Nông dân đang phun thuốc BVTV cho rau. |
Thực trạng ở Việt Nam
Thuốc BVTV được bắt đầu sử dụng ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1955. Nó tỏ ra là phương tiện quyết định, nhanh chóng dập tắt các dịch sâu bệnh trên diện rộng như sâu đục thân lúa, bọ rầy xanh truyền bệnh vàng lụi, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá... Nếu không có thuốc BVTV nhiều dịch hại cây trồng có thể làm giảm 40-60% năng suất trên diện rộng, cục bộ có thể mất trắng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV ở nước ta tăng quá nhanh. Theo số liệu của Cục BVTV trong giai đoạn 1981-1986 số lượng thuốc sử dụng là 6,5 – 9,0 ngàn tấn thương phẩm, tăng lên 20-30 ngàn tấn trong giai đoạn 1991 – 2000 và 36 – 75,8 ngàn tấn trong giai đoạn 2001-2010.
Tương ứng như vậy số lượng hoạt chất tính theo đầu diện tích canh tác (kg/ha) cũng tăng từ 0,3kg (1981-1986) lên 1,24 – 2,54kg (2001-2010). Số loại thuốc đăng ký sử dụng, trước năm 2000 số hoạt chất là 77, tên thương phẩm là 96, đến năm 2011 lên 1.202 và 3.108… Cả nước hiện còn tồn đọng trên 706 tấn thuốc cần tiêu hủy và 19.600 tấn rác bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom và xử lý, hàng năm phát sinh mới khoảng 9.000 tấn. Số vụ ngộ độc thuốc BVTV trên người tiếp tục gia tăng.
Sử dụng thuốc quá nhiều, quá mức cần thiết, dẫn đến tăng dư lượng trong nông sản, làm ô nhiễm môi trường, tổn hại hệ sinh thái, nhiều khi bùng phát dịch bệnh, giảm hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế, tổn hoại sức khỏe của người sản xuất và cộng đồng. Theo Phạm Văn Lầm số lần phun thuốc BVTV cho chè ở Thái Nguyên từ 6,2 đến 29,7 lần/năm, cho lúa ở đồng bằng sông Hồng từ 1 – 5 lần/vụ, ở đồng bằng sông Cửu Long từ 2-6 lần/vụ, trên 6 lần có 35,6% hộ. Số lần phun cho rau từ 7-10 lần/vụ ở đồng bằng sông Hồng, ở TP Hồ Chí Minh 10-30 lần. Một kết quả điều tra khác năm 2010 của Bùi Phương Loan ở vùng rau đồng bằng sông Hồng phun thuốc BVTV từ 26-32 lần trong 1 năm…
Như vậy có thể thấy, việc sử dụng thuốc BVTV ở nước ta trong vòng 10 năm lại đây, bên cạnh những thành tựu và ưu điểm cũng còn nhiều tồn tại, thiếu sót, tác hại có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có nguyên nhân chủ quan từ phía xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách quản lý và kỹ thuật và chủ quan từ phía thực hiện của người sản xuất nông nghiệp. Hoàn toàn có thể giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV từ 30-40% mà sản xuất vẫn đảm bảo an toàn và phát triển. Qua đó sẽ giảm thiểu được trên 50% nguy cơ của thuốc BVTV đối với con người và môi trường.
Xây dựng chiến lược sử dụng thuốc BVTV
Cần sớm xây dựng chiến lược sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam trong 10-15 năm tới với mục tiêu giảm nguy cơ của thuốc BVTV từ 40-50% so với hiện nay. Loại bỏ các loại thuốc có độ độc cao (Bảng I, II ). Giảm thiểu lượng thuốc sử dụng hàng năm khoảng 30-40% đặc biệt trên lúa, rau, chè, quả, vùng nông sản xuất khẩu. Giảm số lượng hoạt chất trong danh mục 30-40%, số sản phẩm thương mại 50-60%, cho 1 loại hoạt chất tối đa có 10 tên thương mại. Nâng tỷ lệ thuốc sinh học, thuốc có độ độc thấp (nhóm 4, 5), có thời gian cách ly dưới 7 ngày, thuốc thân thiện môi trường lên trên 60%. Quy hoạch lại mạng lưới sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, giảm số lượng các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuốc BVTV xuống dưới 50, các đại lý buôn bán thuốc BVTV từ 2-3 cửa hàng/1 xã. Từng bước xây dựng công nghiệp sản xuất thuốc BVTV của Việt Nam, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.
Đổi mới toàn diện và năng cao hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý thuốc BVTV theo danh mục. Theo chúng tôi, do chúng ta chưa có 1 nền công nghiệp sản xuất thuốc BVTV mà gần như phải nhập khẩu. Do sự yếu kém và rất khó khăn trong thanh tra hậu kiểm nên chúng ta vẫn phải quản lý thuốc BVTV theo danh mục như thuốc y tế. Thuốc BVTV gồm hàng ngàn loại với thành phần, đặc tính khác nhau của cả hoạt chất, phụ gia, độ độc, điều kiện sản xuất và sử dụng... nên không thể áp dụng những quy chuẩn kỹ thuật chung được, càng không thể xây dựng hàng ngàn quy chuẩn kỹ thuật riêng được.
Tuy nhiên cần có quy định chặt chẽ, khoa học, minh bạch về việc khảo nghiệm, công nhận, về việc “có ra có vào”, về cơ cấu chủng loại, về thủ tục đăng ký và loại bỏ khỏi danh mục, về cả thành phần và chất lượng của thành phần Hội đồng thẩm định. Thời gian qua có nhiều ý kiến không đồng tình về hoạt động này… Cần có chế tài quy định cụ thể, chặt chẽ về xây dựng, ban hành và thực hiện danh mục đáp ứng các định hướng sau:
Hạn chế số lượng hoạt chất trong danh mục, rất hạn chế các loại hoạt chất hỗn hợp, hạn chế số tên sản phẩm cho 1 hoạt chất. Hạn chế đăng ký sản phẩm mới cũng như nhập khẩu thuốc BVTV. Đăng ký khảo nghiệm sản phẩm thương mại thay vì hoạt chất kỹ thuật, đánh giá hiệu quả kỹ thuật đồng thời hiệu quả về môi trường, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế của cả hoạt chất lẫn phụ gia. Hạn chế đăng ký sản phẩm thuộc nhóm độc I, II có thời gian cách ly dài, có độc tính cao với ký sinh thiên địch và cá. Xem xét tăng phí khảo nghiệm và đăng ký. Đổi mới cơ cấu các nhóm thuốc trong danh mục, tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30-40% trong 5-7 năm tới, giảm rõ các loại thuốc thuộc nhóm độc I và II.
Định kỳ 3 năm cần rà soát lại sản phẩm, loại bỏ các loại thuốc không hoặc chưa được sử dụng trên thị trường, thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Xây dựng các danh mục khuyến cáo sử dụng của Trung ương và từng tỉnh giúp người nông dân lựa chọn đúng. Xây dựng chương trình hoặc đề án tổng thể việc áp dụng và mở rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như IPM, 3 giảm 3 tăng, công nghệ sinh thái BVN, SRI, VietGAP. Tăng cường thanh kiểm tra khâu sử dụng thuốc BVTV. Có chế tài xử lý đủ nặng và răn đe các vi phạm trong cung ứng và sử dụng thuốc BVTV. Củng cố và nâng cao quyền lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành về BVTV, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cấp xã phường trong quản lý, giám sát, kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV…