảnh vấn nạn này đang hoành hành với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp như hiện nay.
 

Đi tù vì sản xuất thuốc BVTV giả

Ngày 14/8/2017, Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm đối với các đối tượng trong vụ làm giả thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn, phân phối đi nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

17-37-01_doc_qd_xet_xu_3
Xét xử sơ thẩm các đối tượng trong vụ làm giả thuốc bảo vệ thực vật

Trước đó, ngày 23/12/2015, đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế công an huyện Bình Chánh phối hợp với Công an xã Tân Nhựt, Phòng PC46-Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra kho hàng địa chỉ B21/448A, ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh thì phát hiện các đối tượng là Nguyễn Vũ Hoài Anh, Nguyễn Văn Thanh Tú, Nguyễn Văn Hiền và Lê Văn Cương đang sản xuất hàng giả là thuốc BVTV của một số nhãn hiệu nổi tiếng.

Khám xét khẩn cấp ngôi nhà này, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ hàng ngàn nguyên vật liệu để sản xuất thuốc BVTV giả, hàng chục ngàn sản phẩm dạng gói, bao, hộp, chai mang nhãn hiệu của nhiều hãng sản xuất thuốc BVTV có uy tín.

Xét thấy hành vi sản xuất thuốc BVTV giả là nguy hiểm cho xã hội, hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật” quy định tại điều 158 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, Nguyễn Vũ Hoài Anh phải nhận mức án 4,5 năm tù giam, Nguyễn Văn Thanh Tú và Lê Văn Cương cùng mức án 3,5 năm tù giam, Nguyễn Văn Hiền mức án 3 năm tù giam. Tất cả số hàng giả được lực lượng chức năng đem đi tiêu hủy.

Mới đây, lực lượng chức năng quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện một Công ty bao bì thực hiện làm giả nhãn bao bì thuốc BVTV của một công ty uy tín. Điều đáng ngại là do được sản xuất bởi một công ty in ấn bao bì chuyên nghiệp nên nếu không quan sát kỹ bao bì khi mua hàng, bà con nông dân rất khó có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả và rất dễ bị đánh lừa.

Những vụ việc liên tiếp bị phát hiện cùng những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng cho thấy vấn nạn thuốc BVTV giả đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn đến lợi ích, sức khỏe và đời sống của bà con nông dân, ảnh hưởng tới thị trường mà còn là thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chân chính, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bên.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, các hành vi sản xuất thuốc BVTV giả có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo Điều 158, Bộ luật Hình sự 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi có thể bị phạt tù tới 15 năm tùy thuộc vào mức độ phạm tội và hậu quả gây ra.

Cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp và người tiêu dùng hy vọng những biện pháp mạnh tay mà các cơ quan chức năng đang tiến hành sẽ có tác dụng răn đe, hạn chế tình trạng thuốc BVTV giả hoành hành trên thị trường.
 

Chủ động cứu mình trước "bão" hàng giả

Theo ông Phan Văn Tương, Giám đốc Tổ chức Croplife Việt Nam: “Để khắc phục triệt để tình trạng thuốc bảo vệ thực vật bị làm giả, làm nhái, cần điều tra tận gốc các cơ sở sản xuất, phạt nặng và xử lý hình sự các đối tượng vi phạm để có thể tạo được môi trường làm ăn lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính và mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân”.

Ngoài việc xử phạt nặng các hành vi làm giả, buôn bán và vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, lực lượng chức năng cần đặc biệt quan tâm công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật cho các đại lý, người dân hiểu được những hậu quả nghiêm trọng của việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV giả để phòng tránh.

Trên thực tế, trước vấn nạn thuốc bảo vệ thực vật giả hoành hành như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bảo vệ người tiêu dùng, cũng là tự "cứu" mình. Đơn cử như trường hợp của Công ty Syngenta Việt Nam. Để giúp nông dân tránh mua phải hàng giả, công ty đã thiết lập hệ thống mã vạch trên vỏ chai một số sản phẩm chủ lực. Khi mua hàng, bà con nông dân chỉ cần soạn tin nhắn kèm mã vạch gửi về tổng đài tự động, tin nhắn phản hồi về nguồn gốc của sản phẩm sẽ được gửi lại sau 3-4 giây. Ngoài ra, Syngenta còn chú trọng đầu tư sản xuất các loại bao bì, nhãn mác, đóng gói bằng những công nghệ hiện đại nhất để tránh việc bị làm giả, làm nhái.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam khẳng định: “Syngenta luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho từng chai, gói thuốc và từng hạt giống mà chúng tôi đem đến cho bà con nông dân Việt Nam. Để giữ vững những giá trị lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có những hành động pháp lý mạnh mẽ để bảo vệ hàng hóa của mình tránh khỏi việc bị làm giả, làm nhái. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng thì rất cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, hệ thống đại lý và của bà con nông dân để đẩy lùi “vấn nạn” thuốc BVTV giả”.

Xem thêm
Nâng cao hiệu quả canh tác cho nông nghiệp Việt Nam

CẦN THƠ Công ty Phân bón Việt Nhật JVF và Công ty XAG Mekong vừa ký hợp tác chiến lược nhằm mang đến những giải pháp canh tác hiệu quả và bền vững hơn cho nông dân...

Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị về thuế khô dầu đậu tương

Nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi vừa cùng gửi văn bản nêu những vướng mắc về mã số hàng hóa của mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?