| Hotline: 0983.970.780

Làng Quỳnh nguyên mẫu

Thứ Hai 27/01/2020 , 13:15 (GMT+7)

Có lẽ bất cứ nhà văn nào cũng có một làng quê làm điểm tựa để sáng tác. Đó có thể là nguyên quán bản thân, một vùng đất lịch sử hoặc một nơi đáng nhớ lưu giữ những kỷ niệm đời.

Tôi cũng vậy, dẫu tôi là gốc người thành phố nhưng trong tác phẩm của tôi luôn hiện diện một ngôi làng, tôi đặt tên nó là làng Kình.

Ảnh minh họa.

Thực ra, đó là tên tôi gọi chệch đi ngôi làng quê ngoại nơi mẹ tôi sinh ra, lớn lên và từ đó người ra đi, bươn chải suốt cuộc đời, để cuối cùng mẹ không còn trở về nơi đó nữa. Tất nhiên là mẹ tôi qua đời về nằm ở nghĩa địa quê cha tôi, nguyên quán của tôi. Cái tên làng Kình trong sáng tác của tôi dựa vào nguyên mẫu làng Quỳnh. Làng Quỳnh nguyên mẫu.

Làng Quỳnh quê ngoại của tôi thuộc đất Hà Nam, thuộc một xã sát sạt thành phố Phủ Lý. Quê ngoại nhưng gắn bó với cuộc đời tôi gấp nhiều lần quê nội, dù quê nội tôi ở ngay Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn chục cây số.

Sở dĩ có điều đó là vì những năm tháng chiến tranh, mấy anh em tôi được đưa về quê mẹ sơ tán. Nơi ấy có bà ngoại tôi và các mợ. Mẹ tôi có mấy cậu em trai nhưng đều thoát ly công tác.

Ký ức tôi về làng Quỳnh thật sâu đậm. Một ngôi làng đặc trưng vùng châu thổ sông Hồng, nằm co cụm như một pháo đài, nhà cửa tựa nhau san sát, nhà này liền kề nhà kia chỉ cách nhau những mảnh vườn nho nhỏ và cái sân bằng gạch hoặc đất nện. Ranh giới là những hàng dậu cúc tần hoặc dâm bụt.

Lúc nhỏ nhìn nhà cửa làng mạc, tôi chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng khi lớn lên, tôi cho rằng, sở dĩ các làng quê như làng Quỳnh nhà cửa phải tựa vào nhau là có lý do. Mỗi làng quê là một pháo đài, đúng thế.

Giặc giã, trộm cướp và bao nhiêu tai ương khác khiến người dân phải tựa vào nhau để chống đỡ, để kết đoàn tạo nên sức mạnh. Điều này tạo ra một nghịch lý ở thời kỳ phát triển kinh tế là dù đất đai rộng lớn, cánh đồng cò bay mỏi cánh nhưng nhà cửa của dân làng chật chội một cách thật khó tin.

Có lẽ sớm phát hiện ra điều ấy nên ở những thập kỷ bảy, tám mươi rộ lên phong trào giãn dân. Ấy là những hộ gia đình chật chội được hợp tác xã, chính quyền xét cho giãn ra rìa làng. Những hồ ao lân cận ngôi làng được lấp đi chia cho những hộ quá chật chội. Làng xóm nhờ thế được mở rộng dần ra.

Bây giờ các làng quê ở trung tâm làng, nhà cửa còn chen nhau nhưng phía rìa làng đã là những vườn tược, nhà cửa rộng rãi, thậm chí là biệt thự của những người có điều kiện.

Tôi sơ tán một lèo ở quê cho đến khi chiến tranh phá hoại kết thúc. Mấy anh em tôi tiếng là người thành phố nhưng khi về quê đều còn nhỏ và ký ức tuổi thơ đương nhiên gắn liền với làng mạc, cánh đồng và trăm ngàn điều kỳ thú. Mãi mãi không thể quên được giàn mướp rực rỡ hoa vàng với những con ong bầu hút mật.

Những chú chuồn chuồn chao cánh. Nào có thể quên những con muỗm béo mầm vụ gặt. Đàn châu chấu ào ạt chạt đồng vớ được một mẻ vợt rang lên vàng xuộm. Nhớ nhất là vại tương ở góc sân ngọt ngào hương vị quê. 

Thằng bé con là tôi được làng Quỳnh tôi luyện. Cũng biết xách giỏ ra đồng tát vét, bắt cua cá. Những mô đất ngày nắng cua ngoi lên đậu chỉ việc rảo chân chụp đưa vào giỏ. Đêm mưa rào sấm sét, ếch bung khỏi tổ chồm hỗm trên mô rạ, đất cày, từng đôi tình tự, soi đèn chộp sướng tê dại bàn tay.

Mương máng, ruộng đồng tha hồ đánh ống lươn, đánh dậm, cất vó, úp nơm. Rồi khoét đất đắp mà chắn dòng chảy đón bắt những chú cá hiếu động gặp vật cản nhảy lên rơi tõm vào mà. Có hôm vớ được cả chép, chuối, xách lệch người.

Thú nhất là đi câu. Đầm, hồ trải dài tha hồ thả cần. Từ mại bầu, đòng đong, cân cấn, đến riếc, rô, trôi, mè, trê, trắm. Chao ôi là sướng, tuổi thơ cùng những cánh đồng, đầm ao...

Ngôi nhà của bà ngoại tôi ở giữa làng. Một ngôi nhà gạch xây lợp ngói 3 gian 2 chái. Bếp và chuồng trâu nằm riêng ở góc sân. Trong một chái chứa chiếc quan tài mộc hậu sự của bà tôi được dùng làm nơi chứa đồ. Tôi đã chui vào đó và tự đóng nắp. Kết quả là chết hụt, may có người phát hiện ra dòng nước tiểu rỉ ra khi hấp hối. Tuổi thơ nghịch dại không ít lần chết hụt từ khăng đáo vỡ đầu đến bơi lội chìm nghỉm. Nhớ thật sâu cánh võng đay chao liệng với lời bà ru ngọt ngào.

Cứ thế, tôi lớn lên, trưởng thành, vào đời với một ký ức quê ngoại làng Quỳnh sâu đậm. Số phận sắp xếp tôi thành nhà văn. Năm tháng sơ tán với cả biển trời ký ức thành bầu sữa dung dưỡng. Những dòng đầu tiên của sáng tác đầu đời chính là làng Quỳnh yêu dấu.

Tháng tháng, năm năm, tôi trở về làng Quỳnh, dần nhận ra những thay đổi. Cái pháo đài làng ngày nào không có chợ dẫu đủ cả đình, đền, chùa phải trông vào những chợ phiên trong vùng, giờ dọc con đường trục theo chiều dài làng là hàng quán đủ mọi thứ trên trời dưới biển. Quán ăn mọc ra như nấm. Dạo nhỏ mỗi khi bố mẹ về thăm, anh em tôi may mắn được ra thị xã ăn phở và những món ngon chỉ có trong tưởng tượng.

Giờ thì khác, thịt vài phản, phở vài hàng, cháo lòng tiết canh bán cả ngày. Quán karaoke du nhập rất nhanh. Làng Quỳnh mở rộng dần ra, chỉ giữ lại những cụm nhà cũ, giờ cũng đã được phá đi xây lại gần hết. Một làng Quỳnh khác biệt với làng Quỳnh tâm tưởng của tôi.

Nhưng nhờ thế mà tôi có được những làng Kình tác phẩm. Truyện về làng quê trong sáng tác của tôi nhất định phải là làng Kình. Sở dĩ phải gọi chệch tên đi để tránh đụng chạm.

Dạo đầu năm 90, tôi viết truyện ngắn “Quả muộn” vì truyện đọc trên sóng phát thanh nên làng Kình gây họa cho tôi với những người hàng xóm. Sau này thì “Triệu phú làng Kình” và đặc biệt là phim truyền hình dài tập “Gió làng Kình” phản ánh những đổi thay của làng quê Việt Nam. Với tôi, những sáng tác về đề tài nông thôn, đối tượng ưu tiên đầu tiên phải là làng Kình của làng Quỳnh nguyên mẫu. 

Thật biết ơn và bội phần cảm kích làng Quỳnh quê ngoại của tôi. Không có những năm tháng sơ tán thì tôi không thể có được những sáng tác về nông thôn. Không thể trở thành nhà văn hay biên kịch mang đậm chất quê như bây giờ. Một làng Quỳnh ấu thơ trở thành nền tảng vững chắc để tôi tựa vào viết nên những thiên truyện, những kịch bản đồng quê đủ mọi sắc thái. 

Ít năm gần đây, họ hàng ruột thịt dần dần rời cõi tạm ra đi, tôi thưa về làng hẳn. Một dạo, chợt giật mình khi đi trên đường cao tốc nhận ra ngôi làng yêu dấu của mình đã mang một diện mạo khác hẳn. Đầu làng sừng sững tòa nhà thi đấu thể thao hiện đại bề thế của tỉnh Hà Nam kéo theo đường ngang, đường dọc thảm nhựa thênh thang. Cánh đồng xưa giờ mọc lên các khu nhà, công xưởng. Đất đai được chia lô thành dự án. Về làng mới biết làng Quỳnh đã nhập vào thành phố. Không còn làng còn xã còn huyện như thưở nào nữa mà đã thành phố thành phường.

Vâng, làng Quỳnh nguyên mẫu của tôi xưa là làng Quỳnh Chân, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, nay là tổ dân phố Quỳnh Chân, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý. Một sự phát triển quy luật thần kỳ. Cảm ơn làng Quỳnh.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất