| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác phòng, chống rét cho gia súc tại Yên Bái

Thứ Hai 31/12/2018 , 10:10 (GMT+7)

Trước tình hình rét đậm, rét hại trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống rét trên đàn gia súc tại tỉnh Yên Bái.

Chủ động chống rét

Từ TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), đoàn công tác di chuyển hơn 100 km đến các xã Nậm Búng và Gia Hội (huyện Văn Chấn) trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Nằm dưới chân đèo Khau Phạ (một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam), đời sống của đồng bào miền sơn cước nơi đây còn khá khó khăn. Đất đai cằn cỗi, các hộ dân tập trung phát triển đàn trâu để nâng cao sinh kế.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc tại Yên Bái

Tuy nhiên, trước sự khắc nghiệt của thời tiết những năm qua, tỷ lệ trâu chết vì đói, rét trong mùa đông khá cao. Ông Đặng Duy Hiển – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) thống kê: Đầu năm 2018, chỉ hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã cướp đi sinh mạng của 154 con trâu, bò già yếu và bê, nghé mới sinh, khiến đời sống của một số hộ dân lâm vào cảnh khó khăn. Địa phương đã hỗ trợ mỗi con trâu, bò bị chết 6 triệu đồng.

Còn trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ tính riêng vụ đông xuân 2017 – 2018 đã có 1.264 con gia súc (trong đó có 831 con trâu; 181 con bò và 200 con dê) bị chết.

Ông Trần Đức Lâm – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái thông tin: Gia súc bị thiệt hại do giá rét chủ yếu tập trung ở 3 huyện Trạm Tấu (538 con), Mù Căng Chải (397 con) và Văn Chấn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trâu chết phần lớn là do tập quán chăn thả dông gia súc của bà con. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa tuân thủ các nguyên tắc chống rét, chống đói, phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Người dân dự trữ rơm khô chống đói cho trâu

Rất mừng là trong vụ đông xuân năm 2018 – 2019, đến nay tỉnh Yên Bái chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò bị chết rét. Có được kết quả đó là do các cấp, chính quyền địa phương đã tập trung triển khai mạnh mẽ các giải pháp để bảo vệ đàn vật nuôi nhằm hạn chế tốt nhất thiệt hại do rét và dịch bệnh gây ra...

Thay đổi nhận thức của người dân

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đến thăm gia đình chị Lò Thị Hoà (thôn Nam Vai, xã Gia Hội). Hiện chị Hoà đang nuôi 10 con trâu. Năm ngoái, trong một đợt rét hại, 1 con trâu và 1 con nghé đã chết khiến kinh tế gia đình tổn thất lớn. Năm nay, được sự hỗ trợ (15 triệu đồng xây chuồng gia súc) của tỉnh Yên Bái, chị Hoà đã xây dựng một khu chuồng kiên cố, xung quanh được che chắn bạt, ni lông. Trước mùa đông, gia đình đã dự trữ sẵn thức ăn, không để đàn trâu bị đói.

Những ngày nhiệt độ dưới 12oC, bà con không thả trâu, bò

Nhìn thấy nền chuồng vẫn bị đọng nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, phải xử lý dứt điểm để nền chuồng thật khô ráo, vì trâu có tập tính nhai lại, khi chúng ăn xong sẽ thường nằm để nhai, nếu nền chuồng ướt thì trâu sẽ bị lạnh. Bên cạnh đó, với thời tiết khắc nghiệt ở khu vực miền núi phía Bắc trong mùa đông, vào những ngày nhiệt độ xuống quá thấp, ngoài che chắn bạt (ni lông) hai lớp xung quanh, cần đốt lửa xung quanh để sưởi ấm cho đàn trâu. Bà con cũng nên rắc vôi bột quanh chuồng để tiêu diệt các nguồn lây bệnh, đồng thời bổ sung thức ăn tinh với khẩu phần cho trâu 1 – 1,5  kg/con/ngày, cho trâu uống nước ấm pha muối, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu để tăng sức đế kháng cho cơ thể. Tốt nhất là nên nấu cháo để vật nuôi dễ tiêu hoá.

Một chuồng trâu được che chắn gió

Đoàn cũng đến thăm gia đình bà Hà Thị Vân, có hai con trâu đang được chăm sóc. Bà Vân cho biết, khi trời chuyển lạnh, bà lập tức lùa trâu về nhốt ở chuồng. Trước đó, bà đã dự trữ một kho rơm khô để đàn trâu chống đói. Đồng thời hàng ngày đều băm cây chuối, trộn bột ngô, sắn nấu cháo cho Trâu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến lưu ý chuồng nuôi trâu của bà Vân vẫn chưa đạt tiêu chuẩn, gió vẫn bị lùa và xung quanh chuồng nuôi vẫn chưa được vệ sinh sạch sẽ, có nhiều nước đọng, phân thải. Đây là nguy cơ lây bệnh.

Tại địa bàn thôn Nậm Pươi, xã Nậm Búng, mấy năm trở lại đây phong trào nuôi trâu phát triển kinh tế khá sôi động. Đi kèm với đó, công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi cũng được các hộ chú trọng hơn. Gia đình anh Triệu A Nhị (thôn Nậm Pươi) có 5 con trâu cái, mỗi năm có 5 con nghé được sinh ra, ông nuôi vỗ rồi bán bớt 4 con trang trải sinh hoạt, mua máy nông cụ, tích luỹ xây nhà. Con còn lại được giữ để phát triển quy mô đàn.

Nuôi trâu đang là hướng phát triển sinh kế của nhiều hộ dân ở huyện Văn Trấn

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển chăn nuôi (hỗ trợ 100%  vacxin tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc; 15 – 20 triệu đồng để bà con xây dựng chuồng nuôi; hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò; hỗ trợ 300.000 đồng/cây rơm cho các hộ chăn nuôi gia súc gặp khó khăn về diện tích chăn thả; tuyên truyền, phát động phong trào trồng cỏ, ngô sinh khối...

Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý, tỉnh Yên Bái phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi. Bởi trong tổng số 42.000 hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh, vẫn còn khoảng 2.200 hộ chưa có chuồng đảm bảo chống rét (chiếm tỷ lệ 5%). Bên cạnh đó, số hộ có thức ăn dự trữ mới chỉ đạt 83%; Tổng diện tích trồng cỏ  toàn tỉnh đạt khoảng 2.700 ha, sản lượng hàng năm ước khoảng 500.000 tấn, chỉ đáp ứng được khoảng 35% thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn.

Bổ sung thức ăn tinh cho đàn trâu ngày giá rét

 

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.